Nỗ lực phòng, chống sốt xuất huyết

Thứ Hai, 26/09/2022, 18:18 [GMT+7]
In bài này
.

Dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) vẫn đang ở giai đoạn cao điểm, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống dịch. Qua đó, nâng cao ý thức cho người dân, giảm ca mắc và ca tử vong do SXH.

Lực lượng vũ trang và người dân ở KP.Hải Bình (TT.Long Hải, huyện Long Điền) dọn dẹp vệ sinh môi trường.
Lực lượng vũ trang và người dân ở KP.Hải Bình (TT.Long Hải, huyện Long Điền) dọn dẹp vệ sinh môi trường.

Tuyên truyền tận hộ gia đình

KP Hải Bình (TT.Long Hải, huyện Long Điền) có diện tích khoảng 160 ha, với 1.100 hộ dân. Tuy mật độ dân cư không đông đúc bằng các khu phố ven biển, cảng cá nhưng nơi đây lại có diễn biến dịch SXH phức tạp, khi đã có 3 trẻ em tử vong do SXH. Ban điều hành KP.Hải Bình đã gia tăng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch SXH như: Vãng gia 3 ngày/lần (trước đây 7 ngày/lần) để tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết phòng, chống SXH, dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường sạch sẽ, súc rửa các dụng cụ chứa nước.

Trước đây, bà Nguyễn Thị Phiếu, ở tổ 15, KP Hải Bình nghĩ rằng SXH là bệnh bình thường vì năm nào cũng có. Thế nhưng, khi hàng xóm có người thân mất do SXH, bà lo lắng và cảnh giác về bệnh này. “Tôi mua bình xịt muỗi, thắp nhang muỗi, bôi thuốc chống muỗi, nằm ngủ mùng và không chứa nước trong các lu để phòng, chống SXH”, bà Phiếu nói.

Ông Trần Quốc Nhẫn, Phó Chủ tịch UBND TT.Long Hải (huyện Long Điền) thông tin, ngoài việc yêu cầu các khu phố gia tăng công tác vãng gia, tuyên truyền người dân thực hiện phòng, chống SXH, thị trấn còn phối hợp với các phòng khám tư trên địa bàn trong phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, khi người dân có biểu hiện bệnh SXH đi khám, phòng khám tư phải thông tin ngay với y tế địa phương để nắm bắt, theo dõi và hỗ trợ điều trị ca bệnh. “Một số trường hợp mắc SXH sau khi khám cho về nhà theo dõi, chúng tôi nắm được thông tin đã đến nhà vận động bệnh nhân lên bệnh viện điều trị”, ông Nhẫn nói thêm.

Đến ngày 14/9, TX.Phú Mỹ đã ghi nhận 1.148 ca mắc SXH, trong đó có 14 ca nặng và 1 ca tử vong. Số ca mắc của địa phương này tăng gấp 9,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Để phòng, chống SXH, TX.Phú Mỹ chú trọng công tác truyền thông như phát thanh hàng ngày trên loa truyền thanh của xã, phường, ấp, khu phố với các thông tin hướng dẫn người dân thực hiện diệt lăng quăng, diệt muỗi; các ấp, khu phố thực hiện vãng gia, lồng ghép tuyên truyền phòng, chống SXH đến từng hộ gia đình.

Tại TP.Vũng Tàu đến ngày 18/9 đã có 7.163 trường hợp mắc SXH, chiếm 57% số ca mắc của toàn tỉnh. Do đó, UBND các xã, phường tiếp tục tổ chức tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, phòng chống SXH hàng tuần trong tháng 9 và 10. Mục tiêu bảo đảm 100% khu phố đều được tổng vệ sinh, làm sạch lăng quăng trong các vật dụng chứa nước trong và ngoài nhà, thu gom phế thải.

Nỗ lực khống chế dịch lây lan

Khi phát hiện ổ dịch, TX.Phú Mỹ tổ chức phun thuốc diệt muỗi trong vòng 48 giờ nhằm hạn chế lây lan và gia tăng ca mắc; tẩm mùng hóa chất cho người dân tất cả các xã, phường và phun hóa chất tại trụ sở các cơ quan hành chính-sự nghiệp trên địa bàn; đồng thời giám sát, điều tra côn trùng nhằm đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời.

Từ đầu năm đến ngày 24/9, toàn tỉnh có 12.977 ca mắc SXH, tăng 15,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Toàn tỉnh đã có 13 ca tử vong do SXH, chiếm 8,55% trên tổng số ca SXH nặng (152 ca).

Ông Nguyễn Liên, Phó Giám đốc TTYT TX.Phú Mỹ nhận định, số ca mắc SXH trên địa bàn còn tăng cao vào những tháng tiếp theo do vẫn đang mùa mưa nên thuận lợi cho muỗi phát triển. Tốc độ đô thị hóa kéo theo tình trạng rác thải, vệ sinh không bảo đảm và dân cư biến động là những nguy cơ tiềm ẩn gây bùng phát dịch SXH. Do vậy, TX.Phú Mỹ tiếp tục thực hiện giám sát dịch tễ, theo dõi mật độ muỗi và lăng quăng tại địa bàn, kịp thời phát hiện những diễn biến bất thường về dịch tễ và có biện pháp xử lý sớm khi có dịch xảy ra. Mặt khác, TTYT TX.Phú Mỹ chuẩn bị sẵn sàng thuốc, phương tiện cấp cứu và điều trị để kịp thời chẩn đoán, thu dung, điều trị người bệnh SXH; chỉ đạo trạm y tế các xã, phường giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp mắc hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh tại hộ gia đình nhằm điều trị và xử lý sớm, triệt để ổ dịch không để lây lan ra cộng đồng. “Chúng tôi còn phối hợp với Phòng Y tế tham mưu cho UBND thị xã chỉ đạo các xã, phường thực hiện các chiến dịch diệt lăng quăng và vệ sinh môi trường hàng tuần tại các địa bàn có số ca mắc ca nằm trong ngưỡng báo dịch”, ông Liên cho hay.

Tuy số ca mắc SXH ở TP. Vũng Tàu đã có chiều hướng giảm nhưng vẫn cao gấp 5-6 lần so với trung bình tuần giai đoạn 2019-2021. Do đó, UBND TP.Vũng Tàu đã yêu cầu Phòng Y tế và TTYT thành phố tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, không được chậm trễ hoặc bỏ sót ổ dịch khiến dịch bệnh lây lan và kéo dài trong cộng đồng. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu cho biết UBND thành phố đã yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các điểm nguy cơ về dịch bệnh trên địa bàn, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất với UBND thành phố xử lý các cá nhân, tổ chức, chủ các điểm nguy cơ cố tình không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các hướng dẫn phòng, chống SXH để dịch bệnh lây lan.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

;
Đơn vị thi công cửa lưới chống muỗi chuyên nghiệp, giá rẻ
.