Sốt xuất huyết rất nguy hiểm với thai phụ
Mắc sốt xuất huyết (SXH) khi mang thai có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả thai phụ và thai nhi, thậm chí tử vong cả mẹ lẫn con. Đây là đối tượng nguy cơ cao, khiến bệnh dễ trở năng nên phụ nữ mang thai cần đặc biệt lưu ý, thực hiện các biện pháp phòng tránh để không bị SXH.
Bác sĩ Bệnh viện Vũng Tàu kiểm ra sức khỏe cho chị N.T.T.H., trước khi xuất viện. |
Những chuyện thương tâm
Đang mai thai ở tuần thứ 10, chị N.T.T.H., (27 tuổi, phường 11, TP.Vũng Tàu) bị SXH. Khi mắc bệnh, chị H. sốt cao khoảng 40 độ C, đau nhức khắp cơ thể và mệt mỏi. 4 ngày đầu bị bệnh, chị vẫn đều đặn đến một phòng khám tư nhân trên địa bàn TP.Vũng Tàu để khám và làm xét nghiệm mỗi ngày.
Đến ngày thứ 5, cùng với sốt và mệt, bệnh nhân còn đau bụng, xuất huyết âm đạo nên mới vào Bệnh viện Vũng Tàu cấp cứu và được nhập viện tại Khoa Sản. Lúc này, chị H. rơi vào tình trạng nguy hiểm khi bị sốc SXH nặng. Điều đó làm chị bị sẩy thai tự nhiên, để lại nỗi đau cho chị và người thân trong gia đình. “Trong thời gian điều trị tại Bệnh viện Vũng Tàu, tôi được truyền huyết tương, truyền dịch, truyền máu. Nhờ đó, sức khỏe của tôi tiến triển tốt và xuất viện”, chị H. nói.
Trên địa bàn tỉnh từng ghi nhận một trường hợp thương tâm hơn khi hai mẹ con thai phụ đều tử vong do SXH vào cuối tháng 8/2022. Đó là chị N.T.K.N., (23 tuổi, ấp Phước Hưng, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền), có thai 34 tuần. Chiều ngày 11/8, thai phụ sốt nhẹ, người mệt nên người nhà đưa vào Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bà Rịa), sau đó chuyển đến Khoa Sản.
Đêm cùng ngày, người nhà xin tự đưa chị N., lên Bệnh viện Hùng Vương (TP.Hồ Chí Minh). Ngày 15/8, bệnh nhân tiếp tục được chuyển qua Bệnh viện Chợ Rẫy. Bác sĩ chẩn đoán, thai phụ bị SXH nặng, suy gan cấp và bán cấp, phù não lan tỏa hai bán cầu. Trong thời gian điều trị, người bệnh được thở máy, thay huyết tương, kháng sinh, vận mạch, truyền máu. Thế nhưng, sức khỏe vẫn tiên lượng xấu. Ngày 21/8, gia đình xin cho bệnh nhân về và tử vong cùng ngày.
Thai phụ dễ gặp biến chứng khi mắc SXH
SXH là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và mọi đối tượng đều có thể bị mắc bệnh nếu không thực hiện các biện pháp phòng, chống tốt. Thai phụ khi mắc SXH còn gặp nhiều rủi ro, bệnh dễ trở nặng và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe với mẹ và bé, thậm chí tử vong như 2 trường hợp nêu trên.
Bác sĩ sản khoa phân tích, nguyên nhân dẫn đến thai phụ mắc SXH có thể gặp các biến chứng là do khi mang bầu có nhiều thay đổi trong cơ thể, hệ miễn dịch của mẹ bị suy yếu tạo cơ hội cho vi rút phát triển mạnh khiến thai phụ bị SXH nặng.
“Khi thai phụ có triệu chứng mắc SXH như sốt, đau nhức người, mệt mỏi… cần đến ngay các cơ sở y tế khám sớm để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời, nếu để chậm trễ có thể xảy ra nhiều biến chứng đáng tiếc, không mong muốn với thai phụ và thai nhi”, bác sĩ Hoàng Phước Ba cảnh báo. |
Vì vậy, thai phụ mắc SXH có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm xuất hiện trong suốt thai kỳ và khi sinh con như: Giảm tiểu cầu, có thể đe dọa đến tính mạng cho cả thai phụ và thai nhi; tăng nguy cơ sinh non, em bé sinh ra nhẹ cân hoặc thậm chí tử vong nếu thai phụ bệnh nặng. Thai phụ bị SXH trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ sẽ làm tăng nguy cơ bị sảy thai, thai chết lưu. Thai phụ bị nhiễm vi rút SXH trong khi sinh, nguy cơ xuất huyết là rất cao. Ngoài ra, thai phụ bị SXH có thể mắc bệnh tiền sản giật. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai mắc SXH thì không dẫn đến dị tật và bất thường ở thai nhi.
Bác sĩ Hoàng Phước Ba, Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Vũng Tàu cho biết, vài tháng trở lại đây khoa có tiếp nhận một số trường hợp thai phụ mắc SXH nhập viện, nhưng chưa ghi nhận trường hợp nào thai phụ bị SXH mà truyền vi rút sang cho con bởi cơ chế hàng rào nhau thai ngăn cản, bảo vệ không để vi rút xâm nhập bào thai. Dịch SXH vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc vẫn tăng cao, nên mọi người dân, nhất là phụ nữ mang thai cần thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH như nằm mùng, diệt lăng quăng… để không để mắc SXH.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM