.

Gần 200 cán bộ quản lý, giáo viên được tập huấn về giáo dục hướng nghiệp

Cập nhật: 16:48, 29/11/2022 (GMT+7)

Thực hiện Kế hoạch số 135/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2019-2025” trên địa bàn tỉnh, ngày 29/11, Sở GD-ĐT đã chủ trì, phối hợp với Tạp chí Giáo dục TP. Hồ Chí Minh tổ chức chương trình "Khơi gợi ý tưởng sáng tạo, định hướng nghề nghiệp cho HS".

Tham dự chương trình có khoảng 200 đại biểu là cán bộ, chuyên viên của 8 Phòng GD-ĐT và cán bộ quản lý, GV của 91 trường THCS trên địa bàn tỉnh.

TS. Đào Lê Hòa An lắng nghe chia sẻ của các GV tham dự chương trình.
TS. Đào Lê Hòa An lắng nghe chia sẻ của các GV tham dự chương trình.

Tham dự chương trình, các đại biểu đã được nghe TS. Đào Lê Hoà An, Nhà sáng lập ứng dụng hướng nghiệp JobWay, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Tâm lý học Việt Nam và TS. Lê Thị Thanh Mai, chuyên gia hướng nghiệp, Trưởng ban công tác SV, ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ một số nội dung như: tầm quan trọng của công tác tư vấn, hướng nghiệp, của việc chọn đúng nghề; các nguyên tắc trong tư vấn hướng nghiệp và các công việc đang là xu hướng; đa dạng hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp cho HS phổ thông; định hướng nghề nghiệp cho học sinh trước xu thế đổi mới sáng tạo…

Ông Nguyễn Văn Ba, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, sau chương trình, Sở GD-ĐT yêu cầu các trường phổ thông xây dựng kế hoạch triển khai công tác giáo dục hướng nghiệp tại đơn vị mình. Đồng thời  tổ chức phổ biến, truyên truyền Kế hoạch số 135 cho cán bộ, GV, nhân viên, HS, phụ huynh HS.

Thầy Lương Hữu Phương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phước Thắng (TP. Vũng Tàu) chia sẻ kinh nghiệm hướng nghiệp cho HS THCS.
Thầy Lương Hữu Phương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phước Thắng (TP. Vũng Tàu) chia sẻ kinh nghiệm hướng nghiệp cho HS THCS.

Theo ông Ba, các nhà trường cần xác định nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luông giáo dục HS phổ thông là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch hoạt động của nhà trường. Do đó, cần chủ động triển khai các nhiệm vụ về đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp, huy động các nguồn lực xã hội hoá tham gia các hoạt động hướng nghiệp cho HS phổ thông…

Ngành GD-ĐT phấn đấu đến năm 2025 có 100% trường THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; 100% trường THPT có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; ít nhất 45% HS tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ CĐ.

KHÁNH CHI

 

.
.
.