KỶ NIỆM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20/11)

Như cánh chim không mỏi

Thứ Năm, 17/11/2022, 19:15 [GMT+7]
In bài này
.

“Dáng người nhỏ nhưng ý chí, tư tưởng lớn, hết mình với nghề nghiệp, đam mê nghiên cứu khoa học…”, đó là những lời nhận xét của thầy Đoàn Vũ Công Hoài, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (huyện Châu Đức) về cô Nguyễn Thị Thúy, GV bộ môn Công nghệ của trường.

Cô Thúy là 1 trong 2 GV của tỉnh được Bộ GD-ĐT vinh danh là nhà giáo tiêu biểu giai đoạn 1982-2022.

Cô Thúy cảm thấy cuộc sống của mình thực sự có ý nghĩa khi mỗi ngày được lên lớp, ngắm nhìn gương mặt trong trẻo của học trò.
Cô Thúy cảm thấy cuộc sống của mình thực sự có ý nghĩa khi mỗi ngày được lên lớp, ngắm nhìn gương mặt trong trẻo của học trò.

Từ nông trường tới bục giảng

Cô Thúy nhớ lại, năm 1984 cô theo gia đình từ Thái Nguyên vào Châu Đức lập nghiệp. Khi ấy, hoàn cảnh gia đình cô Thúy khá khó khăn, ba là thương binh, sức khỏe không tốt, các em còn nhỏ dại. Sau nhiều đêm trăn trở, cô Thúy quyết định “gói ghém” lại giấc mơ vào ĐH, trở thành công nhân Nông trường Cao su Xà Bang để phụ giúp gia đình. Cuộc mưu sinh vất vả không làm cô công nhân nông trường nguôi ngoai khát khao được học hành đến nơi đến chốn để thực hiện mơ ước từ nhỏ là trở thành cô giáo. 17 tuổi, cô Thúy quyết tâm quay trở lại việc học, dù lựa chọn ấy với cô không hề dễ dàng. “Khi đó, tôi tốt nghiệp THPT hệ 10 năm ngoài bắc, nên việc bù đắp đủ lượng kiến thức cho phù hợp với chương trình hệ 12 năm là khó nhất”, cô Thúy nhớ lại. Không chùn bước trước khó khăn, cô Thúy miệt mài tự học để củng cố kiến thức Toán, Hóa, Sinh và thi đậu khoa Kỹ thuật nữ công, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh vào năm 1988. “Thời điểm tôi quay lại học, kinh tế gia đình tôi khó khăn lắm! Thế nhưng, ba mẹ vẫn ủng hộ quyết định của tôi. Ba dành riêng khoản lương hưu cho tôi đi học, còn cả gia đình thì chịu kham khổ. Gia đình đã ở bên cạnh tôi, giúp tôi hoàn thành nguyện vọng của mình”, cô Thúy rưng rưng xúc động.

Vượt qua những vất vả đời sinh viên nghèo, sở hữu trong tay tấm bằng “kỹ sư giáo dục”, cô Thúy trở về Bà Rịa - Vũng Tàu nộp đơn xin đi dạy tại Trường THPT Nguyễn Du (huyện Châu Đức) và gắn bó với mái trường này cho đến tận bây giờ. Cô Thúy không bao giờ quên được hình ảnh người thầy dạy Toán bị tật ở chân, bước từng bước khó khăn trên bục giảng nhưng mỗi bài giảng của thầy đều vô cùng cuốn hút. Thầy lại rất tình cảm, giản dị, gần gũi nên học với thầy các trò đều ngoan hơn, thích học Toán hơn. Điều ấy khiến cô cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ, để rồi niềm đam mê với “phấn trắng, bảng đen” được “ươm mầm” từ đó. Đến khi vào nghề, mỗi ngày đến trường, được nhìn thấy gương mặt ngây thơ, trong trẻo của những cô cậu học trò, cô Thúy lại cảm thấy mình như được sống cùng lứa tuổi 15-17 của các em. 

“Tôi không biết mình sẽ thế nào nếu ngừng nỗ lực”

Cô Thúy quan niệm rằng, dù công việc chỉ là đứng lớp dạy học nhưng người thầy phải thay đổi cho phù hợp với sự phát triển của công nghệ và của xã hội, phải không ngừng học hỏi để nâng cao hiểu biết của mình. Với suy nghĩ đó, cô Thúy quyết tâm nộp đơn thi cao học khi đã bước vào tuổi 36 và cuộc sống vẫn bộn bề khó khăn. Những tháng ngày học cao học, cô Thúy chắt chiu, dành dụm từng đồng, thậm chí cô còn xin ở ghép chung giường với các em SV, nghỉ trưa ngay tại lớp học cho đỡ tốn chi phí.

Nhớ lại những ngày tháng ấy, cô Thúy cho hay: “Khi ấy, tôi “ớn” nhất là hai môn Ngoại ngữ và Tin học. Riêng Anh văn, tôi bắt đầu học từ “vỡ lòng”. Nhờ sự giúp đỡ của một số thầy, cô giáo môn tiếng Anh trường THPT Nguyễn Du mà cô mới hoàn thành chương trình học tập của mình. Có một khoảng thời gian, cứ trống tiết dạy, cô Thúy lại tranh thủ vào “học nhờ” ở bất kỳ lớp nào với mong muốn nâng cao vốn tiếng Anh. Rồi cũng như thế, cô lại tiếp tục hành trình học hỏi công nghệ thông tin từ bạn bè, đồng nghiệp và sự trợ giúp của “ông xã”, vốn là GV Tin học. “Đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, cuối cùng luận văn với đề tài “Nghiên cứu các điều kiện dạy học môn Công nghệ trong các trường THPT khu vực miền Đông Nam Bộ và thiết kế một số phương tiện dạy học môn Công nghệ” của cô Thúy đã hoàn thành, giúp cô có được tấm bằng Thạc sĩ ngành Giáo dục học để cống hiến một cách trọn vẹn hơn nữa cho “nghề cao quý nhất”.

Khi được hỏi: “Có cần cố gắng đến thế với một GV “môn phụ”?”, cô Thúy chỉ cười với ánh mắt rạng ngời: “Còn gì hạnh phúc hơn nếu giờ học của một “môn phụ” lại được HS chờ đón. Quả thực, tôi không biết mình sẽ thế nào nếu ngừng nỗ lực”.

Cho đi là còn mãi

Không chỉ là tấm gương sáng về tinh thần tự học, đổi mới sáng tạo trong giảng dạy, cô Nguyễn Thị Thúy còn được mệnh danh là “cây sáng kiến” của ngành giáo dục với hàng loạt đề tài nghiên cứu khoa học có ý nghĩa thiết thực. Từ năm 2010 đến nay, cô Thúy đã có 12 sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, có phạm vi ảnh hưởng cấp Quốc gia.

Hàng năm, cô còn cùng tổ bộ môn xây dựng kế hoạch và trực tiếp tham gia bồi dưỡng HS giỏi và hướng dẫn HS nghiên cứu khoa học. Đến nay, cô đã có 10 HS đạt giải cấp Quốc gia và 7 HS đạt giải cấp tỉnh. Em Bùi Như Phước, cựu HS Trường THPT Nguyễn Du cho hay, cách giảng dạy của cô Thúy vô cùng khác biệt. Không đơn thuần là kiến thức sách vở, cô đã tạo cho HS cơ hội thực hành, làm việc nhóm, thuyết trình… để rèn luyện những kỹ năng cần thiết trong học tập và cả công việc sau này. Bên cạnh đó, cô còn truyền cho học trò sự nhiệt huyết, lòng quyết tâm không bỏ cuộc trước khó khăn, thử thách. Riêng với Phước, em trìu mến gọi cô là “mẹ Thúy”. “Biết ngày nào em cũng phải vượt chặng đường hơn 12km để tới trường, “mẹ Thúy” đã cho em ăn, ở luôn tại nhà mẹ để học hành thuận tiện hơn. Mẹ cũng chính là người giúp em nhận ra đam mê của mình để theo đuổi đến cùng”, Như Phước kể.

Xúc động trước ý tưởng “nối dài sự sống”, cô Thúy đã trở thành GV đầu tiên của Trường THPT Nguyễn Du đăng ký hiến tạng. Không chỉ vậy, cô còn lan tỏa phong trào sống đẹp “Cho đi là còn mãi”, vận động 18 thầy cô giáo của trường cùng thực hiện nghĩa cử cao đẹp này.

Từ đầu tháng 11/2022, cô Thúy chính thức nghỉ hưu. Thế nhưng, như cánh chim không mỏi, cô Thúy vẫn tiếp tục hướng dẫn HS nghiên cứu khoa học; đồng thời tham gia biên soạn SGK bộ môn Công nghệ chương trình Giáo dục phổ thông mới. Cô là đồng tác giả của sách Công nghệ 7 (bộ sách Chân Trời Sáng Tạo của NXB Giáo dục Việt Nam).

Cô Nguyễn Thị Thúy từng 16 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 4 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. 30 năm công tác, cô Thúy được trao tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo ưu tú (năm 2014) và được khen thưởng 22 lần, trong đó có 1 Huân chương Lao động hạng Ba; 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và các Bằng khen khác của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh.

KHÁNH CHI

;
.