Thả 20 triệu trứng muỗi để tiêu diệt bệnh zika, sốt vàng da, SXH

Thứ Sáu, 10/06/2022, 19:42 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 6/4/2022, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) cho phép Công ty sinh học Oxitec thả 20 triệu trứng muỗi Aedes aegypti đã biến đổi gen vào các vùng đầm lầy ở bang California và Florida. Theo Oxitec, trứng nở ra đều là muỗi đực rồi khi giao phối với muỗi cái, nó sẽ chỉ cho ra đời duy nhất loài muỗi đực và điều ấy sẽ cắt đứt chuỗi lây truyền bệnh Zika, sốt vàng da và sốt xuất huyết (SXH).

Thùng đựng trứng muỗi đã biến đổi gien đang được thả ra môi trường tự nhiên (ảnh nhỏ) Muỗi Aedes aegypti, thủ phạm của bệnh Zika, sốt vàng da, SXH.
Thùng đựng trứng muỗi đã biến đổi gien đang được thả ra môi trường tự nhiên (ảnh nhỏ) Muỗi Aedes aegypti, thủ phạm của bệnh Zika, sốt vàng da, SXH.

Là loại muỗi thường được gọi là muỗi vằn bởi trên thân của nó có những vằn trắng, muỗi Aedes aegypti khi hút máu người sẽ đưa vào cơ thể người virus gây bệnh Zika gây bại liệt, dị tật thai nhi, bệnh Chikungnia gây viêm đa khớp khiến bệnh nhân không đi thẳng được, SXH, sốt vàng da. Trong đó SXH là một trong những loại bệnh gây chết người nhiều nhất ở châu Phi và châu Á.

Đặc tính của muỗi Aedes aegypti và loài muỗi nói chung là chỉ có muỗi cái mới hút máu để sinh sản, còn muỗi đực chỉ hút nhựa cây, nhựa trái cây. Dựa theo nguyên lý này, Công ty Công nghệ sinh học Oxitec đã bắt muỗi đực rồi chỉnh sửa một đoạn gen di truyền của nó. Khi nó giao phối với muỗi cái và khi muỗi cái đẻ trứng, trứng biến thành bọ gậy (lăng quăng) rồi thành muỗi nhưng tất cả đều là muỗi đực.

Tiến sĩ Grey Frandsen, giám đốc điều hành Công ty Oxitec giải thích: “Một con muỗi cái có thể sống được 2 tháng. Trong thời gian này, nó giao phối từ 6 đến 8 lần, mỗi lần đẻ từ 100 đến 250 trứng. Nếu tất cả những lần giao hợp của muỗi cái đều diễn ra với muỗi đực đã biến đổi gien thì trong suốt vòng đời của một con muỗi cái, nó có thể đẻ 1.500 trứng. Sau khi loại trừ những nguyên nhân như hóa chất trừ muỗi, nguồn nước cạn kiệt, bị các loài thiên địch như dơi, thằn lằn, nhện… ăn thịt, sẽ còn khoảng 1 triệu con muỗi đực ra đời. Như vậy, nếu chu kỳ này được lập đi lập lại trong 16 tuần thì 90% muỗi cái sẽ biến mất…”.

Theo Công ty Oxitec, thử nghiệm thả 20 triệu con muỗi đực đã biến đổi gen là một phần của dự án được EPA phê duyệt năm 2020. Năm 2021, Oxitec thà 144.000 con muỗi đực biến đổi gen ở vùng đầm lầy Florida Keys rồi sau 16 tuần, kết quả khảo sát cho thấy trong phạm vi 1km vuông, chỉ phát hiện 6 con muỗi cái thay vì 27.000 con như trước khi thả. Tại Brazil, sau 13 tuần thả muỗi biến đổi gen, 95% muỗi cái Aedes aegypti đã biến mất. Giáo sư Mustapha Debboun, nhà côn trùng học đồng thời là tổng giám đốc của dự án diệt muỗi Delta Mosquito and Vector Control District ở Brazil  nói: “Thật đáng kinh ngạc. Nếu trước đây chúng ta phải sử dụng hóa chất để khống chế loại côn trùng độc hại này thì bây giờ, muỗi đực đang làm thay chúng ta. Bằng cách dùng tự nhiên chống lại tự nhiên, chúng ta hy vọng một số loại bệnh tật chết người mà muỗi là thủ phạm, sẽ bị thanh toán”.

Theo tập tính, muỗi hầu như chỉ di chuyển trong bán kính 200m kể từ nơi chúng đã sinh ra nên Cục bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) quy định “không được thả muỗi đã biến đổi gien trong phạm vi 500 mét đối với các khu vực trồng trọt trái cây như cam, quýt, táo, lê, đào, mơ, nho, đào...” bởi lẽ muỗi đực chỉ hút nhựa cây để sống nên chất dịch tiết ra từ vòi hút khi chúng hút nhựa có khả năng sẽ làm thay đổi cấu trúc hóa học của trái cây, dẫn đến hệ quả xấu cho người tiêu dùng mặc dù đến nay, vẫn chưa có một chứng minh cụ thể nào về việc này.

Một câu hỏi khác cũng được đặt ra: Thức ăn chính của một số động vật như dơi, thằn lằn, tắc kè... là muỗi. Vậy khi ăn những con muỗi đã biến đổi gien, cấu trúc di truyền của những động vật này có thay đổi không? Và nếu thay đổi, nó sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt hay xấu? Giáo sư Brunswish, chủ nhiệm Khoa Nông nghiệp Đại học Utah, Mỹ cho biết chẳng phải tự nhiên mà nhiều quốc gia hiện nay vẫn chưa cho phép sử dụng các loại thực phẩm biến đổi gien vì chúng ta vẫn chưa hiều biết hết về mặt trái của nó.

Tiến sĩ Robert Gould, chủ tịch Hiệp hội bệnh truyền nhiễm ở San Francisco, bang Califormia, Mỹ nói với tờ Medical News: “Điều đáng nói là một khi đã thả vào môi trường, muỗi biến đổi gen không thể thu hồi được. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Công ty Oxitec thay vì bắt đầu bằng cách thả muỗi ồ ạt, họ nên tiến hành các bước nghiên cứu, đánh giá rủi ro bằng những dữ liệu minh bạch”.

Theo Công ty Oxitec, trước khi bắt đầu thả muỗi đực đã biến đổi gien tại các vùng đầm lầy thuộc bang California và Florida, họ đã tiến hành thực nghiệm ở một số vùng thuộc Brazil, Panama, quần đảo Cayman, Malaysia, nơi SXH và sốt vàng da là bệnh phổ biến, và đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Sau 1 năm, tỉ lệ trung bình nhiễm bệnh của người dân ở đây giảm 64%. Người phát ngôn của Oxitec cho biết suốt 3 năm kể từ khi thả muỗi, họ vẫn thường xuyên theo dõi sức khỏe của cư dân ở các khu vực này, kể cả trẻ sơ sinh. Các xét nghiệm về di truyền không ghi nhận một sự thay đổi bất thường nào.

Tuy vậy, một số người ở Florida vẫn lên tiếng phản đối về việc thả muỗi đã biến đổi gien mà lý do là “tại sao lại chọn nơi sinh sống của họ làm nơi thử nghiệm?”, đồng thời tuyên bố sẽ ngăn cản thử nghiệm bằng cách phun thuốc để tiêu diệt những con muỗi đã biến đổi gien! Nhà sinh học phân tử Natalie Kofler, giảng viên Đại học Y khoa Harvard, bang Massachusetts và là người chịu trách nhiệm giám sát muỗi biến đổi gien nói: “Kết quả sẽ chứng minh cho việc làm của chúng tôi. Một khi bệnh Zika, sốt vàng da, SXH giảm hẳn rồi biến mất, họ sẽ hiểu là chúng tôi đang làm đúng...”.

VŨ CAO
(Theo Medical News)

;
.