Ám ảnh trước những vụ đuối nước ở trẻ

Thứ Hai, 04/04/2022, 19:03 [GMT+7]
In bài này
.

Đuối nước đối với trẻ em chưa bao giờ hết ám ảnh. Liên tục qua các năm, vẫn xảy ra các vụ việc đau lòng. Mới đây nhất là vụ đuối nước khiến 6 trẻ tử vong.

Những biển cảnh báo “khu vực nước sâu nguy hiểm đề phòng đuối nước” được cắm quanh hồ Suối Các,  xã Hoà Hiệp, huyện Xuyên Mộc.
Những biển cảnh báo “khu vực nước sâu nguy hiểm đề phòng đuối nước” được cắm quanh hồ Suối Các, xã Hoà Hiệp, huyện Xuyên Mộc.

Liên tiếp các vụ đuối nước thương tâm

Khoảng 14 giờ ngày 3/4, một nhóm HS nam và nữ tuổi từ 12-15 (một trường THCS trên địa bàn xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) rủ nhau xuống tắm tại hồ Suối Các, xã Hoà Hiệp, huyện Xuyên Mộc. Trong lúc tắm, 4 học sinh nữ bị đuối nước, nên những người còn lại hốt hoảng bơi vào bờ cầu cứu người dân. Tuy nhiên, khi được tìm thấy và đưa lên bờ, 4 nữ sinh đã tử vong gồm: N.T.C.T (SN 2009), P.T.G.H (SN 2009), N.T.B.N (SN 2009), T.T.M.T (SN 2009).

Hồ Suối Các có diện tích hơn 100ha. Từ trên bờ đập, bao quanh hồ có cắm biển cảnh báo “khu vực nước sâu nguy hiểm đề phòng đuối nước”. Tuy nhiên, chung quanh hồ có nhiều con đường mòn dẫn xuống hồ nên nhiều người dân địa phương tới đây vui chơi, bắt nghêu ốc. Mùa khô nước hồ rút cạn xuống để lộ những bãi đất cát rộng trải dài hàng trăm mét. Các cồn đất cát nổi lên xen lẫn là các vũng nước lớn, hố sâu nhiều mét. Thậm chí, có hố do bị múc đất sâu hoắm, vách dựng đứng cao từ 2-3m, tạo thành những cái bẫy giữa lòng hồ rất nguy hiểm.

Anh Nguyễn Đức Bình, nhân viên quản lý hồ Suối Các (thuộc Trung tâm quản lý, khai thác công trình thủy lợi, Sở NN và PTNT) cho biết,  mỗi ngày nhân viên đều đi kiểm tra quanh hồ, nhắc nhở và cảnh báo mọi người tắm và vui chơi quanh hồ việc hồ sâu nguy hiểm. “Hiện nay, buổi chiều có rất đông người ra hồ Suối Các vui chơi. Chúng tôi chỉ có thể nhắc nhở, cảnh báo họ giữ an toàn chứ không thể ngăn cản”, anh Bình nói.

Trước đó, tại huyện Châu Đức cũng đã xảy ra vụ đuối nước khiến 2 HS nam tử vong. Sáng 23/3, em H.Đ.T. và T.N.T. (HS của một trường THCS trên địa bàn xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) đến trường học. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, do chưa thấy con về, gia đình các em đi tìm. Khi tìm đến hồ chứa nước tưới cây của ông N.Đ.Q.A. (ngụ thôn Tân Giao), người thân phát hiện giày dép và quần áo của các em để trên bờ. Dưới nước, thi thể hai em đã co cứng. Hồ nước nơi hai em tử vong có chiều rộng khoảng 4m, chiều dài 8m, độ sâu gần 2m được người dân đào, trữ nước phục vụ tưới tiêu.

Nỗi đau không thể bù đắp

Khi nhắc đến hoàn cảnh gia đình cháu N.T.B.N, một trong 4 nạn nhân đuối nước ở hồ Suối Các, mọi người trong ấp Phú Hòa, xã Hoà Hiệp không cầm được nước mắt. Những người hàng xóm cho biết, gia đình N. là hộ nghèo của xã. Bố mất sớm nên mẹ N.phải tần tảo nuôi 2 con ăn học và bà nội đã già yếu. Vì hoàn cảnh khó khăn nên khi N. mất, bà con chòm xóm “của ít lòng nhiều” mỗi người dăm, ba trăm ngàn đồng phụ gia đình để lo hậu sự cho cháu N.

Ông Lê Hồng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Hiệp cho biết: “Vụ đuối nước khiến 4 HS tử vong là mất mát lớn đối với các gia đình và địa phương. Thời gian qua, địa phương đã phối hợp với các ban ấp tuyên truyền về bảo vệ trẻ trước nguy cơ đuối nước đến người dân toàn xã. Tuy nhiên, do nhận thức các em còn hạn chế, nên những vụ đuối nước đau lòng vẫn xảy ra”, ông Lê Hồng Tuấn xót xa nói.

Vừa trở lại xã Láng Lớn, huyện Châu Đức sau khi đưa đứa con trai xấu số về an táng ở quê nhà Quảng Ngãi, vợ chồng anh Huỳnh Ngọc Tường (bố mẹ nạn nhân H.Đ.T.) trông buồn bã và hốc hác. Cả hai vợ chồng dựa vào tường nhà ngồi thất thần nhớ con. Trong căn nhà cấp 4 lụp xụp được người ta cho ở nhờ trong rẫy, mọi thứ trống toác không có gì đáng giá.

“Khi cháu mất, ông nội ngoài quê gọi vào kêu đưa cháu về chôn cất. Vợ chồng chạy vạy, vay mướn khắp nơi được mới đủ tiền thuê xe và đưa cháu về. Lo công việc cho cháu xong thì vợ chồng phải vô lại vì còn đứa con gái ở một mình trong rẫy”, anh Tường ngậm ngùi nói.

Theo anh Tường, ngày 23/3, cháu đi học buổi sáng, buổi chiều ở nhà ôn bài chuẩn bị cho kỳ thi học kỳ. “14 giờ hai vợ chồng tôi rời khỏi nhà đi làm, thì 14 giờ 30 cháu trốn ra ngoài đi chơi cùng bạn và xảy ra tai nạn”, anh Tường nghẹn ngào nói.

Anh Tường cho hay, hồ nước nơi 2 cháu gặp nạn cách nhà khoảng 500m, là hồ chứa nước tưới cây của người dân trong vùng. Hồ rộng khoảng 8mx4m, sâu khoảng 3,5m và liên tục được bơm nước ra vào để tưới cây. “Bình thường các cháu đi học cũng ít khi ra ngoài chơi. Cháu Tân cũng có ra hồ này nghịch nước một lần. Tôi phát hiện được nên la mắng và cảnh báo nên cháu cũng sợ, nhưng không ngờ lúc mình đi vắng cháu lại ra chơi tiếp. Hai vợ chồng vào đây làm thuê làm mướn 5 năm, tài sản chỉ có hai đứa con mà giờ mất một đứa”, anh Tường nước mắt lưng tròng nghẹn ngào.

Cách nhà anh Tường khoảng vài trăm mét, là nhà vợ chồng anh Trần Quốc Cùng (bố nạn nhân T.N.T.). Từ ngày cháu T. mất, căn nhà cấp 4 của gia đình vốn đã trống trải nay càng hoang vu. Hai vợ chồng anh Cùng hết đi đi lại lại, ngắm nhìn di ảnh của con rồi ôm nhau khóc.

Vợ chồng anh Cùng cũng có 2 con, T. là con út. “Cháu T. ngoan lắm, nghe lời bố mẹ. Hôm đó tôi với chồng đi làm thuê, nó ở nhà học rồi cùng bạn đi chơi và xảy ra tai nạn”, chị Nguyễn Thị Phi Phi nghẹn ngào nói.

Làm gì để không lặp lại nỗi đau?

Trao đổi với PV Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Phạm Văn Quyền, Phó Chủ tịch huyện Châu Đức cho biết, địa phương cũng thường xuyên tuyên tuyền các ngành, các xã ngăn ngừa tình trạng đuối nước, nhất là ở trẻ nhỏ, và cắm biển cảnh báo ở các hồ, suối. Bên cạnh đó, vào mùa hè, các đơn vị trong huyện cũng thường xuyên tổ chức các điểm tập bơi cho các em. “Chúng tôi cũng tăng cường tuyên truyền việc quản lý, phối hợp giữa phụ huynh HS với nhà trường để quản lý các em ngoài giờ lên lớp để không xảy ra các tai nạn đáng tiếc”, ông Phạm Văn Quyền nói.

Theo ông Nguyễn Hữu Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc, ở nông thôn nhiều khu vực có ao, hồ, sông suối nguy hiểm nhưng do trẻ em với bản tính hiếu động, thích khám phá, chưa nhận thức đầy đủ về mối nguy hiểm xung quanh, thiếu kỹ năng bơi lội và cứu đuối nên dẫn đến những vụ đuối nước thương tâm.

“UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các hội, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Mở các lớp dạy bơi để phổ biến kiến thức, trang bị cho các em kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em cho người dân và trẻ em. Đồng thời, rà soát các ao, hồ chứa nước trên địa bàn (kể cả ao của gia đình) để cắm biển báo và có hàng rào bảo vệ nhằm tránh xảy ra những vụ tương tự như vừa qua”, ông Nguyễn Hữu Lộc nói.

Bài, ảnh: TRÍ NHÂN-TIỂU THIÊN

Ông Lê Văn Tuyền, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT cho biết, thực hiện Quyết định số 648/QĐ-UBND ngày 2/3/2022 của UBND tỉnh về triển khai chương trình “Bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em tỉnh giai đoạn 2022 – 2030”, Sở GD-ĐT đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trong ngành giáo dục để nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, HS và gia đình HS về ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình bơi an toàn và phòng, chống tai nạn đuối nước cho HS; Chú trọng phổ cập kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước, kỹ năng bơi và an toàn trong môi trường nước ở những vùng có chỉ số, dự báo tỷ lệ tai nạn đuối nước cao; Đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền giáo dục và các hình thức tổ chức dạy bơi cũng như hướng dẫn các kỹ năng phòng, chống đuối nước cho HS...

 

 

;
.