NHÂN NGÀY VÌ NGƯỜI NGHÈO (17/10)

Trao sinh kế giúp hộ nghèo vươn lên

Chủ Nhật, 16/10/2022, 19:03 [GMT+7]
In bài này
.

Bằng những giải pháp đồng bộ, các cấp, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội đã giúp nhiều người nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững.

Vợ chồng anh Bùi Văn Tâm chăm sóc vườn hoa Tết.
Vợ chồng anh Bùi Văn Tâm chăm sóc vườn hoa Tết.

Hỗ trợ người dân phát triển kinh tế

Trên mảnh vườn rộng 5.000m2, vợ chồng anh Bùi Văn Tâm (tổ 10, KP. Kim Sơn, phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa) cùng 3 nhân công đang tất bật chăm bón hoa. 5.000 gốc hoa cúc đại đóa đã cao hơn 2 gang tay, xanh mơn mởn, hứa hẹn một mùa hoa Tết bội thu. Anh Tâm nhẩm tính, nếu thuận lợi như mọi năm, vụ hoa Tết này sẽ mang lại cho gia đình thu nhập khoảng 200 triệu đồng.

Anh Tâm từng là hộ nghèo chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020. Trước đây, vợ chồng anh làm công nhân, thu nhập thấp, đời sống khó khăn, luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau. Năm 2016, qua rà soát và giới thiệu của cán bộ phường Kim Dinh, anh được hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội tỉnh. Có vốn, anh thuê đất để trồng rau, mướp bán hàng ngày. Anh còn được Hội Nông dân phường tập huấn về khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm trồng rau, chăm sóc hoa và hỗ trợ phân bón, thuốc trừ sâu.

Tính đến 30/8/2022, toàn tỉnh có 6.589 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, chiếm 2,04% tổng số hộ dân. Tỉnh đã và đang quan tâm, triển khai đồng bộ nhiều mô hình, giải pháp hỗ trợ người nghèo vươn lên phát triển kinh tế. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thông qua Nghị quyết về nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với mục tiêu tập trung phát triển kinh tế nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng nhà ở và điều kiện sống cho người dân, phát triển và hoàn thiện mạng lưới an sinh, nâng đỡ những người yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau và xây dựng Bà Rịa-Vũng Tàu thành nơi đáng sống.
Ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Nhờ áp dụng kỹ thuật vào canh tác, vườn rau của anh luôn cho năng suất cao. Trừ chi phí sản xuất, thu nhập hàng tháng của gia đình anh từ 15-20 triệu đồng. Đến năm 2020, anh trả hết nợ và xin nâng hạn mức vay lên 70 triệu đồng để đầu tư trồng rau thơm và trồng hoa bán vào dịp Tết. Nhờ vậy, thu nhập gia đình tăng thêm, đạt khoảng 25 triệu đồng/tháng. Ngoài tăng thu nhập cho gia đình, anh còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 3 lao động địa phương, với mức thu nhập 350 ngàn đồng/ngày/người.

Ngoài ra, năm 2019, gia đình anh còn được phường Kim Dinh hỗ trợ 55 triệu đồng để xây nhà “đại đoàn kết”. Nhờ vậy, cuộc sống của gia đình anh càng thêm ổn định. Cuối năm 2019, anh làm đơn xin thoát nghèo. “Tôi đi lên từ bàn tay trắng. Nhờ phường quan tâm, hỗ trợ mà tôi có điều kiện để làm ăn, nâng cao đời sống”, anh Tâm nói.

Anh Tâm là một trong nhiều hộ nghèo được địa phương quan tâm, hỗ trợ để phát triển kinh tế gia đình và thoát nghèo bền vững. Bà Nguyễn Thị Liên, cán bộ phụ trách giảm nghèo phường Kim Dinh cho biết, năm 2016, phường có 302 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 13,17% hộ dân toàn phường. Đến nay, phường còn 98 hộ nghèo, chiếm 3,49% số hộ dân toàn phường. Kết quả tích cực này là nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và sự nỗ lực của người dân.

Nhân Tháng cao điểm “Vì người nghèo” (17/10-18/11/2022) và Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc 18/11, UBMTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tổ chức các đoàn đến thăm, tặng quà cho 2.012 người nghèo tại 503 khu dân cư trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng, trích từ nguồn kinh phí Quỹ “Vì người nghèo”. Bên cạnh đó, UBMTTQ tỉnh đã chỉ đạo UBMTTQ các huyện, thị xã, thành phố rà soát và xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo trên địa bàn tỉnh nhằm giúp cuộc sống người nghèo ổn định hơn.

Nỗ lực giảm nghèo

Chăm lo cho người nghèo, hỗ trợ người nghèo nâng cao đời sống và thoát nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị trong thời gian qua.

Đơn cử, tại TT. Đất Đỏ (huyện Đất Đỏ), công tác giảm nghèo được thị trấn đặc biệt quan tâm và đưa vào Nghị quyết hằng năm. Các chương trình giảm nghèo được địa phương thực hiện hiệu quả. Nhiều mô hình giảm nghèo đã phát huy hiệu quả như: Vận động nhân dân tiết kiệm phế liệu vì phụ nữ và trẻ em nghèo, Hũ gạo tình thương, Tiếp sức phụ nữ yếu thế của Hội LHPN thị trấn; mô hình Hộ có giúp hộ khó, Chia sẻ khó khăn với bệnh nhân nghèo của UBMTTQ Việt Nam thị trấn… đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo. 100% hộ nghèo đều được hỗ trợ mua thẻ BHYT; 100% hộ nghèo chuẩn quốc gia, hộ cận nghèo quốc gia, hộ nghèo chuẩn tỉnh được hỗ trợ tiền điện…

Tại huyện Xuyên Mộc, huyện tập trung nguồn lực, giải pháp giúp người dân giảm nghèo theo hướng bền vững như: kêu gọi cơ quan, đơn vị, DN, tổ chức tôn giáo, cán bộ, công chức, viên chức, người dân đóng góp hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà “đại đoàn kết”; tặng quà; trao học bổng cho HS nghèo; hỗ trợ sinh kế… Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 14,85%, đến nay giảm còn 0,35%. Thu nhập bình quân của người dân tại các xã xây dựng nông thôn mới hiện nay đạt 61 triệu đồng/người/năm, cao gấp 3,66 lần so với năm 2010.

Ông Nguyễn Kế Toại, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã nỗ lực vận động đoàn viên, hội viên, người dân giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, hỗ trợ việc làm, thực hiện các hoạt động nhân đạo từ thiện… để chăm lo cho người nghèo, hỗ trợ người nghèo thoát nghèo bền vững. 

Bài, ảnh: THI PHONG

 
;
.