Làm gì với tình trạng da khô ráp khi thời tiết chuyển mùa
Da khô là tình trạng da thô ráp, sần sùi, bị bong tróc, nứt nẻ do thiếu độ ẩm. Da khô gây mất thẩm mỹ cho làn da và gây không ít phiền toái. Da khô đặc biệt rất hay gặp khi thời tiết hanh khô và chuyển mùa.
Khô da có thể xảy ra với bất cứ ai, nhưng có các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc khô da như: Tuổi trên 40 dễ bị tình trạng khô da hơn. Người sống ở vùng khô, lạnh hoặc độ ẩm không khí thấp. Đặc thù công việc khiến da phải tiếp xúc nhiều với nước và hóa chất. Mắc một số bệnh như suy giáp, tiểu đường hoặc suy dinh dưỡng. Không uống đủ nước.
Để hạn chế những vùng da khô xuất hiện, cần tập thói quen trong chế độ sinh hoạt hằng ngày.
Vệ sinh da thường xuyên: Rửa mặt nhẹ nhàng hai lần một ngày. Sử dụng chất tẩy rửa nhẹ nhàng, không chứa cồn, không tạo bọt. Các sản phẩm có axit stearic (có trong bơ hạt mỡ) hoặc axit linoleic (có trong dầu argan) có thể giúp sửa chữa làn da. Nếu da nhạy cảm, rửa bằng sữa rửa mặt vào buổi tối và chỉ rửa lại với nước vào những lần khác.
Sử dụng nước ấm và hạn chế thời gian tắm vì tắm lâu và nước nóng làm mất đi lớp dầu tự nhiên của da. Tránh dùng đá bọt...
Nên sử dụng xà bông giữ ẩm không gây dị ứng. Sau đó thoa kem dưỡng ẩm khi da vẫn còn ẩm.
Sử dụng kem dưỡng ẩm có chứa chất chống nắng hoặc kem chống nắng phổ rộng ngay cả trong những ngày nhiều mây.
Nếu bị mụn trứng cá, tránh các sản phẩm bôi lên mặt có chứa dầu khoáng, bơ ca cao hoặc dầu dừa.
Sử dụng máy tạo độ ẩm: để bổ sung độ ẩm cho không khí trong nhà. Sử dụng quần áo thích hợp với làn da.
Nếu da khô gây ngứa, hãy đắp khăn ẩm, mát và sạch. Tránh chà xát hoặc làm trầy xước da.
Tránh mất nước do uống rượu và uống nhiều nước.
Hầu hết các trường hợp da khô đều được khắc phục với việc thay đổi lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà, tuy nhiên nếu có hiện tượng bất thường, cần đi khám bác sĩ da liễu.
NGỌC CHÂU