Khô mắt - Câu chuyện thời đại 4.0
Thời đại 4.0 cùng các thiết bị công nghệ hiện diện mỗi ngày trong cuộc sống của bạn. Từ học tập, làm việc trên máy tính, giải trí trên điện thoại thông minh, đến tìm kiếm thông tin cũng sử dụng Internet để tra cứu. Do đó, các bệnh về mắt cũng gia tăng nhanh, đặc biệt là khô mắt.
Hơn 60% nhân viên văn phòng bị khô mắt hoặc gặp các bệnh lý về mắt do tiếp xúc với các thiết bị điện tử hằng ngày. |
Ở Việt Nam, có khoảng 4 đến 6 triệu người mắc bệnh khô mắt với các mức độ khác nhau và ở bất kỳ độ tuổi nào. Hơn 60% nhân viên văn phòng bị khô mắt hoặc gặp các bệnh lý về mắt.
Nếu như trước đây, lão hóa là nguyên nhân chính gây nên bệnh khô mắt thì hiện nay, đối tượng của bệnh khô mắt đang dần bị trẻ hóa. Trong bối cảnh của thời đại kỹ thuật số, điện thoại, máy tính và các thiết bị điện tử khác trở thành vật bất ly thân. Thêm vào đó, môi trường làm việc văn phòng buộc thế hệ trẻ thường xuyên phải tiếp xúc với điều hòa, mắt liên tục chịu áp lực, lại không được nghỉ ngơi đủ. Đây đều là những nguyên nhân khiến người trẻ trở thành đối tượng có nguy cơ bị khô mắt cao.
Khô mắt là gì?
Khô mắt là sự rối loạn màng phim nước mắt, xảy ra khi lượng nước mắt không đủ để giữ ẩm và bôi trơn cho mắt, hoặc khi nước mắt bốc hơi quá nhanh, gây tổn hại bề mặt nhãn cầu.
Các triệu chứng thường gặp: cay rát mắt, cộm xốn, cảm giác như có bụi trong mắt, buồn ngủ, ngứa mắt… Trường hợp nặng có thể có cảm giác sợ ánh sáng, mờ nhòe, giảm thị lực. Dưới đây là một vài nhóm có nguy cơ bị khô mắt:
Thường xuyên làm việc ngoài trời: Khi thời tiết nắng nóng, kèm theo ô nhiễm khói bụi bên ngoài, nước mắt bốc hơi nhanh, không đảm bảo cấp ẩm đủ cho giác mạc dẫn đến khô mắt.
Người lớn tuổi: Thoái hóa mắt thường gặp với người trên 50 tuổi, dẫn đến các tình trạng như khô mắt.
Người mới phẫu thuật mắt: Các phẫu thuật trên bề mặt giác mạc như phẫu thuật tật khúc xạ cho mắt bằng laser (phẫu thuật LASIK) và các thủ thuật điều chỉnh thị giác khác có thể gây ra khô mắt.
Nhân viên văn phòng: Môi trường lạnh và thiếu ẩm trong văn phòng khiến lượng nước mắt tiết ra bị giảm sút, kèm theo gia tăng tình trạng bốc hơi nước mắt, khiến tình trạng mắt khô càng nhanh.
Hay tiếp xúc với các thiết bị điện tử: Làm việc liên tục với các thiết bị điện tử đòi hỏi mắt tập trung cao và điều tiết liên tục, dẫn đến tần suất chớp mắt ít hơn. Do vậy, nhóm người thường xuyên tiếp xúc các thiết bị điện tử chiếm phần lớn trong số các đối tượng có nguy cơ khô mắt cao.
Như vậy, khô mắt không giới hạn ở độ tuổi mắc bệnh và có thể dễ dàng gặp ở bất kỳ ai.
Tình trạng khô mắt cần cải thiện thế nào?
Để khắc phục khô mắt, các bác sĩ chuyên khoa Mắt lưu ý, chế độ ăn uống, chế độ sinh hoạt cần được đảm bảo hợp lý.
Về chế độ ăn uống: Bổ sung vitamin có trong các loại rau củ quả như cà rốt, bí đỏ, bông cải xanh, cam. Uống đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày và hạn chế chất kích thích như rượu bia.
Về chế độ sinh hoạt: Ngủ đủ 7-8 tiếng để mắt được nghỉ ngơi và hồi phục sau giờ làm việc. Tạo thói quen chủ động thăm khám 6 tháng 1 lần tại các cơ sở y tế chuyên khoa mắt nhằm phát hiện sớm vấn đề bất thường, từ đó có hướng điều trị phù hợp.
Bên cạnh đó, các bác sĩ chuyên khoa Mắt nhấn mạnh việc bổ sung nước mắt nhân tạo giúp cấp ẩm trực tiếp và lâu dài cho mắt khô là cần thiết bởi nó có nồng độ PH tương tự như nước mắt tự nhiên.
Theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, nếu câu trả lời của bạn là “có” cho phần lớn 4 câu hỏi dưới đây, đôi mắt bạn cần tham vấn ý kiến bác sĩ do bạn đang có khả năng bị khô mắt cao.
1. Ngay lúc này, bạn có cảm thấy đôi mắt của mình hơi khô và một chút rát?
2. Bạn thấy mắt khó chịu, cảm giác có sạn hoặc cộm trong mắt?
3. Bạn có dành trên 4 tiếng mỗi ngày trước máy tính hay điện thoại?
4. Bạn làm việc hơn 6 tiếng mỗi ngày trong môi trường điều hòa?
|
NGỌC CHÂU