.

Cưới tiết kiệm, ai cười mặc họ!

Cập nhật: 17:52, 25/11/2022 (GMT+7)

Con gái bà Lan, nhà ở một khu dân cư ven thành phố, những ngày đầu tháng 11 năm 2022 chuẩn bị làm lễ cưới với người chồng quê ở một tỉnh miền Trung, hiện làm trong KCN gần đó. Nhà bà Lan chỉ có mỗi đứa con gái duy nhất, kinh tế lại eo hẹp, nên khi chuẩn bị đám cưới bà đã thưa chuyện với ông anh của chồng, vì chồng bà đã mất sớm từ nhiều năm nay do một cơn bạo bệnh. Bà Lan bàn luận với ông Tuấn, anh chồng:

Bác Tuấn này, ở cái làng, cái xã này em biết là xưa nay khi có cưới xin, cũng như ma chay nhà ai cũng làm cỗ bàn linh đình lắm. Thế nhưng, kinh tế nhà em không có, hơn nữa em cũng chẳng muốn chạy đua với thiên hạ làm gì cho mệt thân, nên em quyết định tổ chức lễ cưới cho cái Huyền cháu của bác theo hình tức tiết kiệm, nghĩa là chỉ làm tiệc ngọt trầu nước, bánh kẹo chứ không có mổ lợn, mổ gà... Bác nghĩ sao về dự tính của em?

Ngồi nghe bà em dâu trình bày, và sau một thoáng suy nghĩ, ông Tuấn nói:

Ý của tôi là muốn bà tổ chức cho nó tươm tất một chút để dân làng người ta đỡ bàn tán cười chê, cũng như con Huyền nó đỡ tủi thân với bạn bè, vì đám cưới mình mà không có cỗ bàn gì cả... Tôi biết kinh tế nhà bà không có gì, nhưng tôi có thể đi vay hộ, hoặc cho bà vay tiền để làm đám cưới, rồi mai này làm trả dần cũng đâu có sao...(?!)

Bác góp ý cũng có cái đúng, nhưng ý em đã quyết như vậy nên đám cưới con Huyền chỉ có tiệc ngọt chứ không có tiệc cỗ bàn. Nhà em nghèo cưới tiết kiệm vậy ai người ta cười đâu mà sợ?! Mà kể cả người ta có cười thì mặc họ, hơi đâu mà phải chạy đua với cỗ bàn tốn kém cho mệt thân. Rồi mai này lại phải kéo cày trả nợ thì còn trăm ngàn cái khổ nữa chứ... Chi cho bằng cứ theo ý em mà cưới cho cháu bác nhé...!

Thì tôi chỉ góp ý vậy thôi, chứ bà tổ chức cho con như thế suy cho cùng cũng chẳng sao đâu! Thiên hạ họ có cười 3 ngày, 3 tháng chứ ai cười 3 năm đâu mà sợ... Vả lại Đảng, Nhà nước mình từ lâu cũng đã vận động nhân dân cưới hỏi theo hình thức “đơn giản, tiết kiệm…”, nên có khi bà cưới con theo hình thức tiết kiệm như vậy lại nhận được sự đồng tình của cán bộ, chính quyền địa phương đấy chứ.

Và đám cưới của cô Huyền, con gái bà Lan diễn ra đúng với “kịch bản” đơn giản, tiết kiệm hết mức. Dẫu không có cỗ bàn linh đình, đầy mâm đầy bát, mà thay vào đó chỉ là đĩa hạt dưa, vài đĩa bánh kẹo, trái cây, nước trà..., nhưng đám cưới không vì thế mà kém sự đông vui nhộn nhịp, khi khách khứa dân làng vẫn tới dự rất đủ đầy.

Sau đám cưới, theo bà Lan tổng kết thì toàn bộ chi phí chỉ hết có 30 triệu đồng, trong khi tiền mừng cưới chia vui hạnh phúc mà gia đình thu được từ họ hàng, dân làng, bạn bè…, lên tới gần 70 triệu đồng. Số tiền dư ra đó sau khi đã trừ hết chi phí cho đám cưới, bà Lan đã trao cho con gái và con rể dùng làm vốn để mua con giống chăn nuôi phát triển kinh tế.

Chứng kiến đám cưới của con gái bà Lan theo hình thức tiết kiệm ở quê nhà tôi thấy nó thực sự rất hay. Điều đặc biệt quan trọng là gia chủ không phải lo “kéo cày” trả nợ giống như bao gia đình khác trong thôn, trong xã bấy lâu nay vẫn chạy đua nhau để cưới to, làm cỗ bàn linh đình cho… “đẹp mặt” với thiên hạ!

Hy vọng mọi nhà, bất kể ở nông thôn hay thành thị, nhà có kinh tế khá giả hay eo hẹp cũng nên giản tiện, tiết kiệm việc cưới xin, ma chay chứ đừng chạy theo lối tổ chức linh đình, phô trương tốn kém, đến thân...

NGUYỄN LOAN

 
.
.
.