Khắc phục tình trạng thừa và thiếu giáo viên cục bộ

Thứ Tư, 01/06/2022, 21:01 [GMT+7]
In bài này
.

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được triển khai ở lớp 10. Điểm nổi bật của chương trình mới ở bậc THPT là HS được tự chọn một số môn học, hướng tới mục tiêu phân hóa, hướng nghiệp sớm. Tuy nhiên, điều này lại kéo theo hệ lụy thừa, thiếu GV cục bộ ở nhiều môn học.

HS Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP. Vũng Tàu) trong một tiết học.
HS Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP. Vũng Tàu) trong một tiết học.

Môn quá tải, môn “ngồi không”

Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, chương trình GDPT mới sẽ tác động đến toàn bộ HS phổ thông ở các cấp học. Tuy nhiên mạnh nhất, nhiều nhất là đối với THPT. Điểm thay đổi lớn, đồng thời cũng được đánh giá là một trong những nội dung quan trọng của Chương trình GDPT mới là việc, cho phép HS được tự chọn môn học, hướng tới mục tiêu phân hóa hướng nghiệp sớm đối với bậc học THPT. Trong chương trình GDPT mới bậc THPT, thay vì 13 môn học bắt buộc như chương trình hiện hành sẽ chỉ có 12 môn gồm 7 môn bắt buộc và 5 môn tự chọn.

Để chuẩn bị cho việc triển khai chương trình phổ thông mới, các trường THPT đã căn cứ vào các nhóm môn học tự chọn cũng như tình hình cơ sở vật chất, đội ngũ… tại đơn vị mình để lên “thực đơn” môn học cho HS lựa chọn. Tuy nhiên, các cán bộ quản lý giáo dục đều nhận định rằng, nhiều môn học đứng trước nguy cơ GV bị quá tải do số lượng HS đăng ký quá đông, trong khi có bộ môn GV lại “ngồi không” khi HS không mặn mà.

Ông Hồ Sĩ Nhật Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Bình (huyện Xuyên Mộc) cho hay, nhà trường đã xây dựng 6 tổ hợp môn tự chọn cho HS lớp 9 lựa chọn từ trước khi tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Mặc dù nhà trường đã có sự cân nhắc kỹ lưỡng khi xây dựng các tổ hợp môn để bảo đảm sự cân bằng về “tần suất” xuất hiện của các môn học trong 6 tổ hợp.

Tuy nhiên, kết quả lựa chọn các tổ hợp lại phụ thuộc vào quyết định của HS. Theo số liệu thống kê tới thời điểm này, tổ hợp KHTN và tổ hợp có môn Nghệ thuật đều có trên 130 thí sinh lựa chọn, tổ hợp KHXH có khoảng 100 em. Như vậy, năm học tới, Trường THPT Hòa Bình dự kiến có thể thừa từ 1-3 GV các bộ môn: Toán, Hóa học, Tin học, Thể dục, Sinh học và Lịch sử.

Trong khi đó, một số môn học khác lại không đủ GV giảng dạy. Theo Hiệu trưởng Nhật Nam, với môn tiếng Anh, nếu triển khai giảng dạy theo chương trình của Bộ GD-ĐT, trường sẽ thiếu 1 GV. Nhưng nếu triển khai tiết tiếng Anh tăng cường theo Nghị quyết 123 của HĐND tỉnh về nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho HS từ lớp 3 đến lớp 12, từ năm học 2019-2020 đến năm học 2024-2025 trên địa bàn tỉnh thì số GV còn thiếu là 3 người. Không chỉ vậy, cũng giống như các trường THPT khác trên địa bàn tỉnh, trường cũng đang “trắng” GV giảng dạy các bộ môn nghệ thuật.

Tương tự, tại Trường THPT Châu Thành (TP. Bà Rịa), năm học tới đây nhà trường đã xây dựng 9 tổ hợp môn tự chọn với 8 lớp KHTN và 3 lớp KHXH.

Ông Nguyễn Đình Lâm, Phó Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: “Tổng chỉ tiêu GV của trường đủ để triển khai giảng dạy. Song khi thực hiện chương trình GDPT mới, một số môn học như Lịch sử, Sinh học sẽ dư khoảng 1 GV do số lượng HS lựa chọn không nhiều. Song song với đó, nhà trường chưa có GV giảng dạy các bộ môn nghệ thuật”.

Còn tại Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP. Vũng Tàu), nhà trường hiện có 87 GV, cơ bản đáp ứng được yêu cầu để triển khai chương trình GDPT mới. Tuy vậy, cũng như các trường THPT khác, trường chưa có GV Âm nhạc, Mỹ thuật và dự kiến thiếu 1 GV Sinh học. Riêng môn Hóa học, năm học tới đây, có khả năng GV bộ môn không giảng dạy đủ số tiết theo định mức của Bộ GD-ĐT do số lượng HS đăng ký tổ hợp có môn Hóa học không nhiều.

Trong đó, 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc bao gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. 5 môn học tự chọn từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn học): Nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học); Nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Ngoài ra, có 2 môn học tự chọn gồm tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.

 

 

Khẩn trương khắc phục khó khăn

Trước tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ, ngành GD-ĐT nói chung và các trường THPT đã có giải pháp để khắc phục, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho việc triển khai chương trình GDPT mới ở bậc THPT.

Theo ông Nhật Nam, sau khi công bố kết quả trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh lớp 10, nhà trường sẽ tiếp tục tư vấn, định hướng để HS “chốt” phương án lựa chọn các tổ hợp môn. Số liệu này là một trong những căn cứ quan trọng để nhà trường “biên chế” các lớp. Tuy nhiên, ông Nam cũng nhấn mạnh, để bảo đảm sự cân đối khi bố trí lớp, nhà trường cũng có những điều kiện, cơ chế nhất định khi sắp xếp.

Bên cạnh việc xem xét nguyện vọng của HS, nhà trường còn căn cứ vào điểm thi, điểm học bạ THCS để có cơ sở tư vấn, xếp lớp cho các em. Khi đăng ký, HS được lựa chọn nhiều NV để nếu không theo học tổ hợp NV1 có thể học các lớp có tổ hợp ở NV sau. Đây cũng là một trong những phương án để khắc phục tình trạng thừa thiếu GV cục bộ. Bên cạnh đó, thầy Nam cũng cho hay, nhà trường cũng động viên tinh thần GV những bộ môn ít HS đăng ký.

Những GV này có thể sẽ được bố trí thêm công tác chủ nhiệm, quản sinh hay tham gia tập huấn để giảng dạy các bộ môn mới. Còn với các bộ môn thiếu GV, nhà trường sẽ thực hiện hợp đồng thỉnh giảng để bảo đảm nhân sự cho việc triển khai chương trình GDPT mới.

Riêng với các bộ môn nghệ thuật, ngoài phương án hợp đồng GV Âm nhạc, Mỹ thuật đang giảng dạy tại các trường THCS, thầy Nam đề xuất ngành giáo dục cho cơ chế mở rộng nguồn tuyển các nghệ sĩ đang hoạt động tại Hội Nhạc sĩ, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh vào giảng dạy các môn năng khiếu.

Ông Phan Ngọc Tấn, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP.Vũng Tàu) cho hay, trong năm đầu tiên thực hiện chương trình GDPT mới, nhà trường sẽ thỉnh giảng GV các bộ môn Âm nhạc, Mỹ thuật.

Đây đều là những GV đang giảng dạy tại các trường THCS trên địa bàn, có trình độ ĐH, đáp ứng yêu cầu giảng dạy ở bậc THPT. Đồng thời, nhà trường cũng sẽ báo cáo Sở GD-ĐT để giải quyết tình trạng thiếu GV môn Sinh học. Đối với GV chưa giảng dạy đủ tiết theo quy định của Bộ, nhà trường sẽ điều tiết giảng dạy thêm các hoạt động giáo dục khác như Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, Giáo dục địa phương…

Còn tại Trường THPT Châu Thành, ông Nguyễn Đình Lâm cho biết, nhà trường đã báo cáo Sở GD-ĐT, đề nghị tuyển dụng thêm GV bộ môn nghệ thuật. Song song với đó, Ban giám hiệu nhà trường cũng làm công tác tư tưởng, động viên tinh thần, cử GV các bộ môn ít HS đăng ký đi tập huấn để có thể giảng dạy các bộ môn mới trong nhóm 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc. Đó là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương (gồm những hoạt động giáo dục nhằm giúp HS hiểu rõ về văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường),… nơi đang học tập, sinh sống.

Bài, ảnh: HẢI BÌNH

 
;
.