.

Chương trình Sữa học đường hoàn thành "sứ mệnh"

Cập nhật: 19:58, 17/06/2022 (GMT+7)

Năm 2021, tỉnh đã hoàn thành việc thực hiện Đề án Sữa học đường giai đoạn 2017-2021. Giai đoạn 2022-2026 tới đây, có thể đề án sẽ dừng triển khai trong trường học để tập trung chăm lo cho trẻ em yếu thế ngoài cộng đồng.

Giai đoạn 2022-2026, tỉnh sẽ dừng thực hiện Đề án sữa cho trẻ MN trong các cơ sở giáo dục. Trong ảnh: HS Trường MN Hướng Dương (TP. Bà Rịa) được ăn uống theo khẩu phần bảo đảm chất dinh dưỡng. Ảnh: KHÁNH CHI
Giai đoạn 2022-2026, tỉnh sẽ dừng thực hiện Đề án sữa cho trẻ MN trong các cơ sở giáo dục. Trong ảnh: HS Trường MN Hướng Dương (TP. Bà Rịa) được ăn uống theo khẩu phần bảo đảm chất dinh dưỡng. Ảnh: KHÁNH CHI

Đạt và vượt mục tiêu đề ra

Bà Hà Thị Thanh Thuận, Trưởng Phòng MN-TH (Sở GD-ĐT) cho hay, tỉnh đã xây dựng, triển khai thực hiện Đề án Sữa học đường từ năm 2006 đến nay, trải qua 3 giai đoạn. Năm 2021 là năm cuối cùng của giai đoạn 2017-2021. Mục tiêu của đề án là cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, trí tuệ cho trẻ MN, trẻ dưới 6 tuổi tại các trung tâm bảo trợ xã hội và trẻ từ 3-5 tuổi suy dinh dưỡng ngoài cộng đồng thông qua hoạt động cho trẻ uống sữa hàng ngày.

Trong 5 năm, toàn tỉnh có hơn 331 ngàn lượt trẻ em được thụ hưởng Đề án Sữa học đường. Các trẻ được uống sữa đều tăng cân, phát triển chiều cao, có sự chuyển biến rõ rệt về thể chất, trí tuệ.

Theo khảo sát của Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) đến năm 2020, BR-VT chỉ còn hơn 1% trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi. Có tới 90,89% HS MN, trẻ dưới 6 tuổi trong các Trung tâm bảo trợ xã hội, trẻ ở các cơ sở tôn giáo phát triển thể lực đạt yêu cầu so với lứa tuổi, không có HS thiểu năng trí tuệ do ăn uống thiếu chất dinh dưỡng.

Giai đoạn 2017-2021, Đề án Sữa học đường của tỉnh được thực hiện với tổng kinh phí hơn 236 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí mua sữa từ ngân sách nhà nước là hơn 111 tỷ đồng; số còn lại do phụ huynh đóng góp và từ nguồn xã hội hóa của chương trình. “Đề án Sữa học đường của tỉnh đã đạt và vượt mục tiêu đề ra, bảo đảm sự phát triển về tầm vóc, trí tuệ cho con em tỉnh nhà”, bà Thuận khẳng định.

Dừng chương trình Sữa học đường

Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1660/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025. Căn cứ vào đó, Bộ GD-ĐT đã có Quyết định số 3000/QĐ-BGDĐT Phê duyệt bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường vận động thể lực cho HSSV Việt Nam.

Giai đoạn 2022-2026, tỉnh sẽ dừng thực hiện Đề án sữa cho trẻ MN trong các cơ sở giáo dục. Trong ảnh: HS Trường MN Lê Ki Ma (huyện Đất Đỏ) tham gia hoạt động ngoài trời. Ảnh: HOÀNG DƯƠNG
Giai đoạn 2022-2026, tỉnh sẽ dừng thực hiện Đề án sữa cho trẻ MN trong các cơ sở giáo dục. Trong ảnh: HS Trường MN Lê Ki Ma (huyện Đất Đỏ) tham gia hoạt động ngoài trời. Ảnh: HOÀNG DƯƠNG

Như vậy, từ nay tới 2025, ngành GD-ĐT sẽ tập trung thực hiện Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025. Chỉ tiêu đặt ra là 100% trường học tổ chức các hoạt động giáo dục dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn cho HS thông qua các giờ học chính khoá, hoạt động ngoại khoá; 100% trường học có tổ chức bữa ăn học đường và căng tin trường học bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định; 60% trường học có tổ chức bữa ăn học đường sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa trong bữa ăn học đường đạt chuẩn theo quy định…

Về chương trình Sữa học đường, Sở GD-ĐT đã tổ chức khảo sát trực tuyến ý kiến phụ huynh trên nhiều nhóm đối tượng và hầu hết cho rằng không nên áp dụng đại trà mà thu hẹp đối tượng thụ hưởng.

“Từ những căn cứ trên, Sở GD-ĐT đề xuất đối tượng thụ hưởng đề án sữa, giai đoạn 2022-2026 là trẻ dưới 6 tuổi trong Trung tâm Bảo trợ xã hội công lập và nhóm bảo trợ xã hội được cấp phép hoạt động, trẻ em tại các cơ sở tôn giáo; Trẻ em từ 3-5 tuổi suy dinh dưỡng; Trẻ em thuộc diện gia đình hộ nghèo, khó khăn với định mức 30 hộp/ trẻ/tháng, thời gian 12 tháng/năm. Như vậy, với đề xuất này, tỉnh sẽ ngừng thực hiện Chương trình Sữa học đường trong trường học, giữ nguyên định mức sữa cho trẻ trong các trung tâm bảo trợ và tăng mức hỗ trợ với trẻ suy dinh dưỡng ngoài cộng đồng”, bà Châu cho biết.

Đối tượng thụ hưởng còn lại quá ít

Theo ông Nguyễn Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Y tế, tính đến tháng 6, nhóm trẻ suy dinh dưỡng ngoài cộng đồng từ 3-5 tuổi còn chưa tới 300 em. Số trẻ trong trung tâm bảo trợ khoảng 100 em. Ông Thái tỏ ra băn khoăn về việc tiếp tục triển khai đề án trong khi số lượng trẻ thụ hưởng không nhiều.

Còn theo bà Nguyễn Vân Anh, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, theo đề xuất của Sở GD-ĐT, đề án sữa trong giai đoạn 2022-2026 sẽ được triển khai với 3 đối nhóm tượng. Theo khảo sát, tính đến thời điểm này, trẻ dưới 6 tuổi thuộc hộ nghèo có 1.803 em. Tuy nhiên, tới đây sẽ có 103 em sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ ttheo Nghị định 20 của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Do đó, Sở LĐTBXH đề xuất loại những trẻ này ra khỏi đối tượng thụ hưởng chương trình. Bên cạnh đó, bà Vân Anh cũng phân tích, hiện nay, số trẻ em thuộc diện hộ nghèo là khoảng 1.800 em, tỷ lệ hộ nghèo là 2% dân số. Nhưng theo lộ trình, đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chỉ còn 0,5% trở xuống, tương đương với đó, sẽ chỉ còn khoảng 400 em được thụ hưởng chương trình sữa. Ngoài ra, trẻ dưới 6 tuổi thuộc trung tâm bảo trợ xã hội hiện có khoảng gần 100 em. Các em này không chỉ được hưởng chính sách bảo trợ xã hội mà còn thường xuyên được các nhà hảo tâm, các DN, cá nhân hỗ trợ nên cơ bản đáp ứng nhu cầu sữa hàng ngày với mức tối thiểu 1 hộp/em/ngày (bao gồm cả trẻ trên 6 tuổi). Từ thực tế đó, đại diện Sở LĐTBXH cho rằng không cần thiết triển khai đề án sữa với trẻ em thuộc các cơ sở bảo trợ và trẻ thuộc diện hộ nghèo. Riêng với đối tượng trẻ suy dinh dưỡng do Sở Y tế quản lý. Trong số 300 trẻ mà Sở Y tế đã thống kê, có một bộ phận trẻ thuộc đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo. Vì vậy, bà Vân Anh đề nghị tỉnh cân nhắc việc tiếp tục triển khai đề án sữa vì đối tượng thụ hưởng thực tế còn quá ít.

HẢI BÌNH

.
.
.