Có được thành công trong việc kéo giảm tình trạng lây nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh như hiện nay, không thể không nhắc tới vai trò quan trọng của các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO). Với nhiều cách làm hay, họ đã tuyên truyền, vận động người nhiễm HIV, các đối tượng nguy cơ cao thực hiện các biện pháp phòng tránh HIV cho bản thân, cộng đồng hiệu quả.
Chị Nguyễn Thị Hồng Phượng tham gia hoạt động giới thiệu việc sử dụng thuốc kháng vi rút để dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) do CDC tỉnh tổ chức. |
Công việc đặc biệt…
“Ban đầu, tôi được một người bạn giới thiệu đi làm xét nghiệm kiểm tra, khi có kết quả âm tính thì được tư vấn điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP). Thấy hiệu quả nên tôi cũng mong muốn được lan tỏa cho những ai đang có nguy cơ cao nhiễm HIV trong nhóm đồng tính nam (MSM) tham khảo và áp dụng theo”, anh Trần Thanh Đạo (thành viên nhóm CBO Tháng Năm, TX. Phú Mỹ) chia sẻ về thời điểm lựa chọn trở thành thành viên CBO của mình.
Đến nay, anh Trần Thanh Đạo đã tham gia vào hoạt động nhóm CBO Tháng Năm hơn 1 năm. Với thực trạng nhóm MSM trên địa bàn TX. Phú Mỹ khá đông nhưng việc tiếp cận khá khó khăn do nhiều bạn chưa công khai xu hướng tính dục với gia đình, mọi người xung quanh và còn ngần ngại chia sẻ thông tin. Tuy nhiên, với vai trò là thành viên cộng đồng MSM thì anh Đạo có thuận lợi hơn khi tiếp cận đối với nhóm khách hàng này.
3 thành viên của nhóm CBO Tháng Năm luôn nhiệt tình và tư vấn khách hàng. Đến nay, nhóm đã hỗ trợ cho 209 khách hàng sử dụng thuốc PrEP. “Có những trường hợp các bạn phải tư vấn ròng rã trong nhiều tháng. Cùng với việc nhắn tin động viên, chia sẻ, tìm hiểu mỗi ngày, nhóm còn chủ động mời khách hàng gặp mặt để chia sẻ thông tin và những hiệu quả thực tế của việc dùng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm”, anh Trần Thanh Đạo kể.
Anh Trần Thanh Đạo chia sẻ thêm: “Nhóm Tháng Năm mong muốn sẽ tuyên truyền sâu rộng hơn tới các bạn trẻ, đặc biệt là tại khu vực trường học THPT và các KCN. Ở TX. Phú Mỹ có nhiều KCN nhưng may mắn là trong nhóm của chúng tôi cũng có bạn là công nhân nên cũng dễ tiếp cận. Vào thời điểm, thành viên nhóm tới tận các khu nhà trọ để tuyên truyền đồng thời mang các sản phẩm theo để giới thiệu trực tiếp cho mọi người. Với quyết tâm và trách nhiệm với cộng đồng, chúng tôi hy vọng sẽ góp một phần nhỏ của mình để không còn người bị nhiễm HIV cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn”.
Đối với chị Nguyễn Thị Hồng Phượng (TT. Long Hải, huyện Long Điền) đã có hơn 18 năm gắn bó với công việc tình nguyện. Chị Phượng kể, vào năm 2004, khi ấy tình trạng lây nhiễm HIV trên địa bàn khá cao, lại chưa có thuốc dự phòng như bây giờ nên nguy cơ lây nhiễm qua con đường mại dâm rất phức tạp. Thương các em gái còn trẻ, vì lý do nào đó trong cuộc sống phải theo con đường này để mưu sinh. Nếu không may bị nhiễm bệnh sẽ không chỉ khổ cho bản thân mà còn lây nhiễm cho cộng đồng nên chị Phượng đã trở thành một tình nguyện viên hỗ trợ họ. Công việc lúc ấy của chị là tư vấn, phát bao cao su miễn phí tại các tụ điểm nóng về gái mại dâm.
“Để dễ dàng tiếp cận với các cô gái có nguy cơ cao nhiễm HIV, tôi thường xuyên trò chuyện, tâm tình về cuộc sống như chị em và dần trở nên thân thiết như những người trong gia đình. Vốn làm nghề nail tôi đến tận các xóm trọ của các cô gái để mời dịch vụ, thậm chí nhận luôn công việc giặt đồ thuê, để qua đó thêm gần gũi và thấu hiểu hơn về cuộc sống hàng ngày của họ”, chị Phượng nhớ lại.
Theo CDC tỉnh, để cho các đồng đẳng viên như chị Phượng, anh Đoàn hoạt động ngày một hiệu quả, ngoài sự hỗ trợ của các Trung tâm y tế địa phương, Dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS (dự án EPIC) cũng thường xuyên tổ chức tập huấn, đồng thời Dự án cũng hỗ trợ một phần kinh phí để các CBO duy trì hoạt động thường xuyên hơn. Thế nhưng, những thành viên CBO luôn tâm niệm những hoạt động này xuất phát từ sự tự nguyện và hạnh phúc vì được góp sức cho mục tiêu phòng, chống HIV/ADIS. |
Vì mục tiêu phòng, chống HIV
Trong gần 20 năm làm tư vấn, chị Phượng cũng gặp không ít trường hợp phản ứng dữ dội khi tiếp xúc với họ. “Có bạn khi biết bị nhiễm HIV, sốc tâm lý nặng nề, thậm chí muốn xa lánh tất cả, muốn tự vẫn, họ hận cuộc đời. Và có những lúc chúng tôi còn phải đóng vai người nhiễm HIV để có sự đồng cảm, để sẻ chia, trở thành điểm tựa khi họ quỵ ngã trong cuộc sống”, chị Phượng chia sẻ.
Những năm gần đây, chị và lực lượng tình nguyện đã thành lập ra nhóm CBO “Muối Trắng” (huyện Long Điền) để hỗ trợ những người nhiễm HIV và những người có nguy cơ cao. Nhóm của chị hiện tại có 13 người, trong đó chị là phó nhóm. Từ đầu năm tới nay, nhóm đã tiếp cận, tư vấn cho hàng trăm trường hợp có xét nghiệm, điều trị bằng thuốc dự phòng lây nhiễm (PrEP) đặc biệt đã hỗ trợ cho 14 người nhiễm HIV được xét nghiệm khẳng định và sử dụng thuốc ARV.
“Đây là hoạt động vì cộng đồng và cũng xuất phát từ tâm nguyện muốn nhìn thấy người khác được an toàn, khỏe mạnh, sống hạnh phúc…”, chị Nguyễn Thị Hồng Phượng tâm sự.
Bác sĩ Bùi Văn Doanh, Phụ trách điều trị HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) tỉnh cho biết, những thành viên CBO có sự đồng cảm, chia sẻ về tâm tư tình cảm và dễ dàng có tiếng nói chung trong cuộc sống. Vì vậy, các nhóm CBO là cánh tay nối dài của các cơ sở y tế để tiếp cận, kết nối các khách hàng đến tư vấn xét nghiệm, điều trị PrEP, điều trị HIV/AIDS cũng như điều trị đồng nhiễm khác.
Bài, ảnh: QUANG LÊ