Sáng 23/12, UBND tỉnh tổ chức Lễ công bố quyết định công nhận Bảo vật quốc gia Mặt nạ vàng Giồng Lớn-Long Sơn, đồng thời trưng bày cùng một số hiện vật khác để người dân, du khách tham quan.
Hình ảnh ba mặt nạ vàng Giồng Lớn bảo vật quốc gia. |
Mặt nạ vàng trong mộ táng
Bộ 3 chiếc mặt nạ vàng Giồng Lớn được đặt tên bằng chính địa danh nơi đã tìm ra chúng tại Giồng Lớn (thuộc xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu). 3 chiếc mặt nạ được phát hiện tại 3 ngôi mộ trong các đợt khai quật khảo cổ học năm 2003, 2005 do Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam chủ trì phối hợp với Bảo tàng Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong mộ, bên cạnh mặt nạ vàng còn có các đồ tùy táng khác như: đồ gốm, đồ trang sức, tiền Ngũ Thù, công cụ, vũ khí…
Trên cơ sở so sánh với các di chỉ khác trong khu vực Trung Bộ, Đông Nam Bộ và các di chỉ khác ở Đông Nam Á hải đảo, các nhà khảo cổ nhận định rằng, 3 ngôi mộ này nằm trong khung niên đại từ thế kỷ 1 trước Công nguyên đến thế kỷ 2. Đây cũng là niên đại của 3 chiếc mặt nạ. Thời kỳ này chính là giai đoạn bản lề ở Nam Bộ, khi văn hóa tiền Óc Eo tiếp thu các yếu tố mới từ bên ngoài và chuyển tiếp lên văn hóa Óc Eo.
Qua kết quả phân tích thành phần hóa học cho thấy, ba mặt nạ đều được làm từ vàng sa khoáng. 3 hiện vật này lần lượt có tỷ lệ vàng là 96%, 79% và 75%, còn lại là một số kim loại màu để gia tăng độ cứng và một số tạp chất khác.
Cùng với 3 mặt nạ vàng Giồng Lớn được công nhận bảo vật quốc gia Lễ hội truyền thống Lễ giỗ bà Phi Yến tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được ghi danh vào di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cũng được UBND tỉnh tổ chức công bố vào sáng 23/12. |
Về hình dáng, mặt nạ vàng Giồng Lớn 1 hình chữ nhật, phần mặt trước in nổi hình đôi mắt mở to và một phần sống mũi. Phía trên mắt là đôi lông mày dài, thanh tú với phần đầu thấp ngang mí mắt, thân cong dần lên trên và đuôi mày cao vút. Đây là chiếc mặt nạ dạng eye-cover, nghĩa là chỉ thể hiện nửa mặt phía trên, chủ yếu là đôi mắt.
Mặt nạ vàng Giồng Lớn 2 cũng có hình chữ nhật. Phần mặt trước in nổi đôi mắt mở to, đôi lông mày cong cụp xuống cùng với sống mũi nổi cao, cánh mũi bầu. Góc dưới của má bên phải được thể hiện một hình gần giống mặt trời, với 1 vòng tròn ở giữa và nhiều tia xung quanh. Đây cũng là một chiếc mặt nạ thuộc dạng eye-cover giống với mặt nạ Giồng Lớn 1, mặt nạ Giồng Lớn 2 thể hiện cả phần cánh mũi.
Mặt nạ vàng Giồng Lớn 3 có hình chữ nhật. Phần mặt trước in nổi khuôn mặt người với đôi mắt mở to, đôi lông mày rậm giao nhau, mũi to, môi dày. 4 góc và gần phía dưới môi được đục lỗ để xỏ dây. Đây là một chiếc mặt nạ thuộc dạng full-face, tức là thể hiện toàn bộ đặc điểm của khuôn mặt.
Chiếc mặt nạ che mặt hoàn toàn tại Giồng Lớn. |
Bảo vật độc đáo
Trong hồ sơ công nhận Bảo vật quốc gia nêu rõ, cả 3 mặt nạ vàng đều được chế tác tinh xảo bằng kỹ thuật chạm nổi. Điều đó có nghĩa là sau khi miếng vàng được dát mỏng, người thợ thủ công phác họa những nét cơ bản của khuôn mặt ở phần phía sau của mặt nạ, tức là phần âm bản. Sau đó, từ mặt trước của mặt nạ, người thợ chạm theo những nét đã phác họa trước đó để tạo nên phần dương bản của hiện vật. Công cụ sử dụng có thể là: đục, búa, bàn kê, với sự hỗ trợ phần nào của nhiệt.
Ông Trần Anh Thiện, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho hay, hầu hết thành viên Hội đồng Di sản quốc gia đều đồng ý với việc 3 mặt nạ vàng còn gần như nguyên vẹn. Đây là những hiện vật có nguồn gốc, xuất xứ được khai quật bằng phương pháp khảo cổ học duy nhất được biết cho đến nay ở Việt Nam. Và bộ sưu tập đồ vàng Giồng Lớn là sưu tập đồ vàng có niên đại sớm, với số lượng lớn và loại hình phong phú, đặc biệt nhất hiện biết ở Việt Nam. 3 chiếc mặt nạ bảo vật quốc gia đã góp phần làm nên sự đặc biệt đó.
“Sau Lễ công bố, 3 chiếc mặt nạ bảo vật quốc gia sẽ được trưng bày tại tủ trưng bày riêng, có hệ thống camera giám sát và cảm biến 24/24 tại khu Khảo cổ học của Bảo tàng tỉnh nhằm quảng bá rộng rãi đến người dân và du khách những giá trị văn hóa, lịch sử”, ông Trần Anh Thiện thông tin.
Bài, ảnh: HOÀNG BÁCH