Tưởng "độc chiêu" nhưng lại... thất sách
Nhiều người cho rằng, môt khi vợ chồng đã “mạnh ai nấy đi”, cách tốt nhất là cần phải rũ sạch quá khứ. Có như thế, người ta mới có thể toàn tâm toàn ý “vui duyên mới”. Thoạt nghe cũng có lý. Vì không “người mới” nào có thể vui vẽ khi nghe “người của mình” nhắc đến “người cũ”. Thậm chí, ngay cả mình hễ nhớ đến người cũ ấy là điên tiết, oán giận. Quên béng đi vẫn là tốt nhất. Nhưng rồi, tưởng là thế nhưng nào phải thế. Không như các mối quan hệ khác, câu chuyện về hôn nhân gia đình không thể xử lý hoàn toàn bằng lý trí đâu.
Minh họa: MINH SƠN |
Anh bạn tôi kể lại câu chuyện này: Sau khi ly dị, anh ghét cay ghét đắng người vợ cũ. Hễ bất kỳ những gì liên quan đến cô ta, anh cũng đều tìm mọi cách chối từ, xóa bỏ. Ngày kia, con gái bị ốm, anh đưa vào bệnh viện. Sau những ngày được chăm sóc, dù vậy sức khỏe của cháu vẫn không mấy khả quan. Có những đêm ngồi trằn trọc bên giường bệnh, anh lại càng oán ghét vợ. Giờ này, cô ta đang tí tởn, hú hí với tình nhân mới, làm gì có thể biết đến nỗi nhọc nhằn mà anh đang đối mặt? Nghĩ thì nghĩ vậy. Nhưng nếu cô ta có đem quà đến thăm con, dứt khoát anh cũng “cấm cửa”.
Đang trầm tư suy nghĩ, bỗng cô con gái giật mình, níu lấy tay anh và mếu máo: “Con nhớ mẹ quá”. Vừa nghe nhắc đến vợ cũ, anh bực bội: “Có ba đây nè. Mẹ con tệ bạc lắm. Nhớ làm gì?”. Lặng lẽ quay mặt vào tường, con gái anh khóc nấc lên. Như một sự sắp xếp kỳ diệu mà đôi lúc người ta không ngờ đến, lúc ấy, đột nhiên vọng lại trong anh là tiếng hát trầm bổng nhẹ nhàng: “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” - (Trịnh Công Sơn). Ờ nhỉ, sỏi đá vốn vô tri, vô giác cũng còn có nhau, chứ huống gì mình và vợ cũ đã có chung những năm tháng mặn nồng? Đã không chung sống được, chia tay nhau cũng là lẽ thường tình, hà cớ gì mình còn cay cú, căm ghét mãi? Hơn nữa, con gái nhớ mẹ có gì là sai? Lòng mình có chật hẹp quá không?
Tiếng hát vẫn ngân vang trong lòng. Như những đợt sóng vỗ nhẹ nhàng và xóa tan đi bao nỗi u ám. Giây lát sau, anh thanh thản hơn: “Ừ, ba sẽ nhắn tin cho mẹ vào thăm con. Ngày mai thôi. Con ngủ ngoan đi”. Nghe đến lời hứa của người cha, cô bé yên tâm ngủ ngon vì biết sẽ gặp mẹ mình. Trong trường hợp này, tôi nhớ dến lời khuyêm của nhiều bác sĩ. Họ bảo rằng, khi bệnh tật, ngoài thuốc men, sự tư vấn, điều trị của thầy thuốc, người bệnh còn cần thêm “dưỡng chất” nữa: lòng yêu thương của người thân.
Đáng tiếc nhất là nhiều người cứ nghĩ rằng, hễ mình càng tỏ thái độ ghét bỏ “người cũ” bao nhiêu thì “người mới” sẽ yêu thương mình hơn bấy nhiêu. Đơn giản vì đó là “độc chiêu” mà mình “lấy lòng” người đến sau một cách dễ dàng và hiệu quả nhất. Liệu chừng có phải thế không?
Trả lời câu hỏi này thế nào? Tôi không không dám “quơ đũa cả nắm”, chỉ xin kể lại mẩu chuyện nhò mà tôi biết rõ mười mươi. Rằng, sau khi li dị chồng, chị X trông còn “ngọt nước” lắm, vì thế không ít đấng mày râu ngấp nghé xáp vào. Đã thế, còn có người giới thiệu thêm nữa. Quả đúng như ông bà ta đã bảo: “Gái một con trông mòn con mắt”. Sau nhiều lần hẹn hò người này, thăm dò người kia, chị đồng ý “đi bước nữa” với người cũng đồng cảnh ngộ là anh Y. Nghe tin này, đám bạn vui lắm, vì anh Y là do chúng tôi mai mối vì thấy cả hai hợp nhau về tính nết. Và tin chắc sau khi gẫy đổ “tập 1” thì cả hai sẽ bình yên với “tập 2”. Tưởng là tưởng thế. Chúng tôi đã nhầm.
Có phải sau khi chung sống với nhau, anh Y đâm ra đổ đốn, hư hỏng rượu chè hay bồ bịch mèo mỡ lằng nhằng gì đó? Chúng tôi đã gặng hỏi, chị X buồn rầu cho biết, về người chồng sau, chị hài lòng, không gì phàn nàn, chỉ ghét có mỗi chuyện là anh hay đem vợ cũ ra so sánh với mình. Đại loại, về nấu nướng ăn uống hễ ngồi vào mâm lại nghe câu: “Ối dào, em tuyệt quá, làm bếp thiệt giỏi, ngon miệng ghê. Còn cô A (vợ cũ) đúng là chẳng ra làm sao. Hồi ở chung, hễ đến bữa ăn thì anh như bị tra tấn. Nay, có em thì…”.
Những câu nói này, ban đầu chị nghe cũng thích. Được khen, ai lại không thích? Nhưng rồi, anh Y cứ đem vợ cũ ra chì chiết mãi, so sánh với mình thì chị cảm thấy lời khen ấy trở nên… vô duyên và lạc quẻ quá đi mất.
Vậy, về phần mình, nếu sau này “đường ai nấy đi” thì khi đến với người khác nữa, anh ta lại lôi mình ra như thế này thôi. Trong trường hợp này rõ ràng “lợi bất cập hại” mà cũng không… quân tử lắm. Đúng không nào? Không rõ bạn nghĩ sao, chứ tôi thấy đúng lắm. Vì rằng, đã là vợ chồng dù thế nào đi nữa thì họ cũng có thời gian chung sống hạnh phúc, tràn trề kỷ niệm đẹp. Nếu không trân trọng gìn giữ nữa thì cũng chớ nên phê phán, ganh ghét, miệt thị, không khéo tạo ra “ép phê ngược” đối với “người mới” quả là thất sách.
LÊ MINH QUỐC