Vẫn nhức nhối vấn nạn bạo lực gia đình
Theo thống kê của Sở VH-TT, trong năm 2021 xảy ra 32 vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) tăng 33,33% so với năm 2020. Bên cạnh đó, tính chất, mức độ các vụ việc ngày càng phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội đồng thời gióng lên hồi chuông về sự xuống cấp trong các mối quan hệ gia đình.
Sự quan tâm của chính quyền cơ sở địa phương góp phần ngăn chặn BLGĐ. Trong ảnh: Các thành viên CLB Phòng, chống BLGĐ khu phố 5, phường 2, TP. Vũng Tàu thăm hỏi gia đình chị Vũ Ngọc Duyên (ngụ đường Hoàng Hoa Thám, khu phố 5, phường 2, TP. Vũng Tàu) về cuộc sống gia đình. |
Gia tăng bạo lực gia đình
Đã hơn 2 tuần trôi qua, nhưng người dân sinh sống tại khu vực chợ tạm Phi Trường (Trương Công Định, phường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu) vẫn chưa hết bàng hoàng về sự việc ông N.C.T (64 tuổi, ngụ phường Nguyễn An Ninh) dùng đá đánh vợ dẫn đến tử vong. Tại cơ quan điều tra, ông T. cho biết, trong quá trình chung sống, ông T. và vợ là bà N.T.T., 57 tuổi thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Khoảng 8 giờ 30 sáng 6/3, giữa ông T. và vợ tiếp tục xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Trong lúc lời qua tiếng lại, ông T. bức xúc dùng một cục đá đập liên tục vào đầu và mặt bà T., khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Sau khi gây ra vụ việc, ông T. đã đến Công an phường Nguyễn An Ninh để đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Ngày 13/1/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 45/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình về phòng, chống BLGĐ trong tình hình mới đến năm 2025. Chương trình đặt mục tiêu đạt 40% số hộ gia đình tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề về phòng, chống BLGĐ do UBND cấp xã tổ chức tại các thôn, tổ dân phố; 95% những người bị BLGĐ khi phát hiện được bảo vệ, trợ giúp pháp lý và chăm sóc sức khỏe; trên 80% những người có hành vi BLGĐ khi phát hiện được tư vấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực... |
Bà Lê Thị Thúy, Chủ tịch Hội LHPN phường Nguyễn An Ninh chia sẻ, gia đình ông T. khá giả nhưng sống khá khép kín, không tiếp xúc với người xung quanh. Năm 2021, bà T. đã từng bị ngã từ ban công tầng 2 xuống nhưng may mắn rơi trúng cây mít nên bị thương không nghiêm trọng. Địa phương đến thăm hỏi, chia sẻ nhưng bà T. quả quyết đó chỉ là tai nạn. “Giá như nạn nhân mở lòng chia sẻ, chính quyền cơ sở sâu sát hơn thì đã không có sự việc đau lòng xảy ra...”, bà Lê Thị Thúy bỏ lửng câu nói.
Trên đây là vụ việc BLGĐ vừa xảy ra vào ngày 6/3/2022 dẫn đến kết cục thương tâm. Theo thống kê của Sở VH-TT, năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 32 vụ BLGĐ tăng 33,33% so với năm 2020. Trong đó, Công an các địa phương đã tiếp nhận và xử lý vi phạm hành chính 6 đối tượng có hành vi xâm hại sức khỏe thành viên trong gia đình.
Nguyên nhân do đâu?
Ông Huỳnh Đức Dũng, Phó Giám đốc Sở VH-TT thừa nhận, BLGĐ còn diễn ra ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố với các đối tượng khác nhau; tính chất các vụ BLGĐ ngày càng tinh vi, phức tạp. Bên cạnh đó, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em trong gia đình cũng có dấu hiệu gia tăng. Nguyên nhân, trong năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và giãn cách xã hội, nhiều hoạt động phòng, chống BLGĐ của ngành và cơ quan liên quan bị hạn chế dẫn đến BLGĐ lại tiếp tục tăng sau nhiều năm được kéo giảm.
Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ LĐ-TB-XH, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019 công bố năm 2020 cho thấy: có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra), cứ 3 phụ nữ có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ. Chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an. Kết quả điều tra này còn cho thấy, BLGĐ với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP mỗi năm. |
Chuyên gia tâm lý, TS. Nguyễn Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Quốc tế Tuệ Đức - Vabis nhận định, tình trạng BLGĐ đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp này đang có xu hướng gia tăng. Bởi trong năm 2021, làn sóng thứ 4 dịch COVID-19 nên Chính phủ áp dụng giãn cách xã hội, người dân hạn chế ra ngoài để giao lưu, tương tác…, từ đó nảy sinh các vấn đề tâm lý. “Hiện cuộc sống đã trở lại trạng thái “bình thường mới”, song mỗi ngày mọi người vẫn hạn chế tiếp xúc, hạn chế ra đường để phòng, chống dịch, áp lực chăm sóc gia đình cũng nặng hơn cũng là 1 trong những nguyên nhân gia tăng BLGĐ” - TS. Nguyễn Thanh Tùng cho hay.
Cần sự vào cuộc của chính quyền cơ sở
Bà Lê Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh thông tin, để phối hợp trong công tác giảm vấn nạn BLGĐ, Hội tiếp tục duy trì 31 Tổ kết nối thông tin gồm 450 thành viên nhằm kịp thời tham gia giải quyết những vấn đề liên quan trực tiếp đến gia đình, phụ nữ, trẻ em. Song song đó, duy trì sinh hoạt và nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình liên quan đến hỗ trợ cho gia đình như: 233 tổ tư vấn pháp luật tại cơ sở, 390 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 93 CLB Gia đình hạnh phúc, 17 CLB Phòng, chống BLGĐ. Trong năm 2021, Trung tâm Tư vấn pháp luật của Hội LHPN tư vấn, hỗ trợ cho 564 trường hợp về lĩnh vực hôn nhân, mâu thuẫn gia đình.
Hiện Bộ VH-TT-DL đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Phòng, chống BLGĐ sửa đổi gồm 9 chương, 80 điều (tăng 34 điều, sửa đổi, bổ sung 33 điều, quy định mới 47 điều so với Luật Phòng, chống BLGĐ hiện hành) cũng là cơ sở quan trọng để kéo giảm vụ việc BLGĐ. Điển hình như tại quy định mới Điều 29 nêu rõ hình thức báo tin là gọi điện, nhắn tin, gửi đơn thư hoặc báo qua ứng dụng internet tới chủ tịch UBND cấp xã, công an cấp xã, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, đường dây nóng tiếp nhận tin BLGĐ, các tổ chức chính trị - xã hội địa phương. Đặc biệt, dự thảo Luật Phòng, chống BLGĐ sửa đổi đã yêu cầu mọi cá nhân có mặt tại nơi xảy ra vụ BLGĐ chủ động phối hợp bảo vệ và hỗ trợ đưa người bị BLGĐ đến nơi an toàn (Điều 32). Theo chương trình xây dựng luật của Quốc hội, dự thảo Luật Phòng, chống BLGĐ sửa đổi sẽ được Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5/2022 và sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10/2022.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thanh Tùng, để giảm thiểu tình trạng bạo lực với phụ nữ và trẻ em, hơn lúc nào hết từ trong mỗi gia đình, mọi người phải hiểu được giá trị của gia đình, tình yêu thương, sự sẻ chia để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bạo lực. Ngoài ra, xã hội cần có sự quan tâm hơn, nhất là chính quyền ở cơ sở, ở địa phương cần gần gũi hơn để tìm ra các giải pháp, giải quyết vấn đề. |
Luật sư Trương Văn Tám, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh phân tích, so với Luật Phòng, chống BLGĐ hiện hành, dự thảo đã quy định cụ thể nhiệm vụ giám sát người có hành vi BLGĐ thuộc về trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; thành viên ban công tác Mặt trận thôn, ấp, tổ dân phố; chi hội trưởng các tổ chức chính trị - xã hội; công an cấp xã. Đồng thời cho phép các tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống BLGĐ, người chứng kiến hành vi BLGĐ được sử dụng điện thoại, camera an ninh và các phương tiện hỗ trợ khác để ghi âm, ghi hình làm chứng cứ. “Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để chính quyền địa phương, cơ sở can thiệp, hỗ trợ người bị BLGĐ, nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở”, Luật sư Trương Quang Tám cho hay.
Bài, ảnh: HUYỀN TRANG