.

Nguy hiểm rình rập vì không khám thai định kỳ

Cập nhật: 18:39, 08/08/2022 (GMT+7)

Khám thai định kỳ (KTĐK) là việc làm quan trọng và cần thiết, giúp sản phụ nắm bắt hình hình phát triển của thai nhi cũng như sớm phát hiện, kịp thời xử lý những dấu hiệu bất thường về sức khỏe của hai mẹ con. Thế nhưng, vì những lý do và quan niệm sai trái nên một số sản phụ không KTĐK đã gặp nguy hiểm.

Các bác sĩ của Khoa Sản (Bệnh viện Vũng Tàu) đến động viên và kiểm tra sức khỏe cho sản phụ M.T.D., ở phường Thắng Nhì (TP.Vũng Tàu).
Các bác sĩ của Khoa Sản (Bệnh viện Vũng Tàu) đến động viên và kiểm tra sức khỏe cho sản phụ M.T.D., ở phường Thắng Nhì (TP.Vũng Tàu).

Mất con vì không KTĐK

Chị M.T.D., 36 tuổi, ngụ ở phường Thắng Nhì (TP.Vũng Tàu) mang thai lần thứ 3, được 36 tuần. Nhưng trong quá trình mang thai, chị không đi khám thai. Cuối tháng 7/2022, chị D. mệt mỏi, đau bụng và ra máu âm đạo nhiều nên được người nhà đưa đến Khoa Sản (Bệnh viện Vũng Tàu) để khám. Bác sĩ chẩn đoán nhau bong non, thai chết lưu trong bụng mẹ. Ngoài ra, thai phụ này còn có tiền sản giật, tăng huyết áp và nguy cơ rối loạn đông máu. Chị D. đã được mổ cấp cứu và đưa thai nhi ra ngoài kịp thời, bảo đảm an toàn cho người mẹ. “2 lần mang thai trước, tôi có đi khám 1-2 lần, cả mẹ và con đều khỏe mạnh nên tôi chủ quan, không đi khám thai ở lần mang bầu này. Chính sự chủ quan, thiếu hiểu biết về KTĐK nên đã để mất con”, chị D. buồn bã nói.

Cũng mang thai lần thứ 3, song suốt thai kỳ, chị T.T.P., 25 tuổi, ở phường 10 (TP.Vũng Tàu) chỉ đi khám thai 2 lần (tháng thứ 2 và 4) trong khi chị thuộc đối tượng nguy cơ cao. 2 lần sinh trước chị đều mổ bắt con. Thời gian mang thai của chị cũng không an toàn, con đầu và con sau cách nhau khoảng 2 năm nên có nguy cơ vỡ tử cung, đe đọa tới tính mạng của mẹ và con. Đến khi thai gần 40 tuần và có dấu hiệu sinh, chị P. mới vào Bệnh viện Vũng Tàu. Chị đã được bác sĩ Khoa Sản mổ bắt con nhanh chóng nên mẹ và bé đều khỏe mạnh. Chị P. cho hay: “Gia đình tôi còn khó khăn về kinh tế. Hơn nữa, tôi cũng chủ quan và cho rằng khi mang thai mà khỏe mạnh thì không cần đi KTĐK”.

Bác sĩ Lê Thị Nhung (Khoa Sản, Bệnh viện Vũng Tàu) khuyến cáo, đối với những thai phụ có vết mổ liên tục như chị P. thì cần phải đi KTĐK và theo chỉ định của bác sĩ. Người có 2 lần sinh mổ thì lần sinh thứ 3 cũng phải mổ lấy con và phải mổ chủ động chứ không chờ có dấu hiệu sinh con mới vào bệnh viện.

Phải đi khám thai ít nhất 3 lần/3 quý

Các bác sĩ sản khoa cho biết, hiện nay các bệnh lý thai kỳ có xu hướng diễn biến phức tạp. Tỷ lệ thai phụ mắc nhiều bệnh lý nội – ngoại khoa kết hợp hoặc có liên quan đến thai kỳ như: Thiếu máu di truyền, cường giáp, tim mạch, viêm gan siêu vi B, tiền sản giật, đái tháo đường ngày càng gia tăng. Do đó, KTĐH là việc làm quan trọng và cần thiết của mỗi thai phụ nhằm phát hiện các yếu tố nguy cơ và bệnh lý của mẹ và con để kịp thời xử lý.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, phụ nữ mang thai phải đi khám thai ít nhất 3 lần/3 quý của thai kỳ. Thai phụ đến khám tại các cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa sản, khám đầy đủ và toàn diện theo 9 bước của Bộ Y tế hướng dẫn. Theo đó, sản phụ sẽ được bác sĩ hỏi thăm, khai thác các thông tin tiền sử bệnh tật, bệnh lý; được thăm khám toàn thân, siêu âm thai, làm các loại xét nghiệm để sàng lọc nguy cư dị tật cho con, phát hiện tiểu đường thai kỳ và các bệnh lý khác; được tư vấn chích ngừa uốn ván, chế độ dinh dưỡng cũng như bổ sung các chất như sắt, can xi và vệ sinh thai nghén. Mặt khác, sản phụ duy trì KTĐK còn được bác sĩ tham vấn biện pháp sinh thường hay mổ, nên sinh ở bệnh viện tuyến nào…

Bác sĩ Trần Văn Hòa, Phó Khoa Sản (Bệnh viện Vũng Tàu) cho biết, hiện còn một bộ phận thai phụ hiểu sai về KTĐK. Họ cho rằng, khi mang thai chỉ cần siêu âm là đủ. Thực tế, siêu âm chỉ là một phần trong quy trình khám thai. Vì thế, thai phụ không đi khám thai đầy đủ và toàn diện nên không phát hiện sớm các nguy cơ trong thai kỳ. Đối với những trường hợp này, khi gặp các biến chứng thì cũng đã muộn nên dễ xảy ra nhiều chuyện đáng tiếc.

Bác sĩ Hòa phân tích thêm, sản phụ đi KTĐK sẽ sớm phát hiện ra các bệnh lý về bướu cổ, tiểu đường, gan, thận, tiền sản giật, huyết áp và các dấu hiệu về nhau tiền đạo, nhau bong non, nhau bám vết mổ cũ… Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra các biện pháp xử lý sớm và kịp thời khi sản phụ có những dấu hiệu bất thường này. Ngược lại, nếu sản phụ không đi KTĐK sẽ gây ra nhiều hậu quả liên quan đến sức khỏe mẹ và thai nhi. Nguy hiểm nhất là có những biến chứng thai kỳ nguy hiểm nhưng do phát hiện chậm trễ nên có thể gây tử vong cho mẹ và con. “Để thai kỳ an toàn và khỏe mạnh, sản phụ nên đi KTĐK theo lịch hẹn của bác sĩ và duy trì việc này cho đến ngày sinh. Khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường thì sản phụ  phải đi khám toàn diện”, bác sĩ Hòa khuyến cáo.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

Theo một nghiên cứu của các bác sĩ Khoa Sản (Bệnh viện Vũng Tàu) vào năm 2020 dựa trên tổng số sản phụ đến sinh tại bệnh viện cho thấy, tỷ lệ sản phụ có KTĐK 3 lần chiếm 72%; 8,8% sản phụ không đi khám thai lần nào; 9,2% sản phụ khám thai chỉ 1-2 lần. Trong khi đó, 96,4% sản phụ siêu âm từ 3 lần trở lên. Ngoài ra có 53,2% sản phụ có xét nghiệm sàng lọc tiểu đường thai kỳ; 42,4% sản phụ có thời gian nghỉ ngơi trước sinh.

 

 

.
.
.