Vì sao nên cho trẻ 5-12 tuổi tiêm vắc xin phòng COVID-19?
Từ khi tỉnh triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-12 tuổi, nhiều phụ huynh đã nhanh chóng đưa con đi tiêm chủng. Bởi lẽ, việc này sẽ bảo vệ sức khỏe cho trẻ trước sự nguy hiểm của dịch bệnh.
Nhân viên Trạm Y tế phường 2 (TP. Vũng Tàu) tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-12 tuổi. |
An tâm khi đến trường
Sáng 24/6, cháu Nguyễn Khánh Nhi (12 tuổi, ngụ 134/5, đường Hoàng Hoa Thám) được mẹ chở đến Trạm Y tế phường 2 (TP. Vũng Tàu) tiêm mũi 1 vắc xin phòng COVID-19. Lẽ ra, Nhi đã đi tiêm vắc xin từ đầu tháng 6, nhưng thời điểm đó do gặp vấn đề về sức khỏe nên nhân viên y tế tư vấn hoãn tiêm.
“Con đã được tư vấn về lợi ích của vắc xin phòng COVID-19 nên không cảm thấy lo lắng. Với việc tiêm chủng này, con cảm thấy an tâm hơn khi đến trường”, Nhi bày tỏ.
Chị Trần Thị Khánh Dương, mẹ của Nhi cho hay, cách đây khoảng 1 tháng, cậu con trai 9 tuổi, học sinh Trường TH Thắng Tam cũng đã được tiêm mũi 1. Sau khi tiêm, sức khỏe của bé bình thường. Chị hoàn toàn tin tưởng về sự an toàn của vắc xin và yên tâm cho Khánh Nhi đi tiêm chủng. “Dịch COVID-19 vẫn còn khó lường nên tôi thấy mừng khi 2 con đã tiêm vắc xin phòng COVID-19, giúp cơ thể đề kháng, phòng chống dịch bệnh”, chị Dương chia sẻ.
Toàn tỉnh có hơn 147.800 trẻ từ 5 đến 12 tuổi, nhưng chỉ có hơn 60.980 trẻ được phụ huynh đồng ý tiêm, số còn lại không đồng ý tiêm và nhiễm COVID-19 không đủ thời gian tiêm. Từ cuối tháng 4/2022, toàn tỉnh đã bắt đầu tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ 5 đến 12 tuổi. Đến nay, có hơn 60.500 trẻ đã tiêm mũi 1 và 23.700 trẻ tiêm mũi 2. |
Sáng 24/6, nhiều phụ huynh đã đưa con từ 5-12 tuổi đến Trạm Y tế phường 2 tiêm vắc xin phòng COVID-19. Chị Huỳnh Thị Hận (18 Lương Văn Can) đưa con trai Lê Hoàng Trung, 11 tuổi đi tiêm mũi 1 cho biết, trước khi cho con tiêm, chị đã tìm hiểu kỹ các thông tin chính thức của ngành y tế về lợi ích, những dấu hiệu có thể xảy ra sau khi tiêm và nhận thấy vắc xin có hiệu quả rõ ràng trong phòng, chống dịch.
Cùng suy nghĩ như nhiều phụ huynh cho trẻ từ 5-12 tuổi tiêm chủng phòng COVID-19, chị Ngô Thị Ngọc Vương (85, Thái Văn Lung, TP. Bà Rịa) cũng rất đồng tình và ủng hộ tỉnh triển khai tiêm vắc xin cho các con trong nhóm tuổi này. Chị Vương thông tin, con gái chị 8 tuổi, học tại Trường TH Trường Sơn đã tiêm mũi 1 cách đây 10 ngày. Sau khi tiêm, bé vẫn khỏe mạnh, ăn uống bình thường, chỉ bị nhức nhẹ ở chỗ tiêm.
“Con tôi mới bị COVID-19 cách đây hơn 3 tháng, nay cháu mới đủ điều kiện tiêm chủng. Có vắc xin bảo vệ sẽ giúp con tôi phòng, chống tái nhiễm COVID-19 và giảm nguy cơ bệnh trở nặng”, chị Vượng bày tỏ.
Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, khi đưa trẻ đi tiêm chủng, phụ huynh cần tìm hiểu về sự cần thiết của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19, chuẩn bị tâm lý tích cực, cho trẻ ăn uống đầy đủ bảo đảm chất dinh dưỡng. Phụ huynh cần theo dõi trẻ 28 ngày sau khi tiêm, đặc biệt là 3 ngày đầu, để trẻ nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh, cho trẻ uống đủ nước và ăn uống bảo đảm dinh dưỡng.
Phụ huynh đặc biệt lưu ý khi thấy trẻ xuất hiện một trong các biểu hiện như: miệng có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi; da có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ, tím tái, đỏ da, chảy máu, xuất huyết dưới da; đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất… phải nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và xử lý kịp thời.
|
Phòng tránh biến chứng
Theo các chuyên gia và nhà khoa học, trẻ ở lứa tuổi từ 5-12 tuổi mắc COVID-19 thì phần lớn có mức độ bệnh nhẹ nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe. Các biến chứng của trẻ ở độ tuổi này nhiễm bệnh dù không nhiều nhưng vẫn đáng lo ngại, cần phải đặc biệt quan tâm.
Đơn cử, Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghi nhận hàng trăm trường hợp mắc hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) với các biểu hiện viêm đồng thời ở nhiều cơ quan như: tim, phổi, thận, hệ tiêu hóa, não, da, mắt... sau nhiễm COVID-19. Ngoài ra, trẻ cũng có thể gặp phải các dấu hiệu bất thường kéo dài về sức khỏe như: mệt mỏi, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, mất tập trung, đau cơ, ảnh hưởng khả năng học tập và vui chơi, thậm chí có thể có những hậu quả lâu dài.
GS. TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định: “Việc tiêm chủng phòng COVID-19 cho trẻ có ý nghĩa rất lớn, hạn chế lây nhiễm và giảm lây nhiễm cho người trong gia đình, nhất là những người có nguy cơ cao, chống chỉ định tiêm chủng và những trẻ chưa đến tuổi tiêm. Khi được tiêm chủng, trẻ sẽ tự tin hơn khi tham gia các hoạt động khác”.
PGS. TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo phụ huynh nên đồng thuận cho trẻ tiêm chủng. Bởi đây là nhóm trẻ có hệ thống miễn dịch chưa đầy đủ và là nhóm đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất. Khoa học đã chứng minh vắc xin phòng COVID-19 không gây ảnh hưởng đến di truyền hay hệ sinh sản của trẻ.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM