Đưa đờn ca tài tử vào trường học

Thứ Sáu, 25/11/2022, 17:52 [GMT+7]
In bài này
.

UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ trên địa bàn tỉnh năm 2023, trong đó, chú trọng đến việc đưa ĐCTT vào trường học.

Chương trình giao lưu giữa các nghệ sĩ ĐCTT tại Trường THCS Nguyễn Công Trứ, TT. Long Hải, huyện Long Điền.
Chương trình giao lưu giữa các nghệ sĩ ĐCTT tại Trường THCS Nguyễn Công Trứ, TT. Long Hải, huyện Long Điền.

Bảo tồn văn hóa truyền thống

Cuối tháng 9 vừa qua, Sở GD-ĐT tổ chức giao lưu chuyên đề về bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ cho GV đang giảng dạy môn âm nhạc và 100 em HS Trường THCS Nguyễn Công Trứ (TT. Long Hải, huyện Long Điền). Tham dự buổi giao lưu, HS rất thích thú khi được thạc sĩ, nhạc sĩ Huỳnh Khải, nguyên Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh giới thiệu về lục huyền cầm, đàn bầu, đàn tranh.

Bên cạnh đó, các nghệ sĩ còn biểu diễn các tiết mục ĐCTT ca ngợi đất nước, con người, quê hương và lòng hiếu thảo, tình bằng hữu, nhân nghĩa, tinh thần bảo vệ chủ quyền bờ cõi non sông. Từ đó, giúp cho HS hiểu hơn về bộ môn nghệ thuật này.

Bà Nguyễn Thị Hồng Phú, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Công Trứ chia sẻ: “Các em HS rất thích thú khi tìm hiểu về nhạc cụ dân tộc về cách hát được các điệu lý, cải lương. Để bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể này, chúng ta nên giáo dục các em HS từ nhỏ để biết, yêu hơn nghệ thuật ĐCTT mà ông cha ta đã sáng tạo nên và lưu truyền bao đời nay”.

Mục tiêu lớn nhất của việc đưa nghệ thuật ĐCTT vào trường học là nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc. Không chỉ vậy, nó càng có ý nghĩa hơn khi loại hình nghệ thuật này đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
(Ông Phạm Diêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh)

NSƯT Huỳnh Khải, nguyên Trưởng Khoa âm nhạc Dân tộc, Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh cho hay: “Thông qua những buổi giao lưu, chúng tôi mong muốn cho các em HS làm quen với loại hình nghệ thuật ĐCTT, giới thiệu những điều căn bản nhất về nguồn gốc, xuất xứ, cách ca những bài bản vắn những điệu lý Nam Bộ”.

Trước đó, từ ngày 1 đến 10/8, tại Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh, 30 em HS trên địa bàn tỉnh cũng đã tham gia lớp truyền dạy nghệ thuật ĐCTT cho thiếu nhi. Tham gia xuyên suốt khóa học, các em thích thú, say sưa theo dõi, tiếp thu nhanh những làn điệu, lời ca, cố gắng luyện tập theo sự hướng dẫn, truyền dạy của các thầy và bước đầu đã đạt kết quả đáng ghi nhận.

Kế thừa và phát triển

Nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 23/11, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị của bộ môn này. Trong đó đã dành kinh phí hơn 276 triệu đồng đối với việc phát triển bộ môn này trong trường học.

Các em học viên lớp truyền dạy ĐCTT thiếu nhi khoá hè năm 2022 biểu diễn một tiết mục ĐCTT.
Các em học viên lớp truyền dạy ĐCTT thiếu nhi khoá hè năm 2022 biểu diễn một tiết mục ĐCTT.

Theo đó, trong năm 2023, Trung tâm Văn hóa-Nghệ thuật tỉnh phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức 4 lớp tập huấn nhằm trang bị kiến thức về nghệ thuật ĐCTT cho đội ngũ giáo viên dạy các môn âm nhạc ở các trường TH và phổ thông cơ sở, gồm các nội dung cơ bản nhất của các bài bản ĐCTT như: Hai mươi Bài bản Tổ, Ba thể điệu Nam, Sáu thể điệu Bắc, Bảy thể điệu Bắc xàng xê...

Đặc biệt, sẽ có 10 buổi nói chuyện chuyên đề về nghệ thuật ĐCTT trong các trường học trên địa bàn tỉnh nhằm giới thiệu cho HS những vấn đề cơ bản về xuất xứ, nguồn gốc, phong cách thể hiện các thể điệu của nghệ thuật ĐCTT; Trình diễn một số thể điệu, bài bản ĐCTT cho các em cảm nhận, hiểu và biết về nghệ thuật ĐCTT; tổ chức truyền dạy, viết lời mới ĐCTT cho GV, từng bước đào tạo, bồi dưỡng cho các giáo viên có khả năng truyền dạy trong nhà trường để đủ lực lượng đáp ứng nhu cầu về nhân lực trong công tác truyền dạy tại các trường học trong tỉnh.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

;
.