Chặn ngay từ đầu
Trong cuộc đời có những chuyện rất đỗi bình thường, thí dụ, do chưa có nhà nên chàng rể phải về ở chung nhà với gia đình bên cha mẹ vợ. Nhiều cặp vợ chồng son đã chọn phương án này, sau này, một khi đã tích cóp, dành dụm được tiền, lúc đó, họ sẽ mua nhà và ra ở riêng. Nếu sự việc diễn ra như thế ắt tốt đẹp quá nhưng rồi khổ nỗi có những chàng rể “thấy hoa thơm muốn đánh cả cụm”, ấy là đã cưới cô chị nhưng lại liếc ngang liếc dọc với cô em!
Minh họa của: MINH SƠN |
Có thể nói đây là một trong những một tình huống phức tạp, cần phải tìm cách giải quyết khéo léo, tế nhị; vừa giúp “người trong cuộc” thoát khỏi tình trạng khó xử đối với anh rể, vừa giữ gìn được hạnh phúc cho người chị. Thiết nghĩ, điều cần làm là chúng ta phải ngăn chặn ngay.
Theo tôi, có thể “chỉnh” anh ta bằng những lời lẽ nhẹ nhàng nhưng thấm thía, ví như có hàng loạt câu: “Em không thích anh đùa như thế”, “Anh là chồng của chị em, anh nên xử sự sao cho người ngoài nhìn vào khỏi chê cười”, “Anh nên cư xử sao cho em còn nể và tôn trọng anh”, “Anh là anh rể của em, em rất kính trọng anh và coi anh như anh ruột của em. Anh nói những lời như vậy nghe không được đâu!...”.
Những lời lẽ này nhằm nhắc nhở anh ta nhớ lại vị trí và trách nhiệm của mình trong gia đình, đồng thời ngầm thông báo rằng mình không thích anh ta tán tỉnh, là ngăn chặn ngay từ đầu. Bên cạnh đó, cũng phải cố gắng hạn chế những cơ hội anh ta có thể ở riêng với bạn trong nhà. Trong trường hợp này, có nên thông báo cho chị mình biết hay không? Trả lời câu hỏi này, nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, để tránh gây rạn nứt trong quan hệ giữa vợ chồng, chị em thì nên nói với cha mẹ, hay một người nào trong gia đình mà mình tin cậy nhất để có sự ủng hộ cần thiết.
Điểm tế nhị mấu chốt trong trường hợp này là nên giữ kín chuyện này, đừng làm ồn ào, bàn tán trong gia đình và hàng xóm, để giữ thể diện cho gia đình, cho người chị và cả người anh rể. Nếu không khi đó, quan hệ của em vợ với người anh rể sẽ trở nên lấn cấn, sau đó, khó có thể trở lại về bình thường được nữa. Cuộc sống gia đình người chị chắc chắn sẽ có xáo trộn và xung đột, có thể dẫn đến tan vỡ.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp người chị lại… đồng tình với việc làm của chồng đấy? Bạn có tin không? Chị bạn tôi kể: “Lúc ấy tôi còn là một cô gái tuy không đẹp mặn mà, sắc sảo, nhưng không đến nỗi nào. Là một giáo viên trường tỉnh, đến kỳ nghỉ hè tôi thường lên nhà chị để giúp việc nhà, đến ngày tựu trường tôi mới về đi dạy. Thời gian đầu không có gì xảy ra. Cho đến một hôm chị tôi bị bệnh, phải vào bệnh viện diều trị, sau đó, chị tôi không còn sinh hoạt bình thường với chồng nữa.
Anh chị đâm ra cau có và gây gổ nhau luôn. Mùa hè năm đó, tôi lại lên phụ chị tôi như mọi năm, thì anh rể tôi tỏ tình và có nhiều cử chỉ sàm sỡ đối với tôi. Tôi rất ghét cử chỉ đó, đôi lần tôi muốn bỏ về ngay, nhưng chị còn bệnh nên tôi cố ở lại. Cuối cùng chịu không nổi, tôi nói thật với chị tôi, mong chị sẽ dùng lời lẽ khuyên lơn chồng, để vẹn toàn tình cảm chị em.
Không ngờ chị tôi lại trả lời: “Chị có ý nói với em việc ấy, bây giờ chị cảm thấy không còn gần gũi anh ấy được. Mà anh ấy còn sung sức, nếu không thì anh sẽ tìm người con gái khác, họ vào đây chiếm hết gia tài chị, chi bằng em vì chị, vì tương lai các cháu, mà cũng không thiệt thòi gì cho em. Em nên bằng lòng với anh rể em đi. Anh chị hứa lo cho em đầy đủ và không để em buồn đâu”.
Trời ơi! Nghe xong tôi choáng váng muốn xỉu. Bạn biết không, tôi khóc nức nở, tôi không hiểu phải xử trí ra sao? Cuối cùng tôi xin ý kiến cha mẹ tôi và cha mẹ cũng một ý với chị tôi, vì bấy lâu nay cha mẹ tôi sống nhờ tiền phụ cấp của anh rể tôi. Thế là hết tương lai rực rỡ của một cô gái đang xuân. Một cô giáo có bao kẻ đeo đuổi, không thể có một tấm chồng sao mà lại làm thế ấy?
Rồi hè năm sau tôi không lên nhà chị nữa, ông anh rể lại gọi điện thoại, nhắn tin: “Nếu em chịu anh, anh sẽ mua vàng, mua quần áo đẹp… cho em. Anh sẽ lo cho em đủ thứ”. Tức giận quá, tôi quát: “Anh không biết xấu hổ khi nói ra những câu nói ấy sao?”. Nhiều ngày sau, tôi không ngủ suốt đêm, thầm cầu nguyện sao cho thoát khỏi cảnh ngang trái ấy. Cầu mong sao cho anh rể tôi sẽ thức tỉnh mà về lo cho chị tôi. Thật ra, trong tôi không có tí gì tình yêu với anh rể tôi, đôi khi còn thấy ghét, nhất là những lúc anh giở trò tỏ tình với tôi.
Theo bạn, sự việc rồi sẽ ra sao? Năm sau, có người đến xin cưới và tôi bằng lòng lấy chồng. Thời gian ấy dù cha mẹ, chị tôi hơi buồn, nhưng dù sao tôi cũng an phận rồi. Anh rể tôi hối hận và trở lại yêu thương chị như xưa. Mối quan hệ chị em trở lại bình thường. Dù chồng tôi không giàu có, nhưng vợ chồng tôi rất hạnh phúc”.
Khi đặt vấn đề tế nhị này ra, tôi nghĩ, mối quan hệ anh rể và em vợ thật sự đúng nghĩa phải mang tính chất anh trai - em gái. Còn bạn, bạn nghĩ sao?
LÊ MINH QUỐC