“Tận tụy với nghề, sáng tạo trong công việc, hết lòng truyền cảm hứng, khơi dậy đam mê cho HSSV, năng nổ trong các hoạt động phong trào”, đó là lời nhận xét của Ban Giám hiệu về thầy Nguyễn Thanh Thảo, giảng viên Khoa Cơ khí, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu. Tài năng và nhiệt huyết, thầy Thảo là 1 trong 54 nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc vừa được Bộ LĐTBXH vinh danh.
Thầy Nguyễn Thanh Thảo vừa giành giải Nhất Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc năm 2022 do Bộ LĐTBXH tổ chức. |
Thầy giáo trẻ “có duyên” với giải Nhất
Là nhà giáo giáo dục nghề nghiệp duy nhất của tỉnh được vinh danh tại Lễ tôn vinh Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu năm 2022, thầy Nguyễn Thanh Thảo xúc động: “Đối với tôi, đây là một phần thưởng cao quý, không chỉ đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc mà còn tiếp thêm động lực để tôi tiếp tục rèn luyện bản thân và nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của mình”.
32 tuổi, còn khá trẻ về tuổi đời và tuổi nghề, nhưng thầy Thảo đã sở hữu bảng thành tích tương đối dày dặn. Mới đây, tại Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc năm 2022, “Mô hình máy ép nhựa mini” do thầy Thảo làm chủ nhiệm đề tài đã giành giải Nhất. Đây cũng là một trong những mô hình xuất sắc, được Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Trưởng Ban tổ chức hội thi Đỗ Năng Khánh đánh giá cao vì đã “kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học và khả năng sử dụng phương tiện dạy học, làm tăng tính trực quan, giúp người học nhanh chóng tiếp thu được kiến thức và hình thành kỹ năng nghề”.
Trước đó, tại Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021, bài giảng của thầy Thảo đã xuất sắc giành giải Nhất với điểm số gần như tuyệt đối: 97/100. Với điểm số ấn tượng này, thầy Nguyễn Thanh Thảo không chỉ dẫn đầu Tiểu ban Cơ khí, mà còn đứng đầu cả 20 tiểu ban khi là người đạt thành tích cao nhất trong số 404 nhà giáo dự thi.
Không chỉ vậy, thầy Nguyễn Thanh Thảo còn từng được tôn vinh là “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lần thứ III năm 2021; đạt giải Khuyến khích cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” năm 2020; được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2020 đến năm 2021; đạt thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên trường học năm học...
Tâm huyết, ham học hỏi
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật công nghiệp, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, năm 2015, thầy Thảo về công tác tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu để được cống hiến ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Được Ban Giám hiệu nhà trường, lãnh đạo khoa tạo điều kiện, thầy Thảo không ngừng học tập để nâng cao trình độ. Năm 2019, thầy tham gia Chương trình đào tạo giáo viên tại nước Đức do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức. Năm 2020, thầy tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Kỹ thuật cơ khí tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.
Gần 10 năm gắn bó với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, với tâm huyết của một người thầy, thầy Thảo luôn trăn trở làm thế nào để có thể đem lại cho học viên những bài học bổ ích, thiết thực, đáp ứng được yêu cầu công việc sau này. Thầy Thảo cho hay: “Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, ngoài việc truyền đạt các kiến thức hàn lâm thì người thầy còn phải truyền đạt kỹ năng thực hành. Hai công việc này lúc nào cũng song hành, để từ đó giúp cho học viên có đầy đủ kiên thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc. Trước yêu cầu này, người thầy phải luôn tìm tòi, học hỏi những công nghệ, phương pháp gia công mới mà hiện tại doanh nghiệp đang áp dụng để đưa vào thực tế giảng dạy. Không những thế, người dạy phải luôn suy tư làm cách nào để biến những kiến thức khó hiểu, những công nghệ mới mà nhà trường chưa đáp ứng được trở nên dễ hiểu nhất để truyền tải tới học viên”.
Trong quá trình giảng dạy, không chỉ chú trọng truyền đạt kiến thức, kỹ năng, thầy Thảo còn luôn quan tâm tới hoàn cảnh, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, truyền cảm hứng và khơi dậy đam mê học tập của các em. Thầy Thảo nhớ lại: “Trong các khóa tôi từng dạy, có 1 bạn SV nghề Chế tạo khuôn mẫu vóc dáng nhỏ con, mang đôi kính cận. Học hết năm thứ Nhất, tôi nhận thấy em hay nghỉ học, không có hứng thú học tập, kết quả cuối năm cũng không mấy khả quan. Mỗi khi gặp bạn SV đó ở lớp, tôi đều động viên và đề nghị em cùng thực hành với thầy trong những giờ không có lịch học. Dần dần, em đã tìm được niềm vui trong học tập, miệt mài tự nỗ lực rèn luyện. Em từng tham gia thi tay nghề đạt kết quả cao, đồng thời tốt nghiệp đúng thời hạn, tìm được công việc ổn định với thu nhập cao”. Từ câu chuyện nhỏ, thầy luôn nhắc nhở bản thân mình: “Hãy lắng nghe tâm tư của học viên, tạo cơ hội cho các em phát huy khả năng. Biết đâu, điều đó sẽ giúp các em sẽ thành công với lựa chọn của mình”.
HOÀNG DƯƠNG