.

Nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết

Cập nhật: 20:49, 30/05/2022 (GMT+7)

Từ đầu tháng 5/2022, số ca sốt xuất huyết (SXH) nhập viện tăng cao và chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo dự đoán của các chuyên gia dịch tễ, SXH có thể bùng phát mạnh trong tháng 6 và tháng 7.

Bệnh nhi Phạm Phương Linh được điều trị tích cực tại Phòng Cấp cứu (Khoa Nhi, Bệnh viện Vũng Tàu).
Bệnh nhi Phạm Phương Linh được điều trị tích cực tại Phòng Cấp cứu (Khoa Nhi, Bệnh viện Vũng Tàu).

Nhiều ca bệnh nặng

Hơn 2 tuần trở lại đây, số bệnh nhân SXH đến điều trị nội trú tại Khoa Nhi, Bệnh viện Vũng Tàu bắt đầu tăng cao so với những tháng trước đó. Trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận 3-4 ca SXH, ngày cao điểm lên tới 8 ca. Nhiều ca bệnh nhi diễn biến nặng.

Đơn cử như ngày 25/5, Khoa Nhi phải điều trị tích cực cho 2 trường hợp bị sốc SXH. Chị Đoàn Thị Hồng Nga, mẹ của bệnh nhi P.P.L, 12 tuổi ở phường Rạch Dừa, TP.Vũng Tàu cho biết, ngày 22/5, P.P.L, sốt cao hơn 380C, người mệt. Chị đưa con đi khám, làm xét nghiệm tại một phòng khám tư trên địa bàn thành phố và có kết quả bị SXH. Bác sĩ tại phòng khám  khuyên chị Nga đưa con về điều trị ngoại trú.

Sau 5 ngày điều trị tại nhà, vì tình trạng của P.P.L không thuyên giảm nên chị Nga buộc phải đưa con vào Bệnh viện Vũng Tàu. Khi vào viện con chị vẫn sốt cao, tay chân lạnh, vã mồ hôi, sau đó bệnh có thêm những biểu hiện nặng hơn như tụt huyết áp, chảy máu cam, chỉ số tế bào hồng cầu trong máu tăng cao, tiểu cầu thấp. “Con tôi được bác sĩ cho uống thuốc hạ sốt, truyền dịch nên sức khỏe đã tạm ổn”, chị Nga nói thêm.

Trường hợp khác là em N.H.M, 14 tuổi, ở phường 11, TP.Vũng Tàu cũng bị sốc SXH và cũng có những biểu hiện như ca bệnh P.P.L. Em đã được các bác sĩ của Khoa Nhi, Bệnh viện Vũng Tàu cấp cứu kịp thời nên sức khỏe đã dần ổn định và đang tiếp tục theo dõi tại bệnh viện.

Tại Bệnh viện Bà Rịa, 2 tuần qua, Khoa Nhi cũng ghi nhận số ca SXH phải nhập viện điều trị tăng đáng kể. Trung bình mỗi ngày, khoa có từ 17-20 bệnh nhân mới, có ngày tăng đột biến tới 30 ca. Trong khi đó thời điểm này năm 2021, khoa chỉ ghi nhận khoảng vài ca mỗi ngày.

Từ đầu năm đến ngày 15/5, toàn tỉnh ghi nhận gần 1.060 ca SXH, tăng hơn 650 ca so với cùng kỳ năm ngoái, trong số này có 12 ca nặng. Riêng từ ngày 2 đến 15/5, trên địa bàn tỉnh có 222 ca mắc SXH. Đến nay, tỉnh BR-VT chưa ghi nhận trường hợp tử vong do SXH. Tuy nhiên, các địa phương lân cận như: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai… đã ghi nhận một số ca tử vong vì SXH.

Phần lớn, các ca SXH đang điều trị tại Bệnh viện Bà Rịa trong hơn 2 tuần nay đều ở mức độ nhẹ, sau 7 ngày có thể xuất viện. Tuy nhiên, cũng không ít ca bệnh nặng, đe dọa tới sức khỏe bệnh nhi. Chị Nguyễn Thị Hương, mẹ của bệnh nhi V.T.Đ, 12 tuổi, ở KP.Hải Bình, TT.Long Hải (huyện Long Điền) cho hay, tuần trước, con chị sốt cao và bủn rủn chân tay nên nhập viện tại TTYT huyện Long Điền. Song, điều trị mấy ngày nhưng bệnh không giảm, nhất là con chị vẫn còn sốt cao liên tục nên gia đình phải chuyển em lên Khoa Nhi, Bệnh viện Bà Rịa tiếp tục điều trị.

“Khi đến Bệnh viện Bà Rịa, con tôi còn bị tụt huyết áp, may được các bác sĩ điều trị tích cực. Tôi không nghĩ SXH nguy hiểm đến vậy nên có phần hơi chủ quan, lơ là, không để ý tới sức khỏe của con”, chị Hương giải thích.

Trạm Y tế xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) tổ chức tẩm mùng bằng hóa chất phòng, chống SXH cho người dân trên địa bàn vào đầu tháng 5/2022.
Trạm Y tế xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) tổ chức tẩm mùng bằng hóa chất phòng, chống SXH cho người dân trên địa bàn vào đầu tháng 5/2022.

Lưu ý dấu hiệu cảnh báo

Theo các bác sĩ, SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, do muỗi vằn truyền vi rút Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh và lây lan nhanh. Đến nay, SXH chưa có vắc xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu. Khi nhập viện, người bệnh chủ yếu được điều trị triệu chứng.

Đối tượng bị SXH có thể cả trẻ em lẫn người lớn, nhưng bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. SXH có diễn biến bệnh trở nặng nhanh. Giai đoạn bệnh nguy hiểm thường bắt đầu từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 kể từ khi bị sốt, đồng thời có các triệu chứng nhận thấy được như: Chảy máu cam; chảy máu chân răng; xuất huyết dưới da. Ngoài ra, bệnh có những biến chứng nặng hơn như: Chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, nghiêm trọng hơn là xuất huyết não.

Bác sĩ Vương Quang Thắng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bà Rịa phân tích, trong 100 bệnh nhi SXH thì có khoảng 5 trường hợp nặng. Những ca bệnh nặng thuộc 3 thể, bao gồm: Sốc SXH gây tổn thương não, thận và tim, gan; xuất huyết nặng không cầm máu kịp thời sẽ gây tổn thương nhiều bộ phận trên cơ thể; suy đa tạng, nhất là suy gan, thâm chí dẫn tới tử vong.

Theo bác sĩ Vương Quang Thắng, mới đầu mùa mưa mà số ca SXH trên địa bàn tỉnh đã tăng cao, dự báo tháng 6, 7 và 8 tới, số ca bệnh sẽ còn tiếp tục gia tăng nhiều hơn nữa, có thể có những ca bệnh nặng hơn nếu như không làm tốt công tác dự phòng, phát hiện bệnh kịp thời.

Theo các chuyên gia dịch tễ, cứ 4-5 năm thì SXH lại bùng lên thành dịch một lần. Đợt dịch SXH lớn nhất gần đây nhất diễn ra vào năm 2019. Vì thế, theo chu kỳ này, SXH có thể bùng phát trong năm 2022 này.

Do vậy, mỗi gia đình và xã hội cần chung tay phòng, chống dịch SXH, trong đó phải làm sạch vệ sinh môi trường, không cho muỗi vằn có cơ hội sinh sôi và phát triển. Bệnh SXH vẫn có thể điều trị ngoại trú, tuy nhiên khi người bệnh có những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm phải đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

.
.
.