Phụ nữ giúp nhau vượt khó

Thứ Sáu, 26/08/2022, 20:17 [GMT+7]
In bài này
.

Từ những hỗ trợ thiết thực như: giúp nhau về con giống, cây trồng, tiền vốn... nhiều gia đình hội viên phụ nữ khó khăn đã dần ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập.

Công việc may gia công áo khoác của xưởng chị Phượng tạo thu nhập ổn định cho gia đình chị Cao Thị Hà (người ngồi) 2 năm qua.
Công việc may gia công áo khoác của xưởng chị Phượng tạo thu nhập ổn định cho gia đình chị Cao Thị Hà (người ngồi) 2 năm qua.

Tạo việc làm cho hội viên

Sau nhiều năm vất vả làm công nhân may tại TP.Hồ Chí Minh, năm 2018, chị Trần Túy Phượng (thôn Vinh Sơn, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) về xã Nghĩa Thành mở xưởng may gia công áo khoác. Chị Phượng cho biết, trước đây chị được Hội LHPN xã Nghĩa Thành giới thiệu tham gia học may tại địa phương. Có tay nghề vững vàng, chị vào làm ở công ty may nhưng thu nhập rất thấp. Nắm được nguồn nguyên liệu, đầu ra nên chị mạnh dạn quyết  định nghỉ việc, mở xưởng may tại nhà. 

“Trước tiên là tạo việc làm cho bản thân, sau là các chị em có con nhỏ không đi làm ở công ty được. Họ ở nhà vừa chăm con vừa tranh thủ thời gian lúc nhàn rỗi ngồi may gia công kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Hàng hóa tôi cho chị em nhận về nhà làm, đó là một cách hỗ trợ, tạo động lực giúp nhau trong cuộc sống”, chị Phượng chia sẻ.

Các sản phẩm xưởng may của gia đình chị bán ra thị trường có giá dao động từ 25-120 ngàn đồng/áo, phù hợp với túi tiền người dân địa phương, mẫu mã đẹp nên được thị trường ưa chuộng. Đến nay, xưởng tạo thu nhập ổn định cho 15 chị em tại địa phương. Thu nhập mỗi người dao động từ 3-5 triệu đồng/tháng. Bình quân mỗi tháng, chị Phượng cùng các chị em may và bán ra thị trường hơn 800 cái áo khoác, chị thu về hơn 20 triệu đồng/tháng.

Chị Cao Thị Kim Hường (xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) cho biết: “Trước đây tôi làm công nhân, 2 năm qua dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh nên tôi nghỉ việc. Ở nhà làm nội trợ, sẵn biết may nên tôi tìm tới xưởng may gia công của chị Phượng nhận hàng về làm. Tranh thủ lúc rảnh rỗi cũng có thu nhập mỗi tháng 6 triệu đồng đủ để trang trải cuộc sống”.

Một mô hình khác cũng khá hiệu quả là xưởng bánh tráng tại xã Hòa Bình (huyện Xuyên Mộc). Từ số vốn 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội do Hội LHPN xã tín chấp năm 2017, gia đình chị Hoa Thị Hà đã vay mượn thêm, mở xưởng sản xuất bánh tráng gạo. Những mẻ bánh ban đầu đạt chất lượng, dần tạo được uy tín trên thị trường, cùng với sự đồng hành của Hội Phụ nữ, năm 2020, chị đầu tư lắp ráp dây chuyền sản xuất bánh tráng tự động gồm các loại máy móc: máy xay bột, máy đánh bột, hệ thống máy tráng và các loại vật tư, phụ kiện khác... Đến nay, mỗi ngày xưởng sản xuất bánh tráng của gia đình chị Hà xuất ra thị trường từ 700-800kg bánh. 

Sau gần 5 năm đi vào sản xuất, cơ sở bánh tráng của chị Hà hoạt động hiệu quả, mở rộng thị trường tiêu thụ, giải quyết việc làm cho 10-20 lao động ở địa phương với mức thu nhập từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. 

Hội LHPN tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tạo điều kiện cho Hội LHPN các cấp hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp có tính sáng tạo, phù hợp với tình hình, xu thế phát triển của địa phương theo hướng bền vững. Nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình, các nhóm liên kết… Cũng chính vì vậy phong trào ngày càng được lan tỏa, tạo điều kiện để phụ nữ tự tin phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng.
Bà Lê Thị Kim Thu, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh 

Chia sẻ kinh nghiệm cùng phát triển kinh tế gia đình

Tại TP. Vũng Tàu, những năm gần đây, Hội LHPN thành phố không chỉ tập trung cho hoạt động hỗ trợ vốn mà còn chú trọng vận động phụ nữ có kinh nghiệm chia sẻ, hướng dẫn kỹ năng nghề nghiệp cho hội viên cùng nhóm nghề, vì vậy hầu hết các mô hình kinh tế do phụ nữ khởi xướng đều mang lại hiệu quả.

Năm 2016, bà Phạm Thị Xem (phường 12) đầu tư nuôi ếch thịt và ếch sinh sản. Nhờ chịu khó tham quan, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật từ những người cùng chăn nuôi nên trang trại ếch của gia đình bà mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm, gia đình bà xuất bán 3-4 lứa ếch thịt, thu nhập bình quân 30 triệu đồng/lứa. Không giấu nghề, bà Xem tích cực hướng dẫn kỹ thuật nuôi ếch thịt lẫn nhân giống ếch cho 10 hội vên phụ nữ trong phường có ý định đầu tư nuôi ếch. Hơn 1 năm vừa học vừa làm cùng với bà Sen, cả 10 hội viên này đã tự nuôi ếch tại nhà và có thu nhập ổn định.

“Lúc trước kinh tế gia đình tôi rất khó khăn, nhờ được Chi hội Phụ nữ hỗ trợ vay vốn, tôi có thêm động lực để cố gắng vươn lên. Thời điểm ban đầu, tôi chỉ nuôi 400 con ếch, nay số lượng đã nhân lên 5-6 lần số con ếch ban đầu. Kinh tế gia đình tôi đi vào ổn định”, bà Xem chia sẻ.

Từ năm 2016-2021, Hội LHPN các cấp trên địa bàn tỉnh đã duy trì hiệu quả 32 mô hình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp với 162 thành viên, gây dựng, phát triển 5 HTX với 115 thành viên. Các cấp hội cũng thành lập mới 5 tổ hợp tác với 50 thành viên, nâng tổng số tổ hợp tác do phụ nữ khởi xướng lên 24 tổ với 228 thành viên. Các mô hình không chỉ giúp những hội viên phụ nữ nội trợ có thêm nguồn thu nhập, mà còn giúp các chị vươn lên trong cuộc sống, mở rộng quan hệ với cộng đồng, nâng cao kiến thức về cuộc sống-xã hội.

Bài, ảnh: MAI NGỌC

 
;
.