.

Lộ trình học phí mà Bộ GD-ĐT đề xuất có nhiều nội dung chưa phù hợp

Cập nhật: 20:20, 18/07/2022 (GMT+7)

Đó là quan điểm của bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc sở GD-ĐT về lộ trình học phí và chính sách miễn học phí đối với HS THCS do Bộ GD-ĐT vừa đề xuất để lấy ý kiến.

Theo bà Trần Thị Ngọc Châu, chủ trương không tăng học phí năm học 2022-2023 theo đề xuất của Bộ là phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 kéo dài. Tuy nhiên, khung học phí năm học 2022-2023 đã được quy định tại mục a, khoản 2, Điều 9 của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP có mức sàn vẫn cao hơn mức thu học phí năm học 2021-2022 mà các tỉnh đã ban hành. Do đó, phương án của Bộ GD-ĐT đưa ra: “HĐND cấp tỉnh quyết định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể đối với cơ sở giáo dục MN, phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên bằng mức học phí do HĐND cấp tỉnh đã ban hành năm học 2021-2022” là chưa đúng với quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất: “Đối với các địa phương đã ban hành mức thu học phí năm học 2022-2023 mà mức thu học phí cao hơn so với năm học 2021-2022, HĐND cấp tỉnh giao UBND trình HĐND cấp tỉnh cho phép tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với năm học 2021-2022 đến hết năm học 2022-2023”. Về nội dung này, bà Châu cho biết, theo quy định tại khoản 2 Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với năm học 2021-2022 đã hết hiệu lực. Do đó, phương án mà Bộ GD-ĐT đưa ra khó có thể thực hiện được.

Bà Trần Thị Ngọc Châu đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu, xem xét, hướng dẫn cụ thể để địa phương có thể xây dựng nghị quyết hỗ trợ học phí cho HS nhằm giảm gánh nặng cho phụ huynh nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đúng Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và không trái với quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

HOÀNG DƯƠNG

 
.
.
.