Mỗi tấn cá trích vận chuyển lên bờ, nhóm “phu gánh cá” được thương lái trả công 500 ngàn đồng, chia nhau mỗi người được vài chục ngàn. Ngày suôn sẻ mỗi người kiếm được từ 250 – 300 ngàn đồng, cũng có ngày họ chỉ biết ngồi buồn nhìn nhau khi thuyền về ít cá.
Cá sau khi phân loại được hốt vào giỏ, mỗi giỏ cá nặng khoảng 20kg. |
Tất bật gánh cá
7 giờ sáng, ông Trần Văn Thành (69 tuổi, TT. Long Hải, huyện Long Điền) ngồi ở dãy ghế trước Dinh Cô nhìn xa xăm về phía biển. Chốc lát ông lại đứng dậy đi qua đi lại, buông giọng lo lắng: “Trời âm u quá, giờ này thuyền vẫn chưa vào, có khi hôm nay lại ít cá rồi”.
Ông Thành cho biết, trên bến trước Dinh Cô có khoảng 100 người làm nghề gánh cá thuê, với 7-10 người/nhóm. Cứ mỗi tấn cá gánh lên bờ, họ được thương lái trả công 500 ngàn đồng. “Thuyền về lúc nào thì công việc bắt đầu lúc đó. Mỗi nhóm phụ trách gánh cá của 3 – 5 chiếc thuyền đã thoả thuận trước, nên dù đông người làm nhưng không hề có sự tranh giành nhau”, ông Thành nói.
Trên bến lúc này, người gánh cá thuê đã tụ tập từng nhóm với xe đẩy, quang gánh và từng chồng giỏ nhựa. Trong lúc chờ đợi, họ tranh thủ ăn vội miếng bánh, trái bắp lót dạ và bàn về chuyện công việc, con cái.
30 phút sau, những con thuyền sau một đêm miệt mài đánh bắt, hiện rõ dần trên mặt biển và tiến dần vào bờ. Những chiếc thuyền này chủ yếu đi trong ngày với vùng biển đánh bắt cá trích cách bờ chỉ khoảng 10 hải lý. Khi cách bờ chừng 100m, thuyền thả neo chờ thuyền thúng cập mạn chuyển cá trên khoang vào bờ. Đây cũng là lúc nhóm phu gánh cá vào việc.
Từng nhóm người theo phân chia từ trước nhanh chóng đẩy xe kéo chạy ra biển để vận chuyển cá vào bờ. Nhóm của ông Thành cả đàn ông và đàn bà tất bật chất những khay cá tươi nặng trịch trên thuyền thúng xuống xe rồi người kéo, người đẩy dùng hết sức kéo cá vào bờ.
Một tấm bạt nhỏ được trải trên nền cát, nhóm phụ nữ nhanh chóng xúm lại phân loại cá. “Mùa này cá trích lẫn với các loại cá khác, đồng thời kích thước cũng không đồng đều nên phải phân loại vất vả hơn. Phân loại xong mới cho vô giỏ từ 20kg - 25kg/giỏ để gánh lên bờ”, bà Lam (48 tuổi) một người có thâm niên gánh cá thuê gần 20 năm chia sẻ.
Phân loại và xúc cá vào giỏ xong, mọi người chủ động bắt cặp với nhau nhanh chóng xỏ quang gánh vào các giỏ nhựa đầy ắp cá gánh từ dưới bến lên đường lớn nơi xe tải đậu chờ sẵn để chở về kho của thương lái. Đã quen với công việc, họ bước đi như chạy trên cát, phăng phăng lên bậc thang dốc đứng với gánh cá nặng trĩu trên vai.
Có thời gian lo cho gia đình
Nghỉ ngơi sau khi chuyển xong 2 tấn cá trích, ông Nguyễn Văn Hùng (52 tuổi) cho hay, cá trích thì các thuyền ngư dân đánh bắt lai rai quanh năm, nhưng mùa có nhiều cá nhất là từ tháng 7 năm trước, kéo dài đến tháng 4 năm sau. Những người như ông Hùng cũng chủ yếu gánh cá thuê vào thời gian này.
Còn các tháng khác, phụ nữ thì vô cảng làm cá, đàn ông đi làm đủ thứ công việc khác nhau để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Ông Hùng nói: “nghề gánh cá thuê thu nhập vô chừng. Thường thì làm được 250 – 300 ngàn đồng, hôm nào nhiều cá, làm gần như cả ngày thì nhiều nhất cũng được 350 ngàn đồng, cũng có hôm ít cá chỉ được vài chục ngàn đồng”.
Ông Hùng cho biết thêm, hết mùa gánh cá trích, ông lại đi làm phụ hồ, làm thuê lặt vặt quanh vùng. “Tôi ra đây gánh cá một buổi sáng, hôm nào nhiều việc thì làm qua trưa chút xíu. Còn buổi chiều được nghỉ ngơi, lo việc nhà, lúc nào mệt quá thì nghỉ chứ không phải khuôn khổ như đi làm việc khác nên cảm thấy thoải mái hơn”, ông Hùng nói thêm.
Tương tự, ngư dân Đặng Văn Thành (79 tuổi, ngụ Long Hải) cho hay, trước đây ông cũng đi biển đánh bắt cá. Mấy năm nay tuổi cao, sức yếu không trụ nổi với sóng gió nên ông đành ở trên bờ làm nghề gánh cá thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống. Dù thu nhập không cao nhưng hằng ngày ông được hít thở gió biển, vị mặn của muối và nhìn những con thuyền trở về với khoang đầy ắp cá là ông cảm thấy vui sướng.
Còn bà Lam cho hay, nhà bà có hai con thì cả hai đều đi làm công nhân ở KCN. Còn bà và chồng ở nhà tranh thủ lúc nhàn rỗi đi làm thuê, gánh cá kiếm thêm thu nhập. “Gánh cá dù thu nhập thấp hơn nhưng có thời gian lo nhà cửa, cơm nước cho con cái và chăm lo gia đình.
Chứ làm công ty ở các KCN thì không có thời gian và chúng tôi cũng lớn tuổi, sức khoẻ yếu có nơi nào nhận đâu”, bà Lam nói. Cũng giống nhiều người làm nghề gánh cá ở đây, hết mùa cá trích, những lao động như bà lại vô cảng cá làm cá khô, nhặt cá hoặc làm đủ thứ nghề để kiếm tiền đắp đổi qua ngày.
Bài, ảnh: BẠCH LONG