Có những người thật… kỳ cục. Lúc nào họ cũng có cảm tưởng như mình có trách nhiệm…. toàn nhân loại. Hễ thiên hạ có xẩy ra chuyện gì, dù nhỏ dù lớn thì họ đều ghé mắt đến, xía vào. Mà, nếu suy nghĩ kỹ ta thấy cũng “hợp lý” vì có ý kiến cho rằng, thời buổi này, khó ai có thể biệt lập, riêng lẻ như An Tiêm, Robinson sống trên đảo hoang.
Ai cũng cần “kết nối” với thế giới chung quanh, cần có nhiều mối quan hệ khác nhau và cứ thế, cuộc sống của người này lại có tác động hỗ tương đến người khác. Vì lẽ đó, một khi ta biết/bình luận về chuyện của họ thì ngược lại, cũng vậy thôi. Điều này, nghĩ cho cùng đơn giản và lẽ đời bao giờ cũng vậy.
Nghe cũng có lý, nhưng rồi không ít người vợ/ chồng phải méo mặt vì “một nửa” đã quan tâm đến chuyện ất ơ một cách quá đáng.
Thật vậy, có điều đáng phàn nàn là không ít người lại có “năng khiếu” kỳ lạ, dù chưa hề qua một khóa đào tạo “nghiệp vụ” nhưng lại nắm bắt thông tin sốt dẻo nhanh như chớp. Rồi tha hồ bình luận theo góc nhìn cực kỳ chủ quan. Không chuyện gì xẩy ra trong khu phố/chung cư có thể lọt ra ngoài sự quan tâm sít sao của họ. Nhà kia, nhà nọ vừa mới xảy ra chuyện gì, chưa kịp hỏi thì họ đã quang quác mồm mép thông báo “có đầu có đũa” như thể mình là người trong cuộc. “Nói nhỏ nghen, chuyện này chỉ kể cho mỗi anh/chị biết. Giữ kín, kẻo không thiên hạ bảo tớ rỗi hơi bép xép”.
Tưởng là vậy, nhưng thông tin này đã rò rỉ đời tám hoánh cũng từ cái miệng họ!
Đi làm về nhà, mệt đứ đừ, anh chàng nọ chưa kịp dắt xe vào nhà, chị vợ đã bước ra cổng, níu áo thì thầm: “Anh vào đây, em kể chuyện này cho nghe. Khiếp quá”. Nhìn thấy gương mặt căng thẳng, lo lắng của vợ, trái tim anh đập thình thịch chẳng rõ chuyện dữ hay lành. Cô nhóc bị ốm sốt à? Nhà vừa bị mất trộm à? Anh nín thở, lắng nghe. “Anh biết không, cô X ở đầu ngõ nhà mình đó, vừa mới bị đánh ghen. Trời, mụ kia kéo cả con đàn cháu đến quát tháo ầm ĩ. Cuối cùng, anh biết sao không? Đánh ghen nhầm nhà, nhầm người! May có công an khu vực xuống kịp thời nên không xẩy ra án mạng. Khiếp chưa?”.
Tưởng gì, anh vội xua tay: “Ừ, khiếp” rồi lảng qua chuyện khác. Nhưng không, cô vợ vẫn tiếp tục mở máy “phát thanh” như bình luận viên bóng đá: “Tội nghiệp cô X quá anh ạ. Mặt mày xanh lét xanh le như tàu lá chuối, cô cố thủ trong nhà, gào lên thảm thiết nhằm “thanh minh thanh nga” mà mụ kia có tin đâu, cứ xông tới như muốn ăn tươi nuốt sống”.
Anh chồng suy nghĩ một lúc rồi hỏi: “Thế chiều nay em không đi đón bé con, chứ sao lại biết chi tiết rõ thế?”. Cô vợ cười lỏn lẻn: “À, em vừa mới nghe chị A đối diện nhà mình kể lại”. Trong khi đó, chuyện anh cần nghe, cần biết là trong ngày con cái học hành, cơm nước ra sao thì lại không thấy vợ đả động gì đến. Có những câu chuyện từ người này đến người kia đã được “thêm mắm thêm muối” cho tăng phần ly kỳ, hấp dẫn. Từ câu chuyện có hỏi thăm nhà người quen, đến chuyện đánh ghen cô X, cảnh sát khu vực phải can thiệp là một thí dụ.
Nếu những câu chuyện tầm phào ấy, nghe qua rồi bỏ thì chẳng sao. Nhưng tệ hại nhất là lúc nghe chồng/vợ kể rồi cao hứng bình luận, tranh cãi xem cái lý thuộc về ai. Không ai chịu ai, thế là họ đâm ra cãi nhau chí chóe dù chuyện ấy chẳng liên quan gì đến mình. Không phải chuyện của mình, hơn nữa cũng không nắm rõ thông tin mà vợ chồng lại cãi nhau, có phải vô duyên không? Đó là chưa kể, bình luận chuyện nhà người ta mà lọt vào tai “đương sự” không khéo thành lớn chuyện.
Có câu chuyện hài hước, tiếu lâm dù rằng bịa nhưng cũng khiến ta suy nghĩ. Rằng, trong cuộc thi hoa hậu rất hoành tráng thuộc… cấp phường, có câu hỏi dành cho thí sinh: “Muốn có hàm răng đẹp, không cần trồng lại răng, ta phải làm gì?”. Sau đây là đáp án đúng: “Trước hết phải đánh răng đúng phương pháp mỗi ngày. Và điều quan trọng nhất là… đừng bao giờ xía vào chuyện người khác”. Thế nhưng, nhiều người lại quên béng đi vế thứ 2.
Mới đây trong khu phố tôi, có người vừa qua đời. Lúc tang gia bối rối đang bàn tính ngày giờ, thực hiện các nghi thức tiễn đưa người quá cố. Chuyện của họ nhưng anh nọ có biệt danh “B thời sự”, lại cảm thấy mình phải có trách nhiệm (!?). Thế là anh chủ động bước qua chia buồn rồi nhân tiện bàn luận, góp ý hăng tiết vịt, khuyên tang chủ phải thế này, thế kia cứ thế như đang lo chuyện nhà mình.
Nhằm đưa ra bằng chứng thuyết phục, “B thời sự” kể trước kia bố của cô Y mất, do nhờ anh ta góp ý nên mới mồ yên mả đẹp. Do đó, bây giờ con cái mới ăn nên làm ra, vợ chồng đi nước ngoài như đi chợ. Chẳng rõ thông tin này có thật hay không, chẳng ai buồn quan tâm đến bởi chuyện riêng tư ấy, chẳng ai rỗi hơi quan tâm, tìm hiểu.
Nếu chỉ “bà tám” đến đó, cũng như thể câu chuyện “cà kê dê ngỗng”, thiên hạ nghe qua rồi bỏ nhưng anh ta còn nói nhỏ với bộ mặt nghiêm trọng như tiết lộ thông tin động trời: “Ấy thế, cô Y nhà đó bạc bẽo lắm, nhờ tôi mà sau này chẳng có quà cáp gì, chứ đừng nói gì đến lời cám ơn”. Những lời than phiền đó, nào ngờ đến tai gia đình cô Y. Cuối cùng, anh “B thời sự” phải… đến nha khoa làm lại hàm răng mới!
Do nắm bắt thông tin “hot” mới xảy ra, người ta càng có nhu cầu san sẻ, kể lể cho người khác. Trong khi đó, nhà mình vẫn còn khối chuyện mà mình chưa giải quyết xong. Ngay trong nhà từ cái bóng đèn hư, máy giặt trục trặc, tường nhà thấm nước đến chuyện đứa con lớn chưa xin được việc làm v.v… Còn biết bao nhiêu chuyện, vợ chồng phải tìm cách giải quyết! Éo le thay, họ dửng dưng “không nghe, không thấy, không biết”, lại mất thời gian bàn chuyện thiên hạ.
Đã thế, do la cà nhiều nơi nên biết nhiều chuyện, lúc về nhà là trút hết vào tai vợ/chồng như câu chuyện của nhà mình! Khổ nổi, “một nửa” phải ngồi nghe như cực hình. Trong khi đó, họ chỉ cần “nửa kia” kể lại, bàn luận mọi việc xảy ra tại nhà là đủ, còn chuyện ngoài đường, ngoài phố thì nghe/biết để làm gì? Mà trách nhiệm giải quyết cũng chẳng phải thuộc về mình. Nhiều người có tâm lý muốn chứng tỏ chuyện gì mình cũng biết, cũng quan tâm. Ừ, muốn quan tâm đến cả thế giới cũng chẳng sao. Nhưng có một sự thật hiển nhiên, chuyện nhà mình phải là mối quan tâm trước nhất và cũng mới là thiết thực nhất.
LÊ MINH QUỐC