Nhiều chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số

Chủ Nhật, 18/09/2022, 19:20 [GMT+7]
In bài này
.

Sở GD-ĐT và Ban Dân tộc tỉnh vừa phối hợp tổ chức chương trình giao lưu, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với GV và HS Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, từ đó tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện tốt hơn mục tiêu, nhiệm vụ liên quan tới công tác dân tộc.

Ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh trao quà cho HS Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh có thành tích xuất sắc trong học tập.
Ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh trao quà cho HS Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh có thành tích xuất sắc trong học tập.

Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất 

Tại buổi đối thoại, HS Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh đề xuất các sở, ban, ngành liên quan tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường như: nâng cấp, cải tạo nhà vệ sinh trường học, xây dựng thêm các sân chơi ngoài trời, trang bị các trụ nước uống tại vòi, các cây nước nóng để tạo thuận lợi cho các em trong sinh hoạt. Cùng với đó, cần hỗ trợ tìm việc làm cho HS, SV người dân tộc thiểu số.

Là cựu HS Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh, ThS. Đào Quốc Trung, GV nhà trường bày tỏ sự xúc động: “Nếu không có các chính sách hỗ trợ của tỉnh và Nhà nước cho con em đồng bào dân tộc thiểu số thì sẽ không có Thạc sĩ Đào Quốc Trung hôm nay!”. Từ khát khao học tập nâng cao trình độ của bản thân, thầy Trung đề xuất tỉnh nghiên cứu chính sách hỗ trợ SV dân tộc thiểu số tiếp tục học tập bậc sau ĐH. Đồng thời có chính sách phát triển văn hóa dân tộc, gắn với du lịch, đồng hành với sự phát triển KT-XH của tỉnh.

Quan tâm tới việc giữ gìn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, thầy Nguyễn Hữu Tín đề nghị tỉnh tạo điều kiện cho nhà trường xây dựng nhà văn hóa dân tộc, đồng thời hỗ trợ kinh phí để mỗi HS đều có trang phục truyền thống dân tộc mình.

UBND tỉnh đã có văn bản về việc bổ sung danh mục đầu tư dự án sửa chữa bổ sung một số hạng mục cho Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh. Trong thời gian chờ triển khai dự án, dù cơ sở vật chất xuống cấp nhưng nhà trường cần bảo đảm vệ sinh trường lớp.

Sở GD-ĐT cũng đã đề nghị Sở Tài chính xem xét việc hỗ trợ kinh phí trang phục dân tộc truyền thống cho HS của trường. Ngoài ra, nhà trường cần chủ động xây dựng sân chơi ngoài trời, vận động xã hội hóa để trang bị thêm trụ nước uống, cây nước nóng cho HS.

(Ông Nguyễn Văn Ba, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT)

Triển khai nhiều chính sách thiết thực

Tại buổi giao lưu, ông Dương Văn Hạnh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho hay, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 108/NQ-HĐND tỉnh phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2022-2025 với tổng nguồn vốn 634 tỷ đồng. Bên cạnh đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 13/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho HS, SV là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đang học tại các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp.

Ông Hạnh cho biết thêm, theo quy định chung cả nước, SV thuộc diện khó khăn, sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn mới được hỗ trợ chi phí học tập. Nhưng riêng tại Bà Rịa-Vũng Tàu, tất cả SV người dân tộc thiểu số đều được hưởng chính sách riêng của tỉnh với mức hỗ trợ trên 8 triệu đồng/năm. Về đề xuất hỗ trợ chi phí cho đồng bào dân tộc thiểu số theo học sau ĐH, Ban Dân tộc sẽ tham mưu cho tỉnh xem xét ban hành chính sách đặc thù.

Ông Huỳnh Việt Triều, Trưởng Phòng Giáo dục Nghề nghiệp (Sở LĐTBXH) cho biết, việc hỗ trợ tìm việc làm cho HS, SV là đối tượng người dân tộc thiểu số hiện chưa có chính sách riêng. Tuy nhiên, hằng năm Sở LĐTBXH đều phối hợp với các DN tổ chức từ 8-10 phiên giao dịch việc làm. Mỗi huyện, thị xã, thành phố sẽ tổ chức Phiên giao dịch việc làm tại địa phương ít nhất 1 lần/năm. Các em HS, SV dân tộc thiểu số có thể tham dự miễn phí các phiên giao dịch việc làm để được tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động hoặc DN sẽ sơ tuyển trực tiếp. Ngoài ra, các em còn có thể vay vốn từ nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm để khởi sự DN hoặc tự tạo việc làm.

Liên quan đến vấn đề phát triển văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, ông Phạm Diêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh cho biết, UBND tỉnh đã ban hành 2 kế hoạch quan trọng liên quan tới vấn đề này. Đó là Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch về chiến lược phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Sở VH-TT đang tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện dự án bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, thuộc chương trình mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa vùng núi và vùng dân tộc tới năm 2030.

Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG 

;
.