Đừng để an toàn lao động chỉ là khẩu hiệu
Những khẩu hiệu “An toàn để sản xuất, sản xuất phải đảm bảo an toàn”, “An toàn là trên hết” được treo, dán đầy đủ tại các nhà xưởng, công trường. Tuy nhiên, tai nạn lao động (TNLĐ) vẫn xảy ra, vậy đâu là nguyên nhân?
Đoàn thanh tra kiểm tra công tác ATVSLĐ tại khu vực xưởng sản xuất Công ty TNHH Vũ Chân (TX. Phú Mỹ). |
Hậu quả nặng nề
Khi nhắc đến sự ra đi đột ngột của anh Nguyễn Văn Viên (35 tuổi, phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ) hơn nửa năm trước, người thân của anh không cầm được nước mắt. Cuộc sống của vợ chồng anh và 2 con nhỏ đang êm đềm thì tai nạn không may ập xuống khi anh đang làm việc tại một công ty sản xuất thép ở KCN Phú Mỹ 2.
Ông Nguyễn Văn Dậu, ba của anh Viên nhớ lại: “Tôi nhớ mãi ngày định mệnh hơn nửa năm trước khi gia đình nhận thông báo con trai bị TNLĐ. Con tôi mất khi tuổi đời còn trẻ với bao ước mơ, dự định vẫn còn dang dở. Vẫn biết người ở lại phải chấp nhận nỗi đau, cố gắng tiếp tục sống nhưng mất mát này quá lớn. Mỗi lần có người nhắc đến tên con, vợ tôi lại không cầm được nước mắt”.
Trong những lần cùng lãnh đạo địa phương, Sở LĐ-TBXH đến thăm nạn nhân bị TNLĐ, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến nhiều hoàn cảnh mất khả năng lao động vĩnh viễn, trở thành người tàn phế.
Trường hợp anh Nguyễn Duy Khanh, từng là công nhân một công ty trên địa bàn TX. Phú Mỹ bị bỏng xỉ thép nặng là dẫn chứng cụ thể. Sau thời gian dài nỗ lực điều trị, anh được xác định thương tật 98%, mất khả năng lao động vĩnh viễn. Từ thanh niên khỏe mạnh, trở thành người tàn phế, sống phụ thuộc vào người thân khiến tinh thần anh suy sụp. Trải qua nhiều năm, được người thân và gia đình động viên, anh ráng vượt qua nỗi ảm ảnh, tự ti để chấp nhận với sự thật và thích nghi dần với hoàn cảnh của mình.
Mỗi TNLĐ là một câu chuyện đau lòng mà nạn nhân và người thân của họ không ai muốn nhớ đến. Những hỗ trợ từ vật chất đến tinh thần cho người bị TNLĐ không thể bù đắp được mất mát quá lớn. Thực tế, người bị TNLĐ đều trải qua khoảng thời gian trầm cảm, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Mong muốn của họ khi trải qua nỗi đau là DN cần tăng cường các biện pháp kiểm tra thường xuyên, đánh giá đúng mức, bảo đảm ATVSLĐ để tạo môi trường làm việc an toàn cho NLĐ.
NLĐ làm việc tự do chuyển từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp còn hạn chế về kiến thức an toàn lao động. Trong ảnh: NLĐ làm việc tại công trình xây dựng trên địa bàn TP. Vũng Tàu. |
Chủ động ngăn ngừa rủi ro
Theo Sở LĐ-TBXH, trong nhiều năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ chính sách, pháp luật về ATVSLĐ, phòng ngừa nguy cơ TNLĐ trong sản xuất, kinh doanh được thực hiện thường xuyên. Các cấp, ngành chức năng cũng đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng mức xử phạt đối với các hành vi tái vi phạm về ATVLĐ. Tuy nhiên, tại nhiều DN, cơ sở sản xuất, tai nạn đáng tiếc ngoài ý muốn vẫn xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Điểu, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TBXH cho biết, tình hình TNLĐ trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại các công trình xây dựng do các DN ngoài tỉnh thi công xây dựng. Nguyên nhân là do một bộ phận DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa nhận thức và quan tâm, đầu tư cho công tác ATVSLĐ.
Việc tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ, các quy chuẩn, tiêu chuẩn và các chế độ, chính sách về ATVSLĐ tại một số DN chưa nghiêm. Việc kiểm soát, đánh giá rủi ro về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, sự cố cháy nổ… tại nhà xưởng, nơi làm việc ở một số DN chưa được thực hiện. Điều đó dẫn tới nhận thức về ATVSLĐ của một bộ phận người sử dụng lao động và NLĐ còn hạn chế.
Năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 261 vụ TNLĐ, làm 263 người thương vong. Trong đó, 17 vụ TNLĐ làm chết 18 người, giảm 2 người so với năm 2020. Đa số các vụ TNLĐ tập trung ở lĩnh vực xây dựng, công nghiệp luyện kim, cơ khí.
Tại BR-VT, nhiều vụ TNLĐ đã được điều tra, làm rõ nguyên nhân. Có những vụ nghiêm trọng chết người đã bị xử phạt nghiêm, thậm chí khởi tố người đứng đầu DN và những người liên quan.
|
Với NLĐ làm việc tự do, không có quan hệ lao động thì việc chuyển từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp còn hạn chế về kiến thức an toàn lao động nên ý thức phòng tránh nguy cơ rủi ro do TNLĐ chưa cao.
BR-VT là địa phương có tỷ lệ tăng trưởng cao. Trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh sẽ khởi công xây dựng nhiều dự án với quy mô lớn, hoạt động trong các lĩnh vực đặc thù như chế biến, khai thác dầu khí, hóa chất… tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn lao động, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ.
Theo ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH, để ngăn ngừa và giảm thiểu hậu quả của những vụ TNLĐ thương tâm, đau lòng thì các cấp, các ngành, nhất là DN và NLĐ phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATVSLĐ; chủ động và tăng cường các giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0, kiểm soát các nguy cơ rủi ro mất ATVSLĐ tại nơi làm việc.
Để ngăn ngừa TNLĐ theo Hội đồng ATVSLĐ tỉnh thì cần đổi mới, tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATVSLĐ trong các DN, phù hợp từng ngành nghề, lĩnh vực. Trong đó, tập trung ưu tiên tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về ATVSLĐ cho NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động (lao động tự do).
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần tiếp tục tổ chức tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ cho các nhóm đối tượng. Đặc biệt, tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về ATVSLĐ tại các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là tại các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh; chú trọng các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng như xây dựng, gia công cơ khí... Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định pháp luật về ATVSLĐ.
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN