Dưới chân núi Thơm

Thứ Sáu, 28/10/2022, 18:52 [GMT+7]
In bài này
.

Dưới chân núi Thơm, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ, có ngôi nhà nhỏ đầy hoa, cây cảnh phủ một màu xanh, sau nhà là một đầm sen rộng thơm ngát.

 Chị Huỳnh Thị Thanh Vân chuẩn bị các mặt hàng từ sen giao cho khách.
Chị Huỳnh Thị Thanh Vân chuẩn bị các mặt hàng từ sen giao cho khách.

Đó là vườn sen của gia đình chị Huỳnh Thị Thanh Vân. Mùa này, tuy không phải mùa chính nhưng dưới đầm vẫn còn nhiều đóa sen đang nở rộ.

Chị Vân cho biết, diện tích hơn 1ha trước đây làm lúa nhưng do đất phèn, ngập úng, sâu bệnh khiến cho năng suất không được bao nhiêu. Chị Vân trăn trở và nghĩ đến chuyện phải tìm được một cách làm mới, hiệu quả hơn. Đến năm 2018, gia đình chị được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN-PTNT chọn làm mô hình thí điểm trồng sen lấy củ đầu tiên của tỉnh.

Chị tích cực tìm hiểu qua sách báo, tham gia các lớp học trồng sen và lặn lội tới Sóc Trăng để tìm hiểu về mô hình trồng sen trên đất ruộng. Sau khi có đủ vốn liếng kiến thức, chị bắt tay ngay vào chuyển đổi cây trồng. “Bỏ đi cây lúa đã gắn bó với đời cha, đời ông, tôi cũng xót xa lắm chứ. Nhưng cái háo hức để thử nghiệm một giống cây mới làm tôi quyết tâm hơn hẳn”, chị Vân bộc bạch.

Đất không phụ lòng người, nhờ được chăm sóc tốt nên ruộng sen của gia đình chị nhanh chóng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sen vốn dễ trồng, ít công chăm sóc, khả năng chống chịu sâu bệnh cao và phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương.

Chị lại nghiên cứu để chế biến sen thành nhiều sản phẩm. Các mặt hàng từ sen của chị Vân rất đa dạng như sen lụa, tim sen, trà sen... Chị cho hay, hàng làm không xuể vì lượng khách đặt rất nhiều, cả trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, chị còn đầu tư trồng hàng trăm chậu sen cảnh theo đơn đặt hàng. Những chậu sen đồng loạt khoe sắc. Từ các loài sen Việt như: Cung đình hồng, cung đình trắng, quan âm, tứ thời cho đến những giống sen ngoại nhập như: Pink Lady, New Lanceolate và các loại sen mini với nhiều màu sắc khác nhau đều cho hoa tuyệt đẹp.

Sản phẩm từ vườn sen Thanh Vân hiện đã được nhiều khách hàng trong, ngoài tỉnh và có cả khách ở nước ngoài biết đến, tin dùng. Chị sẵn sàng nói chuyện với khách để chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc sen, cách cho hoa nở đúng độ. Mỗi lần khách hàng chụp hình khoe sen cảnh nở, chị lại vui như đó là hoa của mình.

Chị Mai Thị Ngọc (du khách ở TP.HCM) cho biết: “Tôi tới đây là lần thứ 5, tôi thích không gian ở đây bình yên và thích được hòa mình cùng sen. Sản phẩm của chị Vân là sản phẩm “sạch từ gốc đến ngọn”. Chị trồng hữu cơ nên gia đình tôi luôn tin tưởng sử dụng nhiều năm nay. Với cách trồng hữu cơ này, năng suất có giảm nhưng bù lại có thể thu hoạch thời gian dài, và có thể tận dụng hết tất cả các bộ phận của cây để khai thác thương mại”.

Dù luôn bận rộn với sen, nhưng chị Vân là người mê thiện nguyện. Hằng năm, chị cùng nhóm bạn ở Sài Gòn kêu gọi, vận động gần 500 suất quà để trao tới những mảnh đời bất hạnh gặp nhiều khó khăn. Nhóm chị thường xuyên tới Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 để tặng quà và cắt tóc cho các bệnh nhân tại đây. Ngoài ra, chị còn có nhiều cuộc hành trình đến các trẻ em nghèo trong và ngoài tỉnh…

Chủ tịch Hội LHPN xã Long Tân Huỳnh Cẩm Loan cho biết: “Không chỉ là tấm gương làm kinh tế giỏi, chị Vân còn là hội viên phụ nữ tích cực tham gia các phong trào công tác hội, nhiệt tình chia sẻ những kinh nghiệm làm ăn với bà con lối xóm và các chị em phụ nữ trong hội. Với tính cần cù, sự nhanh nhạy trong công việc và ý chí vượt khó để vươn lên, tìm tòi những phương thức sản xuất thích hợp nên chị Vân đã thành công với mô hình trồng sen. Đây là tấm gương phụ nữ tiêu biểu, xứng đáng để hội viên khác học hỏi làm theo. Dịp 20/10 vừa qua, chị Vân được nhận Bằng khen của Hội LHPN tỉnh vì đạt giải Nhì cuộc thi viết dự án/ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp năm 2022”.

“Từ khi chuyển sang trồng sen, lợi nhuận cao gấp 5 lần so với trồng lúa, hơn nữa trồng sen thì ngày nào cũng có thu nhập. Một năm 3 vụ thu hoạch củ sen được 3 tấn chưa tính các loại khác. Giờ có kinh nghiệm hơn lúc đầu nên mỗi năm, gia đình tôi thu về gần 300 triệu đồng sau khi trừ các chi phí”, chị Huỳnh Thị Thanh Vân cho biết.

Bài, ảnh: THÙY HƯƠNG

 
;
.