.

Xóa nhòa ranh giới "mẹ kế con chồng"

Cập nhật: 20:54, 07/10/2022 (GMT+7)

Người xưa có câu “mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng” để nói tới mối quan hệ giữa mẹ kế và con chồng vốn không mấy tốt đẹp. Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn có nhiều người mẹ kế chăm lo và yêu thương con chồng một cách chân thành.

Cần nuôi dưỡng sự tử tế để yêu thương một đứa trẻ. Ảnh minh họa
Cần nuôi dưỡng sự tử tế để yêu thương một đứa trẻ. Ảnh minh họa

Thương cả những lỡ làng của nhau…

Sáng Chủ nhật, trong quán cà phê The Coffee House (số 5, Bacu, TP.Vũng Tàu) nhiều người cảm thấy ấm áp khi nhìn cậu con trai chừng 18 tuổi vừa tranh thủ nhấm nháp ly cà phê vừa ngồi nhổ những sợi tóc bạc cho một người phụ nữ lớn tuổi. Lâu lâu, cậu trai lại “cằn nhằn”, mẹ lại quên uống hà thủ ô rồi phải không, đã có thêm biết bao là tóc bạc. Không được, không được… để con gọi điện nhắc ba mua thêm cho mẹ uống!

Sau đó, mẹ con họ chuyện trò rất vui vẻ. Đó là bà Hoàng Thu Linh và cậu con trai Phan Quốc Đạt. Ít ai tin rằng mối quan hệ của họ được gọi là “mẹ ghẻ, con chồng”. Bà Linh kết hôn với người đàn ông đã qua một lần đò, sống cùng đứa con trai khi đó mới 7 tuổi.

Là phụ nữ, lúc đầu bà vẫn mang nỗi canh cánh, thấp thỏm sau những lần chứng kiến chồng mình cùng con trai và vợ cũ gặp gỡ nhau. Sợ “tình cũ không rủ cũng tới”, nhưng bằng sự thấu hiểu của người phụ nữ và bản năng của một người mẹ, bà đã gạt bỏ những niềm riêng để chăm lo cho con chồng. Theo bà đó cũng là cách tốt nhất để vun vén, xây dựng hạnh phúc gia đình.

Nhớ lại khoảng thời gian 11 năm trước, bà Linh kể, lấy chồng chưa kịp làm vợ thì đã phải làm mẹ một đứa trẻ lên 7. Thời gian đầu thật không dễ dàng, nhưng bà nghĩ nếu mình không thể dung hòa được mối quan hệ “nhạy cảm” này trong gia đình thì cuộc sống riêng của vợ chồng cũng như mối quan hệ trong gia đình chồng khó mà bền vững. Từ nhỏ, mẹ bà vẫn dạy “thương chồng gánh vác giang san nhà chồng”. Vì thế, bà vừa học cách làm vợ, vừa học cách làm mẹ. Dần dần, Đạt cảm nhận được hơi ấm, tình cảm, sự vỗ về của bà nên chỉ một năm sau đó chàng trai này đã gọi bằng tiếng mẹ đầy yêu thương, trân trọng.

“Để thương được một đứa trẻ không phải máu mủ của mình đã khó thì với con riêng của chồng lại càng khó hơn. Bản thân mình phải có đủ nhận thức để phân biệt rõ ràng chuyện nào ra chuyện đó, giữa quá khứ và hiện tại. Phải hiểu được những trách nhiệm cần có trước khi bước vào cuộc hôn nhân mới, đã yêu thì phải biết thương lấy phần lỡ làng của nhau. Một cuộc hôn nhân không phải cứ cần tình yêu nam nữ, không phải cứ mê đắm nhau mà cần có sự cảm thông, thấu hiểu, sẻ chia. Nếu không, cả hai dễ bước vào cuộc hôn nhân để tự hành hạ chính mình vì sự ích kỷ, làm tổn thương tâm hồn của những đứa trẻ cần tình yêu thương”- bà Linh chia sẻ thêm.

Nuôi dưỡng sự tử tế

Yêu thương một đứa trẻ đã khó, để con trẻ cảm nhận được tình cảm mà đón nhận, coi mình là người thân lại càng khó hơn. Cũng là người mẹ kế, bà Bích Phương (TP. Bà Rịa) tâm sự, tâm lý của những đứa con sau cuộc sống hôn nhân đổ vỡ khá phức tạp. Để bánh đúc “có xương” không hề dễ. Theo đó, sự quan tâm dành cho con trẻ phải chân thành. Phải cho con thấy rằng việc bạn đang cố tạo mối quan hệ tốt không những chỉ vì bạn mà còn vì con và vì cả gia đình. Đừng để con trẻ cảm thấy “sốc” khi có một người “lạ” bước vào cuộc sống gia đình làm thay đổi những nề nếp cũ. Để con trẻ thích ứng với cuộc sống mới, thay vì ép con thì đừng cố thay đổi những thói quen, nề nếp trong nhà một cách triệt để mà hãy học cách hòa hợp với con và thay đổi mọi thứ dần dần.

Tuy nhiên, đâu đó trong cuộc sống vẫn có những người mẹ kế vì lòng ghen, thói đố kỵ mà đối xử chưa thật công bằng và thậm chí ngăn cản chồng chăm sóc, gặp gỡ con riêng. Chị Lê Thị Lan (TP. Vũng Tàu) cho biết, 2 năm qua con trai chị rất ít khi gặp ba dù nhà ở gần nhau. Tìm hiểu ra mới biết vì mẹ kế ngăn cản, mà ba của con trai chị thuộc tuýp người nhu nhược nên cũng nhịn cho yên cửa yên nhà.

“Mỗi lần qua nhà ba chơi về thằng bé rất buồn, thay vì thể hiện để con trẻ thấy rằng có “mẹ kế” là con có thêm một người quan tâm và yêu thương con thì mẹ kế luôn tỏ ra âu yếm chồng trước mặt con trẻ, không quan tâm tới cảm xúc của thằng bé. Từ đó, đã nảy sinh ra ác cảm rằng đã có người khác giành hết sự quan tâm của ba nó và cướp đi vị trí mà đáng lẽ ra là của nó”, bà Lan chia sẻ.

Theo các chuyên gia tâm lý, để yêu thương chân thành một đứa trẻ mang tên “con riêng của chồng” và gọi mình là mẹ kế hay nặng nề hơn là dì ghẻ, trước hết người phụ nữ phải có nền tảng tư cách và đạo đức. Từ đó, họ sẽ biết cách dung hòa mối quan hệ. Bởi đàn ông hay phụ nữ luôn mong chờ người bạn đời của mình là người bao dung và có thể yêu thương con họ.  Nếu không vô tình tự bản thân mỗi chúng ta sẽ tạo cho người chồng và gia đình những áp lực không đáng có, dễ dẫn tới việc “cơm không lành canh không ngọt” và có thể dễ thêm một lần đỗ vỡ hôn nhân.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

.
.
.