Khi bố mẹ "can thiệp" quá sâu...
Trước hết, tôi tán thành với suy nghĩ này: Một khi con cái đã “yên bề gia thất”, thì sự “vận hành” của mái ấm đó thuộc về “chúng nó”. Dù mình có là đấng sinh thành đi nữa thì có những trường hợp không can thiệp vào. Vì rằng, từ khi con mình đã có đôi có lứa thì mọi sinh hoạt đã diễn ra theo “quy trình” khác, chứ không còn như thuở độc thân, còn ở chung với bố mẹ. Có như thế, con mình mới từng bước trưởng thành.
Minh họa: MINH SƠN |
Thế nhưng nhiều bậc phụ huynh bức xúc rằng, con cái mình, mình đẻ ra, nuôi nấng trưởng thành nhưng khi chúng đã trưởng thành, đã lập gia đình thì mình vẫn có quyền can thiệp vào cuộc sống của con. Thật ra trong mái ấm đó, ngoài con mình thì “một nửa” của nó cũng có quyền ngang ngửa. Do suy nghĩ chủ quan của các bậc phụ huynh không khéo lại tạo ra “mâu thuẫn nội bộ” không cần thiết.
Bạn bè ngạc nhiên khi hay tin vợ chồng N lục đục, khó có thể dàn hòa. Rằng, sau khi cần kiệm làm ăn, dành dụm được một số vốn kha khá, họ quyết định mở xưởng may tại nhà. Vừa có thời gian trông con, vừa làm chủ tài chánh, không phải nhận đồng lương bọt bèo như trước. Từ ngày làm chủ, công việc của họ tiến triển thuận lợi. Hàng tháng, mọi thu chi không chỉ đủ trả lương công nhân mà còn thừa chút ít gửi ngân hàng. Cả hai hào hứng lắm.
Vậy, sao nay lại có chuyện?
Tâm sự với với bạn bè, N thở dài: “Nếu bà nội của bé nhóc không vào thăm cháu thì đâu đến nỗi”. Ngạc nhiên ghê. Nhớ cháu, bà vào thăm là lẽ thường tình, lại thêm vui nhà vui cửa, cớ sao lại than phiền? Nghe mọi người hỏi, mãi lát sau N mới kể, những ngày ở chung, bà cứ nhắc đi nhắc lại: “Ngoài mình thời buổi này, tìm việc khó khăn lắm, mấy đứa em của con lại đang thất nghiệp, vợ chồng con nhận chúng vào làm thì mẹ mãn nguyện”. Ban đầu, chồng N không đồng ý bởi lẽ mọi việc đã đâu vào đó, hơn nữa, mấy đứa em có nghề ngỗng gì đâu? Bà “phản biện”: “Dễ thôi, ban đầu cứ cho chúng học nghề hoặc sai vặt gì đó cũng được. Anh em ở chung nhà, càng tốt chứ sao?”.
Khổ nỗi, nhân công đã đủ, thêm một người là thêm một đầu lương. Mà công việc chỉ có thế, khó có thể kiếm thêm nguồn thu nào khác. Vậy lấy đâu ra tiền chi trả? Thế nhưng bà cụ ứ chịu. Nhùng nhằng mãi, cuối cùng chồng N đành chấp nhận. Dần dần sự phiền toái từ đó mà nảy sinh. Với người ngoài, nếu lơ là công việc, đi muộn về sớm, không chấp hành quy định chung là bị nhắc nhở, phê bình, còn đây em ruột mình thì khó xử quá đi mất. Rồi cơm nước hàng ngày, chỗ ngủ nghỉ thế nào?
Đâu có đơn giản.
Có những chuyện lục đục, nếu không kể ra, người ngoài khó có thể thấu hiểu. Từ ngoài miền Trung, cô bạn cùng quê với tôi vào Sài Gòn lập nghiệp, Do giỏi giang nên dần dà cô cũng mua trả góp được căn hộ chung cư. Cô đưa mẹ vào ở chung. Con đi làm, mẹ ở nhà cơm nước, đêm đêm hai mẹ con hú hí cùng nhau. Còn gì hạnh phúc bằng? Ban đầu ai cũng thừa nhận, nhưng rồi, sau đó lại thấy khó.
Khó ở chỗ, cô có bạn trai, thỉnh thoảng cũng đến nhà chơi nhưng nhìn “con rể” tương lai, bà mẹ lại không mấy thiện cảm. Theo bà, cả hai không hợp tuổi tác, nếu “tiến tới” khó có thể chung sống lâu dài. Mọi lời cằn nhằn của mẹ, cô đều bỏ ngoài tai. Thế là, bà cụ đổi “chiến thuật” bằng cách, mỗi lần bạn trai của con đến chơi là bà bỏ ra khỏi nhà.
Thế đấy, dù ở chung nhưng các bậc phụ huynh khó có thể hiểu hết nội tình của con cái. Vì vậy, họ đâm ra bực bội. Mà không bực sao được? Hễ đi làm thì thôi, chứ về đến nhà là anh bạn tôi lại trở thành osin theo nghĩa đen. Từ chuyện cơm nước bếp núc, chuyện vặt vãnh linh tinh là hắn “ra tay”, đố thấy cô vợ nhúng tay vào. Kể cả việc hắn ta phải dậy sớm làm thức ăn sáng cho cả nhà, ông bố ngứa mắt lắm: “Cưng vợ như thế, có ngày nó ngồi lên đầu”, lại cằn nhằn.
Đối với ông, những chuyện này quá sức quái dị. Ai là chủ trong cái nhà này? Vợ hay chồng? Cô con dâu à? “Đàn ông, đàn ang như thế là kém cỏi lắm”, ông bố nhiều lần nhắc nhở cậu con trai yêu quý phải mạnh mẽ lên, cứng cỏi lên, chớ để bị vợ “ăn hiếp”. Thiên hạ cười vào mũi đấy. Ông không biết, ở nhà này vợ chồng con cái đã thỏa thuận, phân công nhau, vậy hà cớ gì mình phải có ý kiến này nọ? Chính vì ý kiến của mình không được con nghe theo nên mới sinh chuyện.
Đến lúc các con nó “cơm không lành, canh không ngọt”, tội nghiệp ai?
LÊ MINH QUỐC