Bệnh nhân SXH tăng cao, bệnh viện quá tải
Từ đầu tháng 6 trở lại đây, bệnh nhân (BN) sốt xuất huyết (SXH) nhập viện gia tăng đột biến. Cùng với đó, tỷ lệ ca chuyển nặng khá nhiều, các cơ sở y tế rơi vào tình trạng quá tải.
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe bệnh nhân tại phòng ICU, Khoa Nhi, Bệnh viện Vũng Tàu. |
Khoảng 10-15% ca nặng
Bé P.H.T.A., 6 tuổi, ở 75/33/9 Trần Xuân Độ (TP.Vũng Tàu) điều trị SXH tại Khoa Nhi (BV Vũng Tàu) hơn 1 tuần nay. Bác sĩ chẩn đoán bé bị sốc SXH. Khi điều trị bệnh ổn định được 1 ngày, bé tiếp tục tái sốc lần thứ 2 và phải chuyển vào phòng hồi sức cấp cứu (ICU) của Khoa Nhi để điều trị và chăm sóc tích cực. Lúc này, bé vẫn còn sốt cao, ói và đau bụng liên tục, chân tay lạnh, mạch nhanh nhẹ, huyết áp kẹp. Bác sĩ đã nhanh chóng truyền dịch chống sốc, cho bé A., thở máy không xâm lấn và đặt ống thông vào tĩnh mạch trung tâm. Nhờ được cấp cứu tích cực và kịp thời của đội ngũ y bác sĩ ở ICU nên đến nay sức khỏe của bé A., đã ổn định. Theo bác sĩ, trường hợp này còn béo phì nên trở thành yếu tố thúc đẩy bệnh trở nặng nhanh hơn.
KHÔNG NÊN TỰ MUA THUỐC
Thời gian gần đây, Khoa Nội có tiếp nhận 2 BN SXH nặng, gây tổn thương và suy đa cơ quan. Đây là 2 trường hợp ở độ tuổi thanh niên. Khi mới nhiễm bệnh cả hai đều tự mua thuốc về nhà uống. Khi vào viện, 2 ca bệnh này đều trong tình trạng không đi lại được, choáng váng, huyết áp không đo được. Chưa đến 1 ngày điều trị, 2 BN này có diễn biến bệnh không thuận lợi, Khoa Nội đã hội chẩn với các bệnh viện tuyến trên và cho chuyển tuyến điều trị. Khi có dấu hiệu sốt cao, người bệnh cần đến các cơ sở y tế uy tín và có bác sĩ để được làm xét nghiệm và theo dõi bệnh, tuyệt đối không được tự mua thuốc về nhà uống, bởi không đúng thuốc sẽ khiến bệnh trở nặng nhanh hơn.
(Bác sĩ Lê Quốc Bàn,Trưởng Khoa Nội (BV Vũng Tàu)
|
Bé A. là một trong số những ca điển hình SXH nặng mà Khoa Nhi đã tiếp nhận điều trị trong thời gian gần đây. Đặc biệt, trước đó, khoa còn có 1 BN khác nặng hơn, khi bị tái sốc SXH đến 3 lần. Anh Phan Hồng Tân, bố em A., cho hay: “Khi con mới bị SXH, tôi có đưa con đến khám tại một cơ sở y tế tư nhân nhưng bác sĩ chẩn đoán không đúng bệnh, tôi lại thiếu hiểu biết về SXH, có phần chủ quan nên con mới bị bệnh nặng. Khi con được đưa vào ICU và phải thở máy, tôi mới biết bệnh SXH đáng sợ đến vậy”.
Theo tìm hiểu của PV Báo BR-VT, tình trạng BN SXH nặng đang ở mức đáng lo ngại. Mức độ bệnh trở nặng đều xảy ra ở người lớn lẫn trẻ em. Hiện trung bình mỗi ngày ở BV Bà Rịa và BV Vũng Tàu có khoảng 10% ca nặng, có những ngày cao điểm ca SXH nặng lên tới hơn 15%. Đơn cử như Khoa Nhi, Khoa Nội (BV Vũng Tàu) có 2-3 ca SXH nặng/ngày/khoa, cao điểm 5-7 ca/ngày/khoa; Khoa Nhi (BV Bà Rịa) có 5 ca nặng/ngày, cao điểm 10 ca/ngày.
Bệnh viện quá tải
Theo BV Bà Rịa và BV Vũng Tàu, từ tháng 4/2022 đến nay, BN SXH đến khám và điều trị bắt đầu tăng, nhưng tăng đột biến từ đầu tháng 6 đến nay. Đây đang được xem là thời điểm bùng phát dịch SXH trên diện rộng. Dự kiến, số BN nhập viện còn tiếp tục gia tăng trong tháng 7/2022.
Khoa Nhi (BV Bà Rịa) đang điều trị cho hơn 140 bệnh nhi, trong đó có khoảng 35 ca SXH. Số ca SXH nằm viện ở giai đoạn này tăng gấp nhiều lần so với những tháng trước đó. Khoa có công suất 120 giường bệnh, khi ca bệnh SXH tăng một số BN phải nằm ghép 2 người/giường. Do nằm ghép chật chội nên nhiều gia đình lựa chọn trải chiếu ra ngoài hàng lang để con nằm cho thoáng mát. Anh Nguyễn Hoàng Dũng, ở thôn 9, xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) cho biết: “Con tôi 3 tuổi, điều trị SXH tại Khoa Nhi mấy ngày nay. Bệnh nhi SXH tăng, khoa thiếu giường nên con tôi được bố trí nằm ghép với một bé khác. Tôi thấy hơi nóng nên đưa con ra nằm ngoài hành lang cho đỡ ngột ngạt”.
Tính đến ngày 26/6, toàn tỉnh đã ghi nhận 3.682 ca SXH. Trong đó, TP.Vũng Tàu vẫn là địa phương có diễn biến dịch SXH phức tạp nhất, khi đã ghi nhận hơn 2.500 ca, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, đến nay SXH chưa có vắc xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, chủ động phòng chống bệnh vẫn đang là biện pháp hiệu quả và ít tốn kém nhất. |
Không chỉ khó khăn về giường bệnh, bệnh nhi SXH tăng cũng gây nhiều áp lực cho đội ngũ y, bác sĩ. Bác sĩ Bùi Thế Mạnh, Khoa Nhi (Bệnh viện Bà Rịa) cho hay, mỗi ca trực của khoa chỉ có 2 bác sĩ và 5 điều dưỡng. Ngoài phòng bệnh thông thường, khoa còn có 2 phòng hồi sức sơ sinh và cấp cứu. Riêng ICU của khoa có 8 giường bệnh, nhưng thường xuyên quá tải. Phòng ICU này dành chăm sóc và điều trị những ca bệnh nặng, tuy nhiên chỉ có được 1 bác sĩ/ca trực nên rất vất vả. “Giai đoạn này đang vào mùa SXH và tỷ lệ ca chuyển nặng khá nhiều. Trung bình ICU điều trị cho 5 ca SXH nặng/ngày, có ngày tới 10 ca. Những BN này phải theo dõi chặt chẽ nên chúng tôi phải làm việc cả ngày lẫn đêm, không có thời gian nghỉ ngơi”, bác sĩ Mạnh nói.
Tương tự, những khoa có điều trị SXH tại BV Vũng Tàu cũng xảy ra tình trạng thiếu giường bệnh do BN nhập viện tăng cao. Khoa Nhiễm có 40 giường bệnh, nhưng đã có tới hơn 30 BN SXH. Để bảo đảm công tác điều trị và chăm sóc cho các BN khác, khoa phải kê thêm 15 giường dành cho các trường hợp sốt siêu vi, viêm phổi, lao… Khoa Nhi đang điều trị cho gần 90 bệnh nhi, nhưng trong số này có 50% ca SXH. Với số ca bệnh SXH nhập viện ngày càng nhiều, khoa đã kê them 18 giường lên 80 giường bệnh. Bác sĩ Lê Quốc Bàn, Trưởng Khoa Nội (BV Vũng Tàu) thông tin thêm, khoa điều trị cho từ 20-40 BN SXH/ngày cũng khiến khoa thiếu giường bệnh. Vì thế, bệnh viện đã điều tiết giường từ những khoa có ít BN đến các khoa có đông ca bệnh. Nhờ đó đã giúp các khoa bảo đảm đầy đủ giường bệnh cho bệnh nhân.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM