Phụ nữ vươn lên khẳng định năng lực bản thân

Thứ Năm, 20/10/2022, 19:14 [GMT+7]
In bài này
.

Vượt qua trở ngại về giới, phụ nữ ngày càng khẳng định năng lực bản thân, không ngừng sáng tạo, vươn lên làm giàu và đóng góp tích cực cho xã hội.

Chị Lê Phan Xuân Thanh (trái) giới thiệu sản phẩm yến tinh chế với khách hàng.
Chị Lê Phan Xuân Thanh (trái) giới thiệu sản phẩm yến tinh chế với khách hàng.

Tự tin khởi nghiệp

Năm nay 26 tuổi, chị Trần Thị Thái Hằng (ngụ phường Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu) là một trong những hội viên trẻ, tiêu biểu về khởi nghiệp của Hội LHPN phường và Hội LHPN thành phố. Ít ai ngờ rằng, ẩn sâu trong vẻ ngoài nhỏ nhắn, mảnh mai là một cô gái “dân kỹ thuật, công nghệ” đầy mạnh mẽ, tự tin, bản lĩnh, năng động và sáng tạo. 

Năm 2018, khi đang là sinh viên năm cuối ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, chị được Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh (Baseafood) nhận vào thực tập để thực hiện đề tài tốt nghiệp về xử lý nước thải. Sau 1 năm tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm, chị đã ứng dụng thành công phương pháp sinh học trong xử lý nước thải để loại bỏ các thành phần ô nhiễm, giúp nước đạt chuẩn trước khi xả ra môi trường mà không cần sử dụng hóa chất. Phương pháp này đã giúp hệ thống xử lý nước thải của Basefood luôn đạt yêu cầu khi xả thải, giảm chi phí vận hành. Nhờ áp dụng phương pháp này, công ty đã tiết kiệm được 9 triệu đồng/tháng.

1 năm sau, Hằng tốt nghiệp ĐH, về làm việc tại Công ty TNHH Hiệp lực cùng phát triển (TP. Vũng Tàu). Cùng thời gian ấy, Công ty Basefood mở cơ sở 2, đã chọn chị làm đối tác để xây dựng hệ thống xả thải với trị giá hợp đồng 5 tỷ đồng. Chị đảm trách chính phần kỹ thuật, thiết kế, công trình xử lý nước cho Công ty Basefood cơ sở 2. Cùng với sự hỗ trợ của các cộng sự về phần thi công, cuối năm 2021, công trình đi vào vận hành với công suất xử lý nước thải là 400m3/ngày.

Năm 2020, Hằng là 1 trong 3 đại diện của Bà Rịa - Vũng Tàu lọt vào vòng bán kết Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc” do Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Năm 2022, chị tiếp tục sáng tạo thành công dự án khởi nghiệp Module xử lý nước nhiễm phèn bằng cách dùng oxy thay thế hóa chất, kết hợp với công nghệ màng lọc nano loại bỏ được các thành phần như vi khuẩn, tảo và kim loại, giúp nước đạt chất lượng sạch đến 99%. 

Tháng 6/2022, chị đã tặng Module xử lý nước nhiễm phèn này cho người dân xã Thạnh Yên A (huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang), giúp bà con có thêm nguồn nước sạch sinh hoạt.

“Tôi luôn mong muốn đóng góp vào việc bảo vệ môi trường và sức khỏe của người dân. Làm việc vì đam mê, bằng sự sáng tạo thì chắc chắn phụ nữ sẽ làm được nhiều việc như đàn ông vậy”, Hằng chia sẻ.

Chị Lê Phan Thanh Xuân (ngụ tổ 9, ấp Phước Tân 4, xã Tân Hưng, TP. Bà Rịa) từng công tác tại Hội Chữ thập đỏ xã Tân Hưng. 5 năm trước, do tinh giản biên chế nên chị phải nghỉ việc. Sau thời gian trăn trở, tìm lối đi riêng, chị quyết định khởi nghiệp với mô hình nuôi chim yến. Để “tiếp sức” cho hội viên, Hội LHPN xã Tân Hưng đã tín chấp cho chị Xuân vay 80 triệu đồng khởi nghiệp.

Cùng với nguồn vốn của gia đình và vay mượn thêm, chị Xuân xây nhà yến, mua thiết bị nuôi chim yến. Nhờ “mát tay”, đàn chim yến của chị Xuân ngày một đông và cho sản lượng tổ yến ổn định. 

Chị chăm chút đóng gói các loại như: yến thô, yến tinh chế, yến chưng sẵn và tìm nhiều kênh tiếp thị sản phẩm yến đến khách hàng qua Zalo, Facebook, người quen, bạn bè. Nhờ chất lượng yến bảo đảm nên nhiều khách hàng đón nhận. Trung bình mỗi tháng, chị có thu nhập từ 65-70 triệu đồng. Hiện nay, chị đã trả hết nợ ngân hàng và có tiền dư dả để nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.

9 tháng năm 2022, các cấp Hội LHPN đã hỗ trợ, giúp đỡ 85 hội viên khởi nghiệp với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng. Ngoài ra, các cấp Hội còn duy trì 32 mô hình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp với162 thành viên, 5 HTX sản xuất, kinh doanh với 115 thành viên, thành lập 2 tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh cho phụ nữ.

 

Đóng góp tích cực cho xã hội

Bên cạnh sự năng động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, nhiều chị em phụ nữ đã nỗ lực phát triển trình độ, năng lực, tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo từ cơ sở đến cấp tỉnh. Qua đó, từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính.

Số lượng phụ nữ tham gia cấp ủy và HĐND các cấp trên địa bàn ngày càng tăng. Đơn cử như, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp từ 18,47% trong nhiệm kỳ 2010-2015 tăng lên 29,96% trong nhiệm kỳ 2020-2025. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 là 21,88%, tăng lên 34,09% trong nhiệm kỳ 2021-2026. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia ĐBQH nhiệm kỳ 2021-2026 là 33,33%. 

Theo bà Vương Thị Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh, kết quả này cho thấy sự phát triển của đội ngũ cán bộ nữ về trình độ, năng lực công tác, phẩm chất chính trị. Đồng thời, thể hiện sự quan tâm về công tác cán bộ nữ của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể. Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng cũng mạnh dạn quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển những cán bộ nữ có năng lực, tiềm năng phát triển vào các vị trí công tác cao hơn, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.

Bài, ảnh: THI PHONG

 
;
.