.

62,9% phụ nữ ở Việt Nam từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực

Cập nhật: 19:37, 02/06/2022 (GMT+7)

Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lưc gia đình (sửa đổi) diễn ra tại TP. Vũng Tàu dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy và Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara, ngày 2/6. Hội nghị được diễn ra trong 3 ngày (từ 2 đến 4/6) với sự tham gia của đại diện của 32 tỉnh, thành phía Nam.

Theo thống kê của Bộ VH-TT-DL, trong giai đoạn 2009 - 2021, tổng số vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) tại các địa phương trên cả nước là 324.641 vụ. Trong khi đó, Nghiên cứu quốc gia do UNFPA hỗ trợ về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy có rất ít thay đổi về tình trạng bạo lực đối với phụ nữ sau 10 năm, kể từ nghiên cứu đầu tiên vào năm 2010. Đặc biệt, 62,9% phụ nữ ở Việt Nam từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực cuộc đời, bao gồm bạo lực về thể chất, kinh tế, tình cảm và tình dục cũng như các hành vi kiểm soát. Ngoài ra, 90,4% nạn nhân bị bạo lực không tìm kiếm bất kỳ sự trợ giúp nào từ chính quyền, trong khi một nửa trong số họ chưa bao giờ nói với ai về vấn đề bạo lực.

Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi) gồm 6 chương, 62 điều với 24 điều mới và 38 điều bổ sung, dự kiến sẽ được Quốc hội Khóa XV xem xét thông qua vào tháng 10/2022. Luật dựa trên cách tiếp cận quyền con người, kết hợp các bài học, kinh nghiệm và khuyến nghị quốc tế nhằm tăng cường hiệu lực của các thể chế nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các chính sách và chương trình can thiệp nhằm ngăn ngừa và ứng phó hiệu quả với BLGĐ  ở Việt Nam.

Trong chương trình thảo luận, các đại biểu tập trung vào những vấn đề lớn gồm: Trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam, UBND các cấp trong việc triển khai thi hành Luật; việc xử lý và xác minh tin báo, tố giác về bạo lực gia đình; các quy định về phòng ngừa BLGĐ ba cấp độ. Trong đó, các đại biểu nhấn mạnh về tăng cường các chế tài nghiêm khắc, đủ sức răn đe với những đối tượng vi phạm, tăng cường các giải pháp bảo vệ phụ nữ, quy định trách nhiệm khắc phục hậu quả gây ra cho người bị bạo lực, đề nghị có quy định cụ thể hơn về nguồn tài chính bồi thường thiệt hại cho nạn nhân...

HUYỀN TRANG

.
.
.