KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ (27/7)

Những nữ cựu tù kiên trung

Thứ Ba, 12/07/2022, 17:39 [GMT+7]
In bài này
.

Sinh ra trong thời chiến, những chàng trai cô gái gác lại tuổi thanh xuân hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc. Bị địch bắt, tù đày, chịu nhiều đòn roi tra tấn dã man, họ vẫn một lòng kiên trung với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, bảo vệ an toàn tổ chức cơ sở Đảng. Hòa bình lập lại, trở về quê hương họ mang trên mình nhiều thương tật nhưng vẫn một lòng cống hiến, miệt mài làm việc quên mình, trở thành tấm gương sáng, nhân chứng sống cho thế hệ trẻ noi theo.

Bà Trương Thị Cửu (bên trái - TT.Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ) cùng các chị em chia sẻ những câu chuyện thời chiến.
Bà Trương Thị Cửu (bên trái - TT.Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ) cùng các chị em chia sẻ những câu chuyện thời chiến.

Thà chết chứ kiên quyết không đầu hàng

Đến ấp Phước Hiệp, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, những ngày này, những cơn sóng lớn theo hướng gió thổi từng đợt vỗ ào ạt vào bờ. Trong căn nhà nhỏ hướng ra biển, bà Nguyễn Thị Kỉnh (SN 1954) chăm chú dọn dẹp nhà cửa, lau chùi từng góc bàn, ghế. Vóc người mảnh khảnh, khuôn mặt thanh thoát lưu giữ vẻ đẹp của tuổi thanh xuân. Nhìn bà Kỉnh, ít ai nghĩ bà từng bị địch bắt và phải chịu những đòn roi tra tấn của kẻ thù. Ánh mắt toát lên sự kiên định và tự hào, bà Kỉnh bắt đầu câu chuyện về những tháng ngày khốc liệt của chiến tranh, với sự góp sức mà bà cho là nhỏ nhoi của mình.

Thời chiến, sự khốc liệt của chiến tranh đã rèn cho một thiếu nữ 15-16 tuổi sự chững chạc, gan dạ như những người trưởng thành. Chiến trường Bình Sơn-Quảng Ngãi những năm 1970 là một trận địa nóng bỏng, nơi đây địch thường xuyên tổ chức càn quét, dồn dân lập ấp chiến lược. Ba bà bị địch giết hại. Lúc này, dù mới 15 tuổi, vóc người nhỏ bé nên khi bị dồn vào ấp chiến lược, bà Kỉnh len qua hàng rào ra ngoài kết nối với các chiến sĩ cách mạng để truyền tin tức, rải truyền đơn, truyền lựu đạn. Bà kể: “Thời đó chỉ muốn lớn thật nhanh, chỉ có lớn lên thì mới theo cách mạng để trả thù cho ba. Theo cách mạng mới đuổi được Đế quốc Mỹ xâm lược”.

Năm 1972, một lần bà mang thư từ vùng địch kiểm soát ra ngoài thì bị địch bắt, nhốt tại nhà lao Quảng Ngãi. “Tụi nó tra tấn, đánh đập tơi bời. Dùng dùi cui đánh tả tơi, dụ chiêu hàng, dọa giết cả gia đình nhưng mình theo cách mạng, thà chết chứ kiên quyết không nhận tội, không khai. Tôi khai là đi chơi, không biết cộng sản là gì. Tụi nó càng đánh”, bà Kỉnh kể cho chúng tôi nghe với chất giọng hào sảng.

Nhấp ngụm trà, bà Kỉnh nói tiếp: “Địch mà, chúng nó là chính trị dụ, chỉ có cách mạng mới là chính trị chân chính. Bắt tôi vô chúng nó không moi được gì, lại còn đau đầu vì bị các chị, các cô biểu tình, đả đảo đòi thả vì tôi còn quá nhỏ”.

Đến tháng 7/1972, không tìm được lý do để tiếp tục giam giữ, quân địch thả bà về. Sẵn lòng thù hận, ý thức được nỗi nhục của thân phận một người dân mất nước, bà tiếp tục tham gia du kích. Năm 1973, đội du kích phối hợp với đơn vị 31 huyện Bình Sơn vào tận núi Đình, núi Luỹ-Sơn Trà, Bình Đông, Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đánh địch. Trong trận đánh này, bà cùng 2 đồng đội không may trúng đạn cối và bị thương, được đưa đi điều trị ở trạm xá xã Bình Khương-Bình Sơn. Đến tháng 8, khi các vết thương đã bình phục, bà trở về tiếp tục công tác tại bưu điện huyện Bình Sơn. Năm 1975, khi đất nước hoàn toàn giải phóng, bà Kỉnh trở về công tác tại UBND huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đến năm 1977, bà được giám định 37% thương tật và được chế độ hưởng thương binh từ đó đến nay.

Năm 1990, bà rời quê hương vào huyện Long Điền và năng nổ tham gia phong trào phụ nữ, là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp Tân An (nay là ấp Phước Hiệp). Đến năm 2019, do tuổi cao sức yếu, bà rời chi hội, trở thành hậu phương vững chắc cho các chị em.

Nhân chứng sống cho thế hệ trẻ noi theo

Còn bà Trương Thị Cửu (SN 1950, KP.Thanh Tân, TT.Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ) có anh và em trai đều là liệt sĩ, chồng bà là bệnh binh mất sức lao động. Bản thân bà Cửu là thương binh 4/4. Kể cho chúng tôi nghe bằng chất giọng hài hước nhưng đôi lúc, bà xúc động, mắt rơm rớm vì nhớ lại thời gian đau thương, mất mát trước đây. Từ những năm 1966, bà Cửu đã tham gia cách mạng, là đội trưởng đội trinh sát mật của Tiểu đoàn 445 đóng quân trên địa bàn huyện Long Đất (nay là TT.Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ). Hằng ngày, bà cùng đồng đội tìm hiểu những nơi quân địch thường xuyên tụ họp để đặt kíp nổ, ném lựu đạn, đặt kíp trên đường xe jeep quân địch thường qua. Đến năm 1973, trong một lần gửi thư đi, bị chỉ điểm, bà bị địch bắt, nhốt tại trại giam Đất Đỏ.

“Nó điều tra không được, tôi bảo, giờ mấy ông có bỏ tù tôi chứ tôi không làm gì thì có gì mà khai. Tôi không nhận thư đó là của mình. Làm cách mạng, ngay cả với cha mẹ mình nhiều khi cũng không nói thật được. Đến chừng lộ rồi, bị bắt thì chịu thôi. Địch chiêu hàng, mình không chịu, nó gí điện, đánh đập dữ lắm”, bà Cửu rớm nước mắt tự hào nói.

“Giờ bà đã già yếu, chỉ mong có nhiều cơ hội gặp lại đồng đội, ôn kỷ niệm cũ. Nghĩ tới những năm tháng hào hùng của tuổi trẻ, được cống hiến hết mình cho Tổ quốc là bà lại xúc động. Nếu lựa chọn lại bà vẫn sẽ chọn làm một người lính, đứng vào hàng ngũ cách mạng, chiến đấu hết mình bảo vệ quê hương”, bà Cửu tự hào nói.

Thời điểm bị bắt, bà Cửu bị địch liệt vào thành phần “cứng đầu, cứng cổ” và chuyển giam ở nhiều trại giam. Ở nơi bị giam giữ, bà cùng các chị em kiên quyết chống cự, bảo nhau: “Tù đày là địa ngục thứ 10, mình có chết thì cũng mát ruột, chứ anh Nguyễn Văn Trỗi khi ra pháp trường, anh cũng không sợ chết, chị Võ Thị Sáu vẫn hiên ngang đến cùng. Mình cứ tâm niệm, cầm cự chờ ngày giải phóng”.

Đến năm 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng, bà được thả, bà về làm trưởng ấp Phước Trung (nay là KP.Phước Trung, TT. Đất Đỏ). Năm 1985, bà công tác tại Hội LHPN huyện Long Đất, đến tháng 12/2003 tách huyện, bà giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN huyện Đất Đỏ. Năm 2005 về hưu,  bà chuyển sang làm công tác xã hội, với chức vụ Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin và Bảo trợ xã hội huyện Đất Đỏ đến nay.

Những ngày họp mặt, cùng chị em nhớ lại ngày tháng gian khổ, bà tự hào nói: “Còn sức lực là còn cống hiến, phải noi gương, phải cho thế hệ trẻ biết được để có hòa bình đã đánh đổi mồ hôi, máu và nước mắt của cả dân tộc. Để các cháu yêu quê hương, quý trọng hòa bình mà sống tốt, làm nhiều điều có ích cho xã hội, đưa đất nước ngày càng đi lên sánh vai với các cường quốc”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thao, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin và Bảo trợ xã hội tỉnh nhận xét: “Dù mang trên mình nhiều thương tật nhưng bà Cửu hay những nữ CCB đã sống và cống hiến, đánh đổi tất cả để bảo vệ quê hương. Trong công việc hay cuộc sống, các nữ CCB luôn chăm chỉ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở thành tấm gương sáng, bằng chứng sống cho thế hệ trẻ noi theo”.

Bài, ảnh: MAI NGỌC

;
.