HÀNH TRÌNH CHẤM DỨT DỊCH BỆNH AIDS TRƯỚC NĂM 2030 - Kỳ 2: Thách thức lớn mới phát sinh
Nếu như trước đây, tình trạng nhiễm HIV chủ yếu lây qua tiêm chích ma túy thì nay chủ yếu lây qua đường tình dục. Đặc biệt, số ca nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa và tăng nhanh ở đối tượng quan hệ đồng giới nam (MSM). Đây thực sự đang là một thách thức lớn cho nỗ lực kiểm soát HIV/AIDS.
Khách hàng được tư vấn xét nghiệm HIV tại Trung tâm Y tế TX. Phú Mỹ. |
Lây nhiễm mạnh trong các nhóm MSM
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, ước tính trên cả nước, nhóm MSM hiện có khoảng 300.000 người, song con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Tỷ lệ nhiễm HIV tăng rất nhanh ở nhóm này, từ năm 2012 đến 2020 tăng từ 2,3% lên 13,3%. Kết quả khảo sát của Cục Phòng chống HIV/AIDS trong MSM cho thấy, 8%-11% người được khảo sát cho biết từng quan hệ tình dục tập thể. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM khác nhau ở các tỉnh, thành phố, tập trung ở khu vực đô thị, tỉnh, thành phố lớn, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng Sông Cửu Long.
Ths.BS Cao Kim Thoa, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS chia sẻ, trong những năm gần đây, người mắc HIV/AIDS đang có xu hướng trẻ hóa và tăng nhanh ở nhóm MSM. Phân tích trong số mới phát hiện nhiễm HIV là nam quan hệ tình dục đồng giới cho thấy có công nhân trong các khu công nghiệp và sinh viên các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.
Ước tính đến cuối năm 2021, số ca nhiễm HIV toàn quốc là 230.000 người. Tỷ lệ phát hiện trong nhóm nam cao hơn rất nhiều so với nữ. Đường lây chủ yếu là qua quan hệ tình dục không an toàn, trở thành đường lây chính. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM có xu hướng tăng rất nhanh trong những năm gần đây (từ 3,9 % năm 2011, lên 5,1% năm 2015 và 13,3% năm 2020).
BS. Nguyễn Duy Minh, Phụ trách Khoa HIV/AIDS, CDC tỉnh cũng cho biết nhóm MSM đang trở thành nguồn lây nhiễm HIV chính tại BR-VT. Đáng lo ngại hơn, mặc dù biết tình trạng nhiễm HIV của mình, nhưng nhiều người không thông báo cho bạn tình và không sử dụng các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục. Đây là lý do làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV ở MSM. Thống kê cho thấy tỷ lệ lây truyền HIV qua đường tình dục ở BR-VT chiếm 80% số ca mắc.
Cùng với cấp thuốc ARV cho người nhiễm HIV, các đơn vị điều trị người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh cung cấp bao cao su và chất bôi trơn, giúp giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh. |
Phần nổi của tảng băng trôi
Theo những người làm công tác phòng chống HIV/AIDS, việc phát hiện số ca lây nhiễm HIV tăng cao trong nhóm MSM là do nhóm này ẩn kín, rất khó tiếp cận. Số nhiễm HIV cũng như người có nguy cơ được quản lý, phát hiện có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi”, nhất là trong bối cảnh đối tượng nhiễm mới HIV trong nhóm MSM đang tăng nhanh và phức tạp.
Tại Trung tâm Y tế TX. Phú Mỹ, bác sĩ Đặng Văn Ngọc, cán bộ chuyên trách về HIV của Trung tâm cho hay, tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM ở Phú Mỹ đang tăng cao. Người nhiễm HIV có đủ thành phần: HS THPT, học viên học nghề, kỹ sư, hướng dẫn viên, nông dân, công nhân… Đáng lưu ý khi có cả những trẻ mới 14 tuổi đã nhiễm HIV trong nhóm MSM. Thế nhưng, rào cản rất lớn cho việc truyền thông về phòng, chống HIV cho trẻ là chỉ được phép khi có người giám hộ. Trong khi thực tế thì các trẻ nhiễm HIV đều giấu gia đình.
Tính đến 30/6/2022, số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh là 5.285 người, đã có 2.114 trường hợp nhiễm HIV tử vong. 82/82 xã, phường, thị trấn tại BR-VT đều đã có người nhiễm HIV. Tỷ lệ người nhiễm HIV là nam giới (66,5%), nữ giới (33,5%); 65% người nhiễm HIV ở độ tuổi 15-34. Trong những năm gần đây nhóm tuổi từ 15-24 có xu hướng tăng (từ 5,1% năm 2014 lên 25,1% năm 2021).
|
Anh Trần Hải Trân, thành viên nhóm Bình Minh (16 Mạc Đĩnh Chi, phường 4, TP. Vũng Tàu) hiện đang tiếp cận hỗ trợ cho các đối tượng cộng đồng dễ bị tổn thương như MSM tư vấn, xét nghiệm HIV… chia sẻ, hàng trăm trường hợp mà nhóm tiếp cận, được tư vấn đưa vào điều trị đều trải qua những ngày tháng suy kiệt, rối trí và sợ hãi. Có không ít ca mới đưa vào điều trị ARV đã bị sốc tâm lý, chỉ muốn kết thúc cuộc sống.
“Mỗi một khách hàng được tiếp cận để tư vấn, giới thiệu, đưa vào điều trị dự phòng trước phơi nhiễm hoặc điều trị ARV là mỗi mảnh đời nhiều uẩn khúc. Để tiếp cận cộng đồng MSM, vai trò của nhóm cộng đồng, đồng đẳng viên rất quan trọng trong việc điều phối và hỗ trợ các hoạt động giảm kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến nhạy cảm giới ở nhóm nguy cơ cao. Các thành viên gia nhập các mạng xã hội Blued, Facebook, Tiktok, Instagram… để “săn” các đối tượng nguy cơ cao. Như “mưa dầm thấm lâu”, họ lân la nhắn tin làm quen, nói chuyện. Khi đã tạo ra niềm tin, các đồng đẳng viên mới mạnh dạn tư vấn…”, anh Trần Hải Trân cho biết thêm.
Hiện nay nhóm MSM ảnh hưởng lớn nhất vào sự gia tăng dịch HIV/AIDS tại Việt Nam. Tiếp cận nhóm này khó hơn các nhóm khác nếu không có sự tham gia tích cực của các nhóm CBO (tổ chức dựa vào cộng đồng) mà thành viên cốt cán là các đồng đẳng MSM. Theo đó, nhóm CBO có lợi thế là sự đồng cảm, chia sẻ về tâm tư tình cảm và dễ dàng có tiếng nói chung trong cuộc sống. Vì vậy, các nhóm CBO là cánh tay nối dài của các cơ sở y tế để tiếp cận, kết nối các khách hàng đến tư vấn xét nghiệm, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm, điều trị HIV/AIDS cũng như điều trị đồng nhiễm khác.
ThS. BS. Cao Kim Thoa, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS
|
Bài, ảnh: HUYỀN TRANG
(Còn nữa)