Đó là mục tiêu mà ngành chức năng cũng như bà con tiểu thương đang hướng đến. Vì thế, bên cạnh việc đầu tư, nâng cấp, thay đổi mô hình quản lý chợ của ngành chức năng, nhiều tiểu thương cũng đang thay đổi cả hình thức kinh doanh lẫn chất lượng hàng hóa để thu hút khách hàng, tăng sức mua.
Người dân mua sắm và thanh toán tiền qua hình thức quét mã QR Code tại chợ Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu.
|
Thay đổi để thích ứng
Hiện nay, các tiểu thương chợ truyền thống đang dần tiếp cận với kênh bán hàng trực tuyến thông qua điện thoại di động, mạng internet để bắt kịp xu thế. Phần lớn tiểu thương đã chủ động chuyển sang kinh doanh song song 2 hình thức: bán trực tiếp tại sạp hàng và bán online.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà, tiểu thương chợ Rạch Dừa (TP. Vũng Tàu) cho biết, trước đây, việc kinh doanh thịt heo tại chợ chủ yếu theo kiểu chờ khách đến, nhưng nay chị phải chủ động tìm khách hàng. “Từ khách quen, tôi chủ động xin số điện thoại để gọi điện cho khách mỗi khi có hàng ngon. Khi khách đặt hàng, tôi giao hàng cho khách tận nơi hoặc để dành để khách ghé lấy. Bên cạnh đó, với khách quen, tôi làm sạch sẽ, sơ chế theo yêu cầu của khách. Nhờ cách làm này nên không những giữ được khách, tôi còn có thêm nhiều khách hàng mới tìm đến”, chị Hà nói.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Bích, tiểu thương chợ Đất Đỏ cho biết, do lượng khách đến chợ giảm mạnh, trong khi phải chi nhiều khoản chi phí đầu vào, chị đã nhanh nhạy cập nhật các mẫu quần áo mới mỗi ngày trên trang facebook, zalo của mình để giới thiệu với khách hàng. Những thông tin về sản phẩm đều được chị ghi rõ ràng. Vì vậy, lượng khách của chị cũng tăng thêm. “Nhờ bán hàng qua các kênh online của mình, nhiều khách hàng biết đến quầy hàng của tôi hơn. Khách hàng ở vùng nông thôn thích xem trực tiếp sản phẩm hơn, nên sau khi được người quen giới thiệu sản phẩm của tôi trên facebook, zalo họ đến trực tiếp quầy hàng để lựa chọn. Một vài lần như vậy, họ tin tưởng nên sau này họ chỉ cần đặt trên mạng là tôi giao tận nơi. Để giữ khách nên dù bán trực tiếp hay online tôi cũng lấy chữ tín làm đầu để giữ chân khách”, chị Bích nói.
Để bắt kịp xu hướng tiêu dùng mới, nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống vừa kinh doanh trực tiếp và online qua zalo, facebook. Trong ảnh: Chị Nguyễn Thị Bích (trái) tiểu thương chợ Đất Đỏ ngoài bán hàng tại sạp còn bán hàng online. |
Thời gian qua, Sở Công thương cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ năng quản lý bán hàng và văn hóa kinh doanh cho tiểu thương, đại diện các cửa hàng... trên địa bàn tỉnh. Thông qua các lớp tập huấn này, tiểu thương, người bán hàng hiểu được rằng, để thành công trong kinh doanh, trước hết phải ứng xử lịch sự với khách hàng. Cụ thể là mời chào nhẹ nhàng, không chèo kéo khách; hiểu các sản phẩm, dịch vụ của mình để tư vấn cho khách hàng khi cần thiết, không nên nói quá sự thật về mặt hàng nào đó mà mình chưa hiểu rõ. Không được quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, bà con tiểu thương cũng biết cách sắp xếp và trưng bày sản phẩm, hàng hóa sao cho khoa học, vệ sinh quầy hàng sạch sẽ, gọn gàng nhằm tạo sự thoải mái khi khách bước đến quầy sạp.
Đi chợ không cần tiền mặt
Gần đây, mô hình thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt thường thấy ở các siêu thị, trung tâm thương mại đã xuất hiện tại chợ truyền thống.
Theo BQL chợ Thắng Nhất, mô hình “Chợ 4.0” được UBND TP. Vũng Tàu phối hợp với Viettel BR-VT triển khai thực hiện tại chợ từ đầu tháng 3/2022. Hơn 100 tiểu thương kinh doanh tại chợ đã được nhân viên Viettel cài đặt ứng dụng Viettel Money miễn phí. Với ứng dụng này, những đơn hàng lớn vài triệu đồng hay những bó rau có giá vài ngàn đồng, người mua chỉ cần quét mã QR được đặt tại mỗi quầy hàng nếu có điện thoại thông minh hoặc soạn theo cú pháp *998# để chuyển tiền di động (mobile money) cho người bán.
Ông Hoàng Văn An, Phó Ban Quản lý chợ Vũng Tàu cũng cho biết, BQL chợ đang phối hợp với Viettel BR-VT để triển khai mô hình “Chợ 4.0” - thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ trong tháng 4 này. Với mô hình này, Viettel sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí tạo mã QR Code cho tiểu thương đang kinh doanh tại chợ. Qua đó góp phần tạo thuận lợi và thay đổi thói quen thanh toán cho cả người dân và tiểu thương. Hy vọng khi mô hình này được triển khai sẽ góp phần tăng người dân đến chợ mua sắm.
Ông Lưu Ngô Trọng Dũng, Phó Giám đốc Viettel BR-VT cho biết, mô hình “chợ 4.0” triển khai tại chợ Thắng Nhất” là “chợ số” thứ 2 trong cả nước được vận hành sau chợ Cồn của TP. Đà Nẵng.
Với mô hình chợ 4.0 này, chợ truyền thống sẽ chuyển dịch thanh toán số một cách toàn diện, phục vụ mọi nhu cầu thanh toán tại chợ chỉ trên một ứng dụng Viettel Money. Tiểu thương tại chợ chỉ mất một phút đăng ký trên ứng dụng Viettel Money là được cấp mã QR Code. Còn người dân đi chợ, gửi xe, mua hàng dù chỉ là bó rau hay vài lạng thịt chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR là có thể thanh toán mà không cần dùng tiền mặt. Trước mắt, tiểu thương và người đi chợ được miễn phí mở tài khoản, miễn phí các loại phí duy trì và nhận tin nhắn hàng tháng; chuyển tiền miễn phí đến các tài khoản ngân hàng trên toàn quốc.
Để hoạt động chợ truyền thống đạt hiệu quả, phát triển song hành với các loại hình buôn bán khác, Sở cũng tập trung đẩy mạnh thực hiện việc đổi mới quản lý chợ theo mô hình xã hội hóa. Đồng thời, kêu gọi đầu tư, cải tạo hệ thống chợ vùng nông thôn nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu mua sắm của người dân, du khách khi đến du lịch tại địa phương.
(Ông Trương Văn Thôi, Phó Giám đốc Sở Công thương)
|
Sau chợ Thắng Nhất, hiện Viettel đang triển khai thực hiện tại chợ Vũng Tàu. Thời gian tới, Viettel sẽ triển khai một số chương trình ưu đãi cho người đi chợ nhằm kích cầu người dân đến chợ”, ông Dũng nói.
Theo ông Trương Văn Thôi, Phó Giám đốc Sở Công thương, để chợ truyền thống phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, Sở Công thương cũng đang nỗ lực cùng các địa phương tiếp tục xóa bỏ, ngăn chặn việc phát sinh chợ cóc, chợ tạm, đồng thời phát triển các chợ an toàn thực phẩm, chợ văn minh thương mại. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp để giải quyết những khúc mắc trong hệ thống tiểu thương, bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh. Bên cạnh đó, hàng năm, Sở tiếp tục tổ chức tập huấn cho các hộ tiểu thương về quy định trong xây dựng chợ an toàn thực phẩm, kỹ năng, văn hóa bán hàng. Vận động tiểu thương thay đổi cách ứng xử, xây dựng văn hóa kinh doanh văn minh, lịch sự, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU