.

Điểm tựa để người khiếm thị vươn lên

Cập nhật: 20:00, 01/08/2022 (GMT+7)

Do khiếm khuyết về cơ thể, đa số người mù và người khiếm thị luôn mặc cảm, tự ti về bản thân. Họ thường sống khép mình và ngại tiếp xúc với mọi người, nên cuộc sống đã khó khăn lại thêm phần gian nan. Vì vậy, những năm qua, Hội Người mù (HNM) tỉnh đã luôn đồng hành, là chỗ dựa tinh thần cho hội viên toàn tỉnh vươn lên trong cuộc sống.

Anh Hồ Hữu Minh (xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) là hội viên Hội Người mù có công ăn việc làm nhờ học nghề xoa bóp, bấm huyệt.
Anh Hồ Hữu Minh (xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) là hội viên Hội Người mù có công ăn việc làm nhờ học nghề xoa bóp, bấm huyệt.

Những hoạt động thiết thực

Cách đây 7 năm, anh Vũ Văn Tú (SN 1989) và chị Bùi Thị Giang (SN 1989, cùng ngụ tại Kiot số 12, Phạm Ngọc Thạch, phường 12, TP. Vũng Tàu) nên duyên vợ chồng sau khi gặp nhau tại Trung tâm Đào tạo phục hồi chức năng của HNM Việt Nam. Vượt qua mặc cảm của những con người không nhìn thấy ánh sáng, họ đã đến với nhau bằng tình yêu thương, sự chân thành và sự vun vén, động viên của Hội cùng những người đồng cảnh. 

Hội hỗ trợ cho vợ chồng anh Tú đi học nghề 1 năm và vốn vay ưu đãi, vợ chồng anh đã mở cơ sở xoa bóp, bấm huyệt tại TP. Vũng Tàu. Cơ sở của anh Tú đã hoạt động hơn 7 năm. Hiện nay, mỗi ngày cơ sở phục vụ 8-9 lượt khách. Bằng ý chí vươn lên và sự giúp đỡ, động viên của các cấp hội, anh chị Tú - Giang đã có cuộc sống ổn định hơn và nuôi dạy con cái khỏe mạnh, ăn học đầy đủ.

Còn anh Nguyễn Tấn Hưng (2145C, tổ 8, KP. 4, phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa) thì xúc động bày tỏ: “Trân trọng lắm, đáng quý lắm! Chúng tôi luôn được Hội giúp đỡ về mọi mặt, từ dạy nghề, cho việc làm, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, rèn dũa ý chí vươn lên đến xây dựng gia đình. Nếu không có HNM tỉnh, vợ chồng chúng tôi đã không có cơ hội đến với nhau, cũng chẳng bao giờ có được cuộc sống như ngày hôm nay”.

Anh Hưng cũng “bật mí”, sau khi được Hội hỗ trợ học nghề và được tạo việc hơn 10 năm trước, hiện anh Hưng đã có 3 cơ sở, gồm: tẩm quất, làm nhang và xâu hạt cườm. Các cơ sở của anh giải quyết việc làm cho 9 người cùng cảnh ngộ. Khách đến ủng hộ khá đông nên đủ việc làm,  bảo đảm thu nhập cho gia đình và nhân viên.

Cũng như anh Hưng, anh Hồ Hữu Minh (xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) là hội viên HNM có công ăn việc làm ổn định nhờ học nghề xoa bóp, bấm huyệt mà Hội giới thiệu, hỗ trợ đi học gần 1 năm. 

Tương tự, ông Trần Văn Thìn (SN 1967, KP. Thanh Tân, huyện Đất Đỏ) cũng đã chứng minh cho mọi người thấy quyết tâm, nghị lực của mình khi có được điểm tựa tốt. Bị mù lòa nhiều năm nhưng ông đã không ngừng học hỏi, cố gắng để không trở thành gánh nặng cho vợ con. Ngược lại, ông trở thành điểm tựa đáng tin cậy trong gia đình. Sau khi học nghề ở HNM  tỉnh, ông đã mở cơ sở làm bàn chải chà sàn nước hơn 5 năm nay. Cuối tuần, ông còn làm thêm nghề tẩm quất cho khách. Ông Thìn bộc bạch: “Vượt qua số phận thiệt thòi, nhờ sự hỗ trợ của Hội cũng như lao động mà cuộc sống gia đình tôi dần ổn định hơn, con cái được học hành tử tế”.

“Mặc dù khiếm khuyết đôi mắt, điều kiện sinh sống, lao động gặp nhiều trở ngại, song bằng khát vọng và ý chí mạnh mẽ, những người khiếm thị vẫn cố gắng vươn lên, tự tin hòa nhập xã hội. Từ chỗ người mù không được học nghề, không có đồng vốn trong tay, sống hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình, hội đã giúp mở các lớp hướng dẫn cách làm nhang, xâu hạt cườm, xoa bóp bấm huyệt… Cùng với đó, Hội còn là cầu nối để đưa đồng vốn hỗ trợ hội viên làm ăn, giúp các hội viên được ổn định về vật chất lẫn tinh thần”.
Bà Trần Thị Đoan Trang, Chủ tịch HNM tỉnh

 

Làm tốt vai trò “cầu nối”

HNM tỉnh hiện có 6 tổ chức Hội cấp huyện; 443 hội viên và 30 trẻ em bị mù. Hội thường xuyên kêu gọi các tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ ủng hộ kinh phí, vật chất chăm lo đời sống cho người mù. Trong 6 tháng đầu năm, các dịp lễ, Tết, Hội đã hỗ trợ hàng trăm suất quà cho các hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, Hội đã xin hỗ trợ chi phí sửa chữa được 5 căn nhà hư hỏng cho hội viên và mở 1 lớp học cách sử dụng điện thoại thông minh. Ngoài ra, Ban Công tác phụ nữ và trẻ em mù đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ hàng tháng cho 14 hội viên nữ cao tuổi, già yếu, neo đơn không nơi nương tựa mỗi người số tiền 300.000 đồng/tháng.

Song song với chăm lo đời sống vật chất, đời sống tinh thần của hội viên cũng được các cấp HNM đặc biệt quan tâm. Hằng năm, Hội tổ chức và vận động, tạo điều kiện cho hội viên tham gia các phong trào, cuộc thi, chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao nhân các dịp lễ, Tết... Đồng thời, tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời đối với những hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Bài, ảnh: THÙY HƯƠNG 

 
.
.
.