Cậu học trò nghèo và hành động đẹp

Thứ Tư, 27/07/2022, 18:48 [GMT+7]
In bài này
.

Câu chuyện nhỏ về cậu học trò nghèo nhặt được của rơi, trả lại người mất đã khiến không ít người xúc động…

Em Trình Quốc Sách trả lại chiếc ví nhặt được cho người đánh mất. Ảnh: KHÁNH CHI
Em Trình Quốc Sách trả lại chiếc ví nhặt được cho người đánh mất. Ảnh: KHÁNH CHI

Khoảng 7 giờ 30 phút ngày 25/7, em Trình Quốc Sách (sinh năm 2006) hiện là HS lớp 10A5, Trường THPT Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc) chở bà nội đi trên đường thì nhìn thấy chiếc ví da màu nâu bên lề đường. Sách dừng xe, nhặt lên kiểm tra và thấy trong ví có một số giấy tờ cùng 2 triệu đồng tiền mặt. Không do dự, Sách cùng bà nội lên trụ sở Công an TT. Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc) bàn giao chiếc ví với mong muốn trả lại cho người đánh mất.

Chỉ khoảng 1 giờ sau, Công an TT. Phước Bửu đã liên hệ được với chủ nhân chiếc ví, là anh Nguyễn Chí Thành (trú tại ấp Nhân Trung, xã Xuyên Mộc). Anh Thành  cùng đại diện công an, Đoàn Thanh niên thị trấn, đại diện nhà trường tìm tới tận nhà để cảm ơn em Sách.

Anh Nguyễn Chí Thành cho hay, khoảng 7 giờ sáng hôm đó, anh không may đánh rơi ví khi đang chạy xe trên đường. Trong ví, dù tiền mặt không nhiều nhưng có một số giấy tờ tùy thân quan trọng. Do đó, khi phát hiện, anh Thành đã quay lại đoạn đường đã đi qua để tìm kiếm nhưng không thấy. May mắn là không lâu sau đó, anh đã được Công an thị trấn liên hệ để nhận lại tài sản. “Tôi cảm thấy rất vui, không phải chỉ vì tìm lại được tài sản bị mất, mà còn vì hành động rất đẹp của một em HS nhỏ tuổi, lại có hoàn cảnh gia đình hết sức đặc biệt”.

Trình Quốc Sách và ba của em hiện đang sống cùng bà nội. Ba mẹ Sách ly hôn từ khi Sách mới được 5 tháng tuổi. Từ đó tới nay, em không nhận được bất cứ sự quan tâm nào từ mẹ. Ba Sách bị chấn thương sọ não, gãy xương đùi phải do tai nạn giao thông năm 1997. Hậu quả của vụ tai nạn là gần 30 năm qua, ba Sách bị bệnh tâm thần, nhận thức không được như bình thường, lúc nhớ lúc quên, chân phải mang xương giả bằng inox, đi lại khó khăn, không đủ khả năng lao động nên chỉ quanh quẩn ở nhà. Bà nội em năm nay đã 80 tuổi. Cả gia đình 3 người chủ yếu sống nhờ vào chế độ người có công với cách mạng của bà nội. Hàng tháng, chú ruột của Sách phải hỗ trợ thêm gạo, cô ruột của em hỗ trợ thêm chi phí sinh hoạt hàng tháng nhưng không nhiều.

Hoàn cảnh khó khăn là vậy, nhưng khi nhặt được của rơi, điều đầu tiên Sách nghĩ tới là trả lại cho người đánh mất. Gia đình Sách cũng từ chối nhận quà cảm ơn của chủ nhân chiếc ví. “Em nghĩ rằng nhặt được của rơi, trả lại người đánh mất là điều hiển nhiên mình nên làm. Đây là điều ngay từ nhỏ em đã học được từ gia đình, thầy cô và bạn bè”, Sách khiêm nhường nói.

Thầy Lê Hải Nam, Bí thư Đoàn Trường THPT Xuyên Mộc cho biết, việc làm của Sách dù chỉ là một hành động nhỏ nhưng rất đẹp, thể hiện sự ngay thẳng, trung thực. Và hành động đó càng trở nên ý nghĩa hơn khi được xuất phát từ một HS có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn như Sách. Nhà trường mong muốn câu chuyện ý nghĩa này sẽ lan tỏa như một bài học về đạo đức, lối sống cho các em HS, giúp cho những điều tốt đẹp được “ươm mầm” và nhân rộng trong cuộc sống.

THIÊN LÝ, KHÁNH CHI

 
;
.