Khi yêu nhau, có thể người ta chỉ cần… uống nước lã cũng thấy đời vui, lúc nào cũng chan hòa hạnh phúc. Họ những tưởng sau khi đã về chung sống thì cuộc đời cũng như thế. Chà, chà, sức mấy như thế, dẫu có nằm mơ cũng không thể thấy được. Do đâu? Có nhiều lý do cực kỳ chính đáng, trong đó còn có sự quyết định của “giá, lương, tiền” nữa, nói trắng phớ ra chính là nỗi lo canh cánh về “cơm áo gạo tiền”.
Tôi biết có đôi bạn trẻ, từ hai bàn tay trắng, lúc mới cưới nhau, họ cùng làm lụm, dành dụm nên khó có thể tách bạch, rạch ròi về tài sản. Thế nhưng đôi khi đồng tiền đó lại bị chi phối bởi người thân, dù chồng/vợ không muốn. Éo le là chỗ đó. Dù tiền không nhiều, phải chắt chiu dành dụm nhưng “nửa kia” lại đem “viện trợ” cho người thân. Khổ thế.
Hôm nọ, cô bạn gái ghé nhà “tám”, tôi thật bất ngờ khi hay tin vợ chồng bạn đang hục hặc, khó giảng hòa. Bấy lâu nay, ở nhà thì chồng được phân công “tay hòm chìa khóa”, chẳng hề suy suyển một đồng nào vì anh ta tiêu xài chừng mực, không bê tha rượu chè, gái gú… Một người chồng như vậy, tốt quá chứ gì nữa? Vậy mà, “đùng một cái” cô vợ bật ngửa khi hay tin động trời: toàn bộ số tiền dành dụm đã không còn nằm trong tài khoản gửi ngân hàng nữa.
Chuyện là, có dạo, cô thấy mẹ chồng sang nhà chơi, ở lại dăm ba hôm. Chắc bà nhớ cháu nội chăng? Cô đâu biết những ngày đó, bà nội của cháu “bí mật” tỉ tê, tâm sự với con trai về hoàn cảnh vợ chồng chị cả đang thiếu nợ tứ tung. “Không khéo phen này, chúng nó phải ra đê mà ở. Con nợ đến siết nhà chứ chẳng đùa”.
Nói xong, bà ứa nước mắt, sụt sùi rơi nước mắt. Rồi bà lại kể những ngày còn bé, có lần anh ta ốm nặng, một tay chăm sóc là người chị đó. Anh ta cảm động lắm. Sau những lúc tỉ tê ấy, bà bảo: “Mẹ sắp về với ông bà ông vải rồi, chỉ có nguyện vọng trước khi nhắm mắt là con làm ơn ra tay giúp chị con qua cái đận này. Được thế, mẹ thật mãn nguyện”.
Nghe những câu nói như trăng trối, dù xúc động về tình cảm ruột thịt nhưng lòng người chồng vẫn rối như tơ vò. Chắc gì cô vợ đồng tình, chia sẻ nguyện vọng của mẹ? Hơn nữa số tiền dành dụm bấy lâu là nhằm mục đích sửa sang lại căn nhà. Cân nhắc thế nào đây? Khó tính quá đi mất. Cuối cùng anh ta tự nhủ: “Nhà không sửa lúc này thì lúc khác, chứ ai nỡ nhìn tình cảnh đau lòng đó của chị?”. Vậy là hắn ta lẳng lặng ra ngân hàng rút tiền. Khi hay tin, thử hỏi tâm trạng cô vợ thế nào? Sóng gió là cái chắc.
Có những tình huống dù biết sai lặt lè, nhưng rồi do thúc ép bức bách quá, người ta lại làm liều. Trường hợp này là vậy. Nếu người mẹ nghĩ rằng, một khi con cái đã ra ở riêng, chuyện tiền nong của vợ chồng nó, tốt nhất không nên can thiệp, biết đâu lại đẩy con mình đứng trước cảnh tan đàn xẻ nghé.
Mà, đã nói đi thì cũng nói lại đã lập gia đình nhưng ít ai chỉ chăm bẵm lo thu vén cho mái ấm riêng tư, bỏ mặc anh em ruột thịt. Vì tình thương yêu máu mủ nên họ đâu thể nhắm mắt làm ngơ khi người thân hoạn nạn, bệnh tật, gặp khó khăn, cần sự trợ giúp. Do đó, họ phải “ra tay” cũng là điều dễ hiểu. Một lẽ thường tình trong tình cảm của mọi người. Thế nhưng, cách xử lý ấy không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái.
Dạo gần đây, bạn bè tôi lại thấy anh nọ thay đổi tính nết, khác trước nhiều lắm. Qua tìm hiểu, anh cho biết là căn nhà đang chật chội như cái hộp diêm thế mà cô vợ lại đồng ý cho 2 cậu em vợ tá túc. Vợ anh là con gái đầu, theo chồng lên phố lập nghiệp, còn các cậu em đều ở quê. Nay chúng đang thời gian đi xin việc, đến một nơi xa lạ thì tá túc vào đâu? Em về ở nhà chị thì hợp lý quá đi thôi. Về cái tình là vậy nhưng rồi anh lại cảm thấy mệt mỏi, khó chịu.
Lâu nay, Lâm đã quen nếp sinh hoạt ngủ nghỉ đúng giờ giấc, giờ nào việc nấy, thế mà từ khi em vợ ở chung, mọi việc xáo tung lên cả. Nhiều lúc đang ngủ, lại nghe chó sủa inh ỏi bởi giờ đó chúng mới vác xác về nhà. Nhắc nhở đôi ba lần mà chúng vẫn tính nào tật nấy, phải làm sao đây? Nhắc nhở nhiều lần, không khéo chúng gây hiểu nhầm lại càng thêm phiền. Đã thế, tiền phải chi ra nhiều hơn trước, làm sao có thể dành dụm?
Tình yêu thương, sự cưu mang, giúp đỡ dành cho người ruột thịt là đáng quý. Ai cũng biết là thế. Nhưng rồi một khi đã lập gia đình, muốn quyết định một vấn đề gì không thể không hỏi ý kiến của người chồng/vợ. Phải có được đồng thuận, bằng không, biết đâu sẽ gặp phải rắc rối, phiền toái. Mà khổ tâm nhất là nỗi phiền toái ấy khó thốt nên lời, bằng mặt mà không bằng lòng nên càng ấm ức. Sự ấm ức này nếu không giải quyết ổn thỏa từ ban đầu e “lớn chuyện” về sau…
LÊ MINH QUỐC