Giúp học sinh thêm yêu môn Lịch sử

Thứ Sáu, 25/11/2022, 18:01 [GMT+7]
In bài này
.

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào bài giảng, chủ động tái hiện các nhân vật hoặc xây dựng “hành lang lịch sử”... là những đổi mới trong cách dạy môn Lịch sử của Trường TH Quang Trung (TP.Vũng Tàu). Cách làm này giúp HS tiếp thu bà nhanh, nhớ lâu và tăng thêm sự hứng thú khi học môn này.

Các em HS là người chủ động dẫn dắt bài học, còn GV chỉ hướng dẫn để cả lớp nắm chắc kiến thức hơn.
Các em HS là người chủ động dẫn dắt bài học, còn GV chỉ hướng dẫn để cả lớp nắm chắc kiến thức hơn.

Trao quyền chủ động 

Chúng tôi đã có dịp tham dự giờ học môn Lịch sử của cô Vũ Thị Thu Hương tại lớp 4A8 nói về nhân vật lịch sử Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân.

Không như phương pháp cũ là cô đọc, trò chép, cô Hương giao cho các em HS đóng vai trò chủ đạo trong bài học, còn cô chỉ là người dẫn dắt, bổ sung thông tin. Sau phần giới thiệu thông tin chung về bài học, cô giao lại cho HS. Các em sử dụng những thông tin có trong sách, kết hợp với bản đồ được hiển thị trên màn hình trình chiếu để trình bày nội dung bài học theo ý hiểu; đồng thời hướng dẫn các bạn tham gia vào bài học bằng các câu hỏi mang tính hồi đáp, giao lưu giữa người dẫn dắt và các bạn phía dưới.

Đoàn Lê Thục Quyên là một trong những HS lên dẫn dắt bài học đầu tiên. “Đinh Bộ Lĩnh là ai? Các bạn có biết về 12 sứ quân không?”, Quyên lần lượt đặt ra câu hỏi để các bạn trả lời. Tiếp đó là phần dẫn dắt của em Lê Phương Bảo An với một số câu hỏi như: Vì sao có tên nước là Đại Cồ Việt? Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua vào năm nào? Bài học trở nên thật sinh động với việc mở các ô chữ trong trò chơi hỏi đáp, hình ảnh lược đồ vị trí 12 sứ quân, tạo sự tương tác, giúp lớp học sôi động, vui vẻ.  

“Trước đây, em thấy môn Lịch sử rất khó học. Nhưng giờ em rất thích môn này. Chúng em tự đọc bài trước ở nhà. Khi đến lớp, cô giảng nội dung chính, chúng em tự học bài qua các lược đồ hoặc bài học hiển thị trên bảng”, Thục Quyên chia sẻ.

Với em Bùi Nguyễn Phương Linh, HS lớp 5A6, cách học mới tạo sự hứng thú cho tất cả HS. “Em cũng thích cách cô cho tụi em học nhóm hoặc tham gia các trò chơi tìm hiểu về bài học. Từ đó em hiểu hơn về các anh hùng dân tộc Việt Nam và truyền thống giữ nước”, Phương Linh bày tỏ.

Để tăng màu sắc cho bài học cũng như để học trò tiếp cận thông tin một cách trực quan, sinh động nhất, cô Vũ Thị Thu Hương, GVCN lớp 4A8 đã khéo léo kết hợp lược đồ với phim hoạt hình về các nhân vật lịch sử được đề cập đến trong bài học; chuyển tải nội dung bài học bằng việc tăng cường tương tác giữa các HS trong lớp để giúp HS nắm bài 1 cách chủ động, dễ nhớ.

“Giáo án của tôi soạn mỗi ngày, sử dụng lược đồ, hình ảnh nhân vật hoạt hình, các trò chơi, tận dụng phần mềm, phương tiện máy móc trên lớp... để các em dễ hiểu, dễ nhớ, từ đó dễ dàng lĩnh hội kiến thức của môn lịch sử”, cô Hương nhấn mạnh.

Em Lê Phương Bảo An dẫn dắt bài học trong tiết Lịch sử.
Em Lê Phương Bảo An dẫn dắt bài học trong tiết Lịch sử.

Thêm yêu môn lịch sử

Với đặc thù là môn học có nhiều mốc thời gian, diễn biến các sự kiện, trận đánh rất khó nhớ đối với học sinh, vì vậy, thời gian qua, để nâng cao chất lượng bài giảng, tăng sự hứng thú của HS đối với môn học, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy môn Lịch sử trong trường học, Ban giám hiệu Trường TH Quang Trung đã tổ chức họp chuyên môn, phân công cho các GV trong tổ xây dựng phương pháp giảng dạy mới, kết hợp ứng dụng CNTT với nguồn kiến thức từ mạng internet, giáo trình được phân phối để nâng cao chất lượng các buổi lên lớp.

Để giúp các em nắm bài ngay tại lớp, các GV còn tổ chức cho HS thảo luận nhóm theo mô hình hoạt động nhóm. Các em tự tìm hiểu thông tin, nắm bài, kiểm tra bài lẫn nhau ngay tại lớp. 

“Nhà trường đã tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, chuyên môn về học lịch sử. Đồng thời khuyến khích GV nghiên cứu các nguồn sử liệu liên quan đến nội dung bài học, các hình ảnh hoặc câu chuyện liên quan đến bài học trong SGK. Qua đó, tái hiện bài học lịch sử một cách sống động và chân thực nhất”, bà Nguyễn Thị Ái Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường TH Quang Trung nói.

Ngoài việc làm mới bài học trên lớp, Trường TH Quang Trung còn xây dựng mô hình “Con đường lịch sử” dọc hành lang nối khu hiệu bộ với khối các phòng học. Con đường lịch sử được đặt trong không gian ngập tràn cây xanh và được trang trí bởi các bồn hoa, cây cảnh xinh xắn, tạo cho các bạn nhỏ sự thoải mái, đặc biệt là không bị áp lực bởi khuôn viên lớp học. Ở đây, các em có thể thoải mái chia sẻ với bạn bè những câu chuyện về những nhân vật lịch sử mà mình yêu thích như: Ngô Quyền, Lý Thái Tổ, Hai Bà Trưng. Nhờ đó, các em có thể học lịch sử vào bất kỳ lúc nào.

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

 

;
.