TP.Hồ Chí Minh phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên

Thứ Hai, 03/10/2022, 13:50 [GMT+7]
In bài này
.

Tại cuộc họp Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh vào sáng 3/10 về tình hình dịch bệnh và hoạt động trọng tâm quý IV/2022, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh đã thông tin về một ca bệnh đậu mùa khỉ được ngành y tế thành phố phát hiện nhờ công tác kiểm soát và giám sát.

Bệnh đậu mùa khỉ và bệnh thủy đậu đều do virus gây ra nhưng vẫn có sự khác biệt. Ảnh: Website Bộ Y tế
Bệnh đậu mùa khỉ và bệnh thủy đậu đều do virus gây ra nhưng vẫn có sự khác biệt. Ảnh: website Sức khỏe và đời sống (Bộ Y tế)

Ông Thượng cho biết trong chiều nay, Bộ Y tế sẽ có thông tin chính thức về ca nhiễm đậu mùa khỉ đầu tiên này.

Hiện nay, Sở Y tế Thành phố đang phối hợp với các đơn vị liên quan siết chặt công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.

Đối với công tác kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố tiếp tục triển khai giám sát người nhập cảnh qua các cửa khẩu nhằm phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ.

Đối với công tác sàng lọc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở khám chữa bệnh ban đầu (trung tâm y tế, trạm y tế, phòng khám) tăng cường truyền thông cho người dân. Khi người dân có triệu chứng nghi ngờ, cần đến bệnh viện quận, huyện gần nhất để được tư vấn, khám sàng lọc và xét nghiệm chẩn đoán (nếu cần).

Ở giai đoạn hiện nay, khi tiếp nhận trường hợp nghi ngờ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu hướng dẫn người bệnh đến bệnh viện quận, huyện gần nhất để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán.

Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa công lập, tư nhân (kể cả các bệnh viện bộ ngành đóng trên địa bàn thành phố) khi tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ bệnh viện phải tiến hành sàng lọc, phân luồng, hướng dẫn người bệnh di chuyển đến buồng khám sàng lọc.

Nếu là trường hợp có thể mắc bệnh sẽ thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh, Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh. Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, bệnh viện hướng dẫn người bệnh tự cách ly tại nhà (nếu đủ điều kiện và không có triệu chứng nặng) hoặc cách ly tại khu cách ly của bệnh viện.

Theo Bộ Y tế, bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox) ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu. Trường hợp bệnh đầu tiên ở người được ghi nhận vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Từ đó, bệnh đậu mùa khỉ ở người trở thành bệnh lưu hành ở khu vực Trung Phi và Tây Phi.

Từ tháng 5 đến nay, dịch có diễn biến bất thường, đã ghi nhận dịch tại 12 quốc gia khu vực châu Âu. Đây là lần đầu tiên ghi nhận các ổ dịch tại khu vực này mà chưa xác định được mối liên hệ với khu vực dịch lưu hành trước đó.

Đáng chú ý, dịch đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận trường hợp mắc bệnh.

Ngày 23/7 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế.

CÁC BIỂU HIỆN CỦA BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ

Theo WHO, bệnh đậu mùa khỉ có nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Ở một số người, bệnh chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ nhưng ở một số người khác các triệu chứng nặng hơn và cần được chăm sóc tại cơ sở y tế. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng hay biến chứng bao gồm phụ nữ mang thai, trẻ em và người bị suy giảm miễn dịch.

Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể, sưng hạch bạch huyết. Sau đó xuất hiện phát ban hoặc đi kèm phát ban, và có thể kéo dài 2-3 tuần. Các nốt ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, mắt, miệng, họng, bẹn, và cơ quan sinh dục và/hoặc quanh vùng hậu môn.

Các tổn thương ngoài da có thể dao động từ một cho đến vài nghìn. Giai đoạn đầu, các tổn thương phẳng sau đó hình thành mụn nước, mụn mủ trước khi đóng vảy, khô lại và bong vảy, và hình thành một lớp da mới.

Người có các triệu chứng nghi của bệnh đậu mùa khỉ, hoặc tiếp xúc với người mắc bệnh đậu khỉ mùa cần chủ động liên lạc hoặc tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn kịp thời.

NGUYỄN THI (tổng hợp)

 

;
.