Lan tỏa "giọt hồng nhân ái"
Sau 5 lần được tổ chức tại Bà Rịa-Vũng Tàu, chương trình “Hành trình đỏ-Kết nối dòng máu Việt” trở thành ngày hội của những người có tấm lòng hiến máu tình nguyện cứu người, góp phần lan tỏa giá trị nhân văn và thông điệp “giọt hồng nhân ái”.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Lễ (ngụ 383, đường 30/4, TP. Vũng Tàu) tham gia HMTN tại chương trình Hành trình đỏ năm 2022. |
Hòa cùng dòng máu Việt
Bà Nguyễn Thị Mỹ Lễ (59 tuổi, ngụ 383 đường 30/4, TP. Vũng Tàu) là gương mặt quen thuộc của phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) trên địa bàn tỉnh. Bà bắt đầu tham gia hiến máu từ lúc 45 tuổi. Một số người cho rằng ở độ tuổi này bà không nên hiến máu vì có thể ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhưng suy nghĩ của bà lại khác, bởi hiến máu không chỉ giúp người cần máu duy trì sự sống mà bản thân người cho máu cũng có lợi sức khỏe. Do vậy, bà Lễ mỗi năm đều tham gia HMTN 3-4 lần. Đến nay, bà đã có hơn 50 lần hiến máu.
“Trong người tôi và nhiều bệnh nhân cần máu đều mang dòng máu Việt. Tôi muốn chia sẻ những giọt máu của mình để họ được nối dài sự sống”, bà Lễ chia sẻ.
Không chỉ tích cực HMTN, bà còn vận động chồng và con gái cùng tham gia. Chồng bà có khoảng 40 lần hiến máu. Em Phạm Thị Xuân Mỹ (19 tuổi) con bà Lễ cũng hiến máu được 5 lần. “Em còn trẻ, có sức khỏe và hiến máu cứu người là việc nên làm”, Xuân Mỹ bày tỏ.
Tương tự, anh Châu Phúc Lộc (40 tuổi, ngụ thôn 1, xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) cũng có 30 lần HMTN. Anh cho hay, bản thân bắt đầu hiến máu từ năm 20 tuổi, lúc đó anh đi nghĩa vụ quân sự tại TP. Hồ Chí Minh. Thời gian đầu, việc HMTN không được thường xuyên. Đến năm 2014, anh xuất ngũ và trở về địa phương thì gắn bó với công tác HMTN. Anh mỗi năm hiến máu 2-4 lần.
“Một người bạn của tôi từng bị tai nạn giao thông và mất nhiều máu. Lúc đó, bệnh viện đang hết máu nên bạn của tôi phải chuyển sang cơ sở y tế khác để truyền máu. Từ đó, tôi tâm niệm mình còn khỏe phải tích cực HMTN để mang lại sự sống cho người đang cần máu”, anh Lộc nói.
Nghĩa cử cao đẹp của anh Lộc đã lan tỏa đến các thành viên trong gia đình. Đến nay, 5 người thân của anh, gồm: anh trai, em gái, em rể, vợ và chị dâu đã hiến máu tổng cộng 43 lần. Không những thế, anh Lộc hàng năm còn vận động từ 50-100 lượt người sinh sống trên địa bàn xã Long Sơn tham gia hiến máu cứu sống bệnh nhân.
Trong thời gian diễn ra chương trình Hành trình đỏ năm 2022, Bà Rịa-Vũng Tàu đã tiếp nhận được hơn 4.000 đơn vị máu. Kết quả này, vượt xa mục tiêu ban đầu của BCĐ Vận động HMTN tỉnh đưa ra. |
Chiến dịch có quy mô lớn
TS, BS Lê Hoàng Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy, Phó Trưởng Ban Tổ chức chương trình Hành trình đỏ năm 2022 cho biết, chương trình khởi xướng từ năm 2013 và kéo dài đến nay. Chương trình đã trở thành chiến dịch truyền thông, vận động và tổ chức hiến máu có quy mô lớn nhất ở Việt Nam. Đến nay, 57 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia chương trình và tiếp nhận hơn 515.000 đơn vị máu.
TS Lê Hoàng Oanh nhấn mạnh, chương trình đã mang lại nhiều dấu ấn, giá trị sâu sắc cho phong tào HMTN trong cả nước. Qua đó, khắc phục tình trạng khan hiếm máu trong điều trị người bệnh vào mỗi dịp hè. Chương trình còn góp phần nâng cao nhận thức cho hàng triệu người dân về HMTN, bệnh tan máu bẩm sinh; đào tạo và phát triển hàng ngàn tình nguyện viên vận động HMTN tại các địa phương. “Chương trình Hành trình đỏ còn giúp các trung tâm truyền máu tập dượt thành công mô hình tiếp nhận máu với số lượng lớn trong một ngày, để phòng thảm họa, thiên tai, dịch bệnh cần truyền máu với số lượng lớn”, TS Lê Hoàng Oanh nói thêm.
Riêng tại tỉnh BR-VT, năm 2022 là lần thứ 5, BCĐ Vận động HMTN tỉnh tổ chức chương trình Hành trình đỏ. Chương trình diễn ra từ 2/6 đến 28/7. Trong đó, ngày chính chương trình diễn ra vào 26/7, đã có hơn 800 người tham gia HMTN và tiếp nhận 648 đơn vị máu.
Ông Lê Văn Hậu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Phó Trưởng BCĐ Vận động HMTN tỉnh đánh giá, phong trào HMTN của tỉnh trong những năm qua đã đáp ứng nhu cầu máu trong điều trị và cấp cứu bệnh nhân trong tỉnh cũng như các bệnh viện trong khu vực Đông Nam bộ và Bệnh viện Chợ Rẫy. HMTN thể hiện truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam, đồng thời là việc làm có ý nghĩa hết sức cao đẹp “máu kết nối tất cả chúng ta”. Người hiến máu cũng được xã hội tôn vinh.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM