Ngày 2/4 hằng năm được LHQ chọn là Ngày “Thế giới nhận thức về chứng tự kỷ”. Qua đó, kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng dành cho những người mang khuyết tật này. Ở BR-VT, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phước An (53/1 Lê Hồng Phong, TP.Vũng Tàu) đang là địa chỉ tin cậy của nhiều gia đình có con mắc hội chứng tự kỷ gửi gắm.
Một giờ học của các cháu tại trung tâm. |
Quá trình mong con hòa nhập cộng đồng
Chị T.N.H có con 4 tuổi mắc tự kỷ đang được chăm sóc, giáo dục tại Trung tâm, chia sẻ: “Ban đầu gia đình nhận thấy cháu luôn im lặng, ánh mắt không nhanh nhẹn. Nhìn rất ngơ ngác và mỗi khi gia đình đoàn tụ, hỏi han cháu thì cháu sẽ chạy đi chỗ khác ngay.
Qua nhiều lần đem cháu đi thăm khám các bệnh viện lớn, tôi mới biết cháu mắc chứng tự kỷ nên ngoài việc điều trị bằng thuốc men, mỗi ngày gia đình lại đưa cháu tới Trung tâm Phước An. Mỗi buổi học như vậy kéo dài trong 1 giờ... Gần ba tháng, cháu tham gia học tại đây rất tiến bộ, đã biết hát, nhảy theo nhạc và linh động hơn. Và sau gần 1 năm cháu đã có sự tiến bộ. Cháu tự biết xúc ăn, biết vệ sinh cá nhân và hơn nữa là cháu đã có thể hiểu và làm theo một số yêu cầu đơn giản về việc vặt trong nhà”.
Chị B.T.L (TT. Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ) cho con theo học tại Trung tâm Phước An nói: Trẻ lên ba cả nhà tập nói, rồi biết “nói lý”. Trong khi, con mình dù đã 5 tuổi không bi bô tập nói, không giao tiếp với người thân như những bạn cùng lứa. Chỉ thích chơi duy nhất một trò là nhặt đồ chơi vào giỏ rồi lại đổ hết đồ chơi trong giỏ ra ngoài lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày.
Vợ chồng chúng tôi rất buồn. Đưa bé đi khám nhiều nơi và được kết luận là bé mắc chứng tự kỷ. Thời gian đầu tôi rất suy sụp. Nhưng sau tìm hiểu qua sách vở, tôi hiểu hơn về hội chứng này nên tôi cho con học tại Trung tâm Phước An và đồng hành cùng con. Sau gần 2 năm theo học, cháu đã có nhiều thay đổi. Mạnh dạn hơn, thích đi học hơn. Xúc động nhất là khi cháu biết gọi “mẹ ơi” khiến tôi hết sức ngạc nhiên, không tin nổi vào tai mình nữa. Tôi ôm chặt lấy con và khóc bởi sự nỗ lực của vợ chồng tôi, cũng như của giáo viên tại đây đã có thành quả.
Từng lời chia sẻ của chị B.T.L. tuy nói ra có vẻ như thật dễ dàng, nhưng đôi mắt của chị đượm buồn, dẫu biết rằng gia đình và nhà trường đã cố gắng rất nhiều để giúp con được phát triển sớm hòa nhập với cộng đồng.
Bà Lê Thị Chính Lan, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phước An cho biết: “Để chăm sóc trẻ tự kỷ, ngoài tình yêu thương sẻ chia của gia đình và các GV thì môi trường học cũng là một yếu tố quan trọng. Muốn các cháu hòa nhập cộng đồng cần có môi trường thân thiện và ở đó ngoài các bài dạy của GV thì luôn cần sự nỗ lực, đồng hành và tin tưởng của các bậc phụ huynh, bởi sự tiến bộ của các cháu rất chậm, có khi mất rất nhiều tháng, năm; mà đặc biệt là cần cái nhìn đúng đắn, cảm thông của cộng đồng”.
Yêu thương, thấu hiểu và sẻ chia
Để giúp đỡ trẻ bị tự kỷ có thể hòa nhập được với cộng đồng, Trung tâm Phước An đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chẩn đoán, tư vấn cho phụ huynh và can thiệp hỗ trợ cho các cháu tốt hơn. Ngoài ra, Trung tâm còn thường xuyên phối hợp với các bác sĩ, chuyên gia đến từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để tập huấn, hướng dẫn cho phụ huynh và GV các phương pháp mới. Sau hơn 10 năm hoạt động, Trung tâm đã đón nhận rất nhiều trẻ đến theo học, trong đó hàng năm số HS hòa nhập cộng đồng với các bạn cùng trang lứa ở năm sau luôn cao hơn năm trước.
Cũng là mắc chứng tự kỷ nhưng những trẻ tham gia học ở Trung tâm Phước An không giống nhau. Có trẻ chậm phát triển trí tuệ, lại có trẻ tăng động, giảm chú ý và nhiều trẻ khác bị khiếm thính, rối loạn về khả năng ngôn ngữ. Mỗi lớp học sẽ có những nội dung giáo dục khác nhau, các lớp can thiệp cá nhân thì có một cô một trò, các lớp học kỹ năng theo nhóm từ 3 – 5 em một lớp, nhằm rèn luyện kỹ năng tạo lập và phát triển các mối quan hệ xã hội, kỹ năng giao tiếp hoặc khả năng vận dụng trí tưởng tượng... Ngoài ra còn có thêm các khu chức năng khác như phòng vận động, sân chơi cát, hồ bơi, sân vườn.
Cô Hoàng Dung, giáo viên hỗ trợ hòa nhập tại Trung tâm Phước An cho biết: “Để tạo sự gần gũi giữa cô và trò khi nói chuyện cùng các bé mình phải nhẹ nhàng, vừa là GV, vừa là bạn, là mẹ thì các bé mới nghe. Mỗi em đều có những hoàn cảnh khác nhau và mức độ quan tâm của phụ huynh cũng khác nhau. Tôi nghĩ, các em đến được lớp đã là rất nỗ lực rồi. Tuy nhiều lúc GV chúng tôi có thêm phần vất vả, nhưng nếu hiểu sẽ thấy các em sống rất tình cảm và động lực để chúng tôi cố gắng nhiều hơn”.
Bài, ảnh: HẠNH DUYÊN
Theo các chuyên gia, hội chứng tự kỷ cần được phát hiện sớm và can thiệp đúng cách để trẻ hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, việc giáo dục trẻ tự kỷ cần sự phối hợp chặt chẽ giữa GV và phụ huynh, gia đình của trẻ, tất cả các thành viên phải kiên nhẫn, dùng cả tình thương yêu, gần gũi với trẻ để dạy bảo đúng phương pháp, giúp trẻ thoát ra được “thế giới chỉ của riêng mình” để giao tiếp, cảm nhận và hòa nhập. |