Bão quét, nhiều tỉnh miền Trung thiệt hại nặng
Bão Noru (bão số 4) càn quét các tỉnh miền Trung khiến nhiều công trình, nhà dân bị ngã đổ, tốc mái; đường sá ngổn ngang, nước ngập sâu. Lực lượng chức năng và người dân đang khắc phục hậu quả của cơn bão.
Tại Đà Nẵng, bão đã làm tốc mái nhiều nhà dân, trường học, hiện vẫn còn gió lớn...
Lực lượng Ban CHQS TP.Hội An dọn dẹp cây cối ngã đổ sau bão. |
Dự báo trong hôm nay 28/9, khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 120-200mm, có nơi trên 250mm; khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm.
Từ ngày 28 đến ngày 29/9 khu vực Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến từ 100-250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt; vùng ven biển, đồng bằng Bắc Bộ và Hòa Bình lượng mưa phổ biến từ 70-150mm/đợt, có nơi trên 180mm/đợt. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét trượt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng thấp.
Quảng Nam mưa lớn, nhiều nơi ngập sâu
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chóng thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, trong 24 giờ qua, các địa phương trong tỉnh có mưa rất to. Tổng lượng mưa các địa phương vùng núi phổ biến từ 150 - 180mm, các địa phương vùng đồng bằng ven biển phổ biến từ 210 - 250mm, có nơi trên 300mm.
Người dân Hội An giúp nhau khiêng xe máy đi qua khúc đường có cây ngã đổ. |
Tính đến 5h sáng 28/9, có 1 nhà ở xã Tam Phú, TP. Tam Kỳ bị tốc mái hoàn toàn, Đồn Biên phòng 276 (Cù Lao Chàm) có nhà chỉ huy, nhà ở cán bộ, chiến sĩ bị tốc mái hơn 50%, cây cối ngã đổ hơn 70%, sập hệ thống chuồng trại, tăng gia, vỡ kính sảnh trước nhà chỉ huy. Một chiếc ghe bị chìm tại xã Tam Giang, huyện Núi Thành.
Khu dân cư đường số 1 thôn Agrong, xã Atiêng; thôn A zứt, xã Bhlêê, thôn Ahu, xã Atiêng (huyện Tây Giang) ngập sâu từ 0,5-1m gây thiệt hại hư hỏng đồ dùng của người dân.
Hiện tại các địa phương trên địa bàn còn mưa to, có gió mạnh, nước sông suối dâng cao nên chưa thể kiểm tra thiệt hại trên địa bàn.
Dọc đường Phan Châu Trinh, TP.Tam Kỳ, nước ngập 0,5m. Lúc này người dân tại TP.Tam Kỳ cửa đóng then cài, mưa đổ liên tục không ngớt. Gió giật từng cơn liên hồi, nhiều nhà bay mái tôn, bảng hiệu không dám ra nhặt về.
Hội An yêu cầu người dân "ai ở nhà nấy" cho tới 9h
Chủ tịch UBND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam Nguyễn Văn Sơn cho biết báo cáo nhanh lúc 8h sáng 28/9 cho thấy Hội An không có thiệt hại về người, hiện gió bão vẫn còn mạnh nên thành phố quyết định yêu cầu người dân ở yên tại chỗ tới 9h sáng thay vì 7h như dự kiến ban đầu để đảm bảo an toàn.
TP. Hội An đã cho các lực lượng xuống đường cắt tỉa dọn dẹp cây xanh. Trong khi đó, một trụ điện cao thế đưa điện cấp cho đảo Cù Lao Chàm đã đổ vào nhà dân gây mất điện toàn đảo nhưng rất may không có người dân nào bị thương.
Thừa Thiên-Huế vẫn cấm người dân ra đường sau bão
Đến sáng 28/9, tại tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn ghi nhận có gió cấp 7, cấp 8 kèm mưa to do hoàn lưu bão số 4 gây ra.
Nhiều nhà dân ở xã Vinh Xuân (huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) bị tốc mái sau bão số 4. |
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết do còn gió lớn nên tỉnh đã ra thông báo tiếp tục cấm người dân trên địa bàn ra khỏi nhà để đảm bảo an toàn.
Theo ông Hùng, hoàn lưu bão này sẽ còn gây gió lớn đến tận trưa 28/9 nên việc ra đường lúc này là hết sức nguy hiểm.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã có ghi nhận ban đầu một trường hợp tử vong do cây gãy đổ khi ra đường sau bão.
Đến 8h sáng 28/9, Thừa Thiên-Huế vẫn chưa có báo cáo sơ bộ về tình hình thiệt hại do bão số 4 gây ra. Tuy nhiên tỉnh này cũng đã ghi nhận có nhiều nhà dân ở xã Vinh Xuân (huyện Phú Vang), phường Hương An (thị xã Hương Trà) và một số địa phương có nhiều nhà ở của người dân bị tốc mái, cây cối gãy đổ.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thăm hỏi, động viên bà con tránh trú bão ở phường Thuận An (TP Huế). |
Trước đó, sau khi họp trực tuyến ban chỉ đạo tiền phương tại điểm cầu ở Huế, sáng 28/9, Phó Thủ tưởng Lê Văn Thành đã cùng đoàn công tác đi về ven biển phường Thuận An (TP.Huế), xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) để kiểm tra công tác khắc phục bão và thăm hỏi, động viên bà con.
Đoàn công tác đã đến thăm, tặng quà cho bà con tránh trú bão ở điểm trường THPT Thuận An (TP.Huế). Tại đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã động viên bà con. Ông cho biết Đảng, Chính phủ luôn quan tâm, hỗ trợ người dân trong thiên tai và mong bà con vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả sau bão.
Lý Sơn: 7 tàu cá chìm, 250 ngôi nhà tốc hái, 50ha hành hư hỏng hoàn toàn
Sáng 28/9, ông Đặng Tấn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết đang khảo sát tình hình thiệt hại do bão Noru gây ra. Thống kê sơ bộ, có 250 căn nhà bị tốc mái, 7 tàu cá bị chìm, 50ha hành bị thiệt hại hoàn toàn, nhiều cây cối ngã đổ...
"Nhờ chủ động ứng phó với bão Noru, nên dù bị gió mưa quần liên tục cả ngày, có thời điểm gió giật cấp 13, nhưng may mắn huyện không có thiệt hại về người. Có thể nói việc chủ động ứng phó đã cho kết quả này", ông Thành nói.
Tại các xã khu vực ven biển tỉnh Quảng Ngãi, chính quyền các địa phương đang thống kê thiệt hại.
Ông Võ Văn Đồng, chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, cho biết: "Có nhà tốc mái, hư hỏng nhưng chưa có con số chính thức. Hiện tập trung lực lượng giúp dân, xử lý cây cối hư hỏng, ngã đổ".
Gia Lai: Một số nơi mất điện diện rộng
Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cho biết nhiều địa phương của tỉnh báo về tình hình cơ bản ổn. Một số địa phương như Đak Đoa, Kbang bị mất điện trên diện rộng do ảnh hưởng của bão. Một số công trình kiên cố bị gãy đổ như sập cổng chào của xã Lơ Ku (Kbang)...
Theo TTO