Ngày 12/11, tại Nhà Truyền thống Cách mạng Vũng Tàu (1, Bacu, TP. Vũng Tàu), Bộ LĐ-TBXH phối hợp UBND tỉnh, Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN WOMEN) tổ chức Lễ phát động Tháng hành động Vì bình đẳng giới cấp quốc gia năm 2022.
Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam (thứ ba từ trái sang) cùng lãnh đạo Bộ LĐ-TBXH, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện nghi thức nhấn nút phát động “Tháng hành động Vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022”. |
Lan tỏa thông điệp vì phụ nữ và trẻ em
Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương vinh dự được đăng cai tổ chức sự kiện cấp quốc gia với sự tham gia của 650 người, gồm: lãnh đạo các bộ, ngành, hội, đoàn thể Trung ương; đại diện các cơ quan của Liên hợp quốc và Tổ chức quốc tế; lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể và người dân địa phương.
Với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”, Lễ phát động là một trong những sự kiện mở đầu cho chuỗi các hoạt động sẽ diễn ra trong Tháng hành động.
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam cho biết, đây là năm thứ 7 Việt Nam tổ chức Lễ phát động quy mô cấp quốc gia. Qua đó, khẳng định về những cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới thời gian qua, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
“Một xã hội bình đẳng là không có bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Mục tiêu đó chỉ có thể trở thành hiện thực khi được tất cả các cấp, ngành, cộng đồng chủ động cam kết và có những hành động cụ thể, thiết thực để xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, bà Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới
Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam cho biết, trên toàn thế giới, phân biệt đối xử trên cơ sở giới và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt trẻ em gái vẫn là hành vi vi phạm quyền con người phổ biến nhất và là tội phạm ít bị truy tố nhất. Việt Nam không phải là ngoại lệ. Theo “Nghiên cứu quốc gia lần thứ hai về bạo lực đối với phụ nữ năm 2019” của Việt Nam, trong 2/3 phụ nữ đã kết hôn có gần 63% đã từng bị bạo lực về thân thể, tình dục, tình cảm hoặc kinh tế do bạn đời của họ gây ra. Hơn 90% phụ nữ bị bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ. Bạo lực trên cơ sở giới gây ra những thiệt hại nhất định. Năm 2018, thiệt hại này ước tính là 1,8% GDP của Việt Nam.
“Phân biệt đối xử và bạo lực trên cơ sở giới là điều không thể chấp nhận và cần phải dừng lại! Các hoạt động trong Tháng hành động quốc gia cần thúc đẩy thay đổi các chuẩn mực xã hội. Chúng ta phải phát triển văn hóa tôn trọng và bình đẳng giữa tất cả các giới trong mọi bối cảnh: gia đình, nhà trường, nơi làm việc, nơi công cộng, kể cả trên không gian mạng”, bà Elisa Fernandez Saenz nhấn mạnh.
Ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh cho hay, Bà Rịa-Vũng Tàu đã có nhiều nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới và bảo đảm an sinh xã hội. Qua 15 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, tỉnh đã có những tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan Đảng, đoàn thể và chính quyền. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp năm 2010 là 7,6%, đến nay tăng lên 16,16%; nữ tham gia HĐND các cấp năm 2010 là 20,7%, nay là 32%.
“Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập trong thực hiện bình đẳng giới. Tư tưởng định kiến trọng nam khinh nữ vẫn còn. Trong gia đình, phụ nữ vẫn luôn gánh vác hầu hết các công việc nội trợ, chăm sóc con cái, ít được sự chia sẻ của nam giới. Vì vậy, điều kiện phát huy sức sáng tạo của phụ nữ còn hạn chế, ít có cơ hội học tập để thăng tiến, đời sống việc làm của một bộ phận phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng nông thôn còn nhiều khó khăn”, ông Đặng Minh Thông nhận định.
Trước tình trạng trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Minh Thông kêu gọi sự cam kết và tham gia tích cực hơn nữa từ các cơ quan, đoàn thể, chính quyền, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh nhằm tiếp tục thực hiện các biện pháp ngăn chặn, chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới. Đặc biệt là mọi người cần mạnh mẽ góp tiếng nói trước những hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, góp phần xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững.
Tháng hành động Vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức từ 15/11 đến 15/12 hằng năm. Qua 6 năm triển khai (2016-2021), đã có hơn 10 triệu lượt người được truyền thông, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ và người dân về công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Hằng năm, 100% các địa phương và nhiều bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng hành động này. |
Bài, ảnh: THI PHONG