Giảm bệnh nhân trở nặng và tử vong do COVID-19 là mục tiêu chính trong công tác phòng, chống dịch bệnh được Trung tâm Chỉ huy Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc trong thời gian tới.
Bác sĩ Trạm Y tế xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) đến khám cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà. |
Ca nhiễm tăng, số ca tử vong giảm
Khoảng 1 tháng trở lại đây, số ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cao, có thời điểm ghi nhận hơn 1.300 ca/ngày. Sự diễn biến phức tạp và lây lan nhanh của dịch bệnh trong thời gian này đã được Trung tâm Chỉ huy Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh dự đoán trước và chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó.
Chỉ tính trong 7 ngày gần đây (từ ngày 4 đến 10/3), toàn tỉnh ghi nhận 6.596 ca mắc mới, trung bình 942,2 ca/ngày; tăng 413 ca so với 7 ngày trước đó (25/2 đến 3/3). Số ca mắc COVID-19 trong giai đoạn này tập trung vào nhóm từ 18-50 tuổi, chiếm hơn 50% tổng số ca mắc; nhóm từ 12-18 tuổi nhiễm bệnh tăng trong tháng 2 và đầu tháng 3 do HS bắt đầu đi học lại, chiếm khoảng 14% tổng số ca.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lên, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho biết, số ca nhiễm tại tỉnh tăng cao từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần xuất phát từ các nguyên nhân chủ yếu do HS các cấp đi học lại, du lịch mở cửa. Bên cạnh đó, mầm bệnh đã lưu hành và nhiễm sâu trong cộng đồng; trong đó, biến chủng mới Omicron đã xuất hiện trong cộng đồng. CDC tỉnh đã chuyển và giải trình tự gene 64 mẫu, gồm 49 mẫu ca bệnh cộng đồng và 15 mẫu ca bệnh người nhập cảnh về Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh. Kết quả có 5 mẫu biến chủng Omicron thuộc biến thể BA.1 (2 ca nhập cảnh và 3 ca cộng đồng ở TP.Vũng Tàu và huyện Xuyên Mộc). CDC tỉnh cũng đã gửi thêm 18 mẫu giải trình tự gene và đang chờ kết quả.
Tuy số ca nhiễm có chiều hướng gia tăng, nhưng số ca chuyển biến nặng và tử vong có dấu hiệu giảm. Từ ngày 4-10/3, toàn tỉnh có 4 ca tử vong, giảm 3 ca so với 7 ngày trước đó. Số ca tử vong chủ yếu thuộc đối tượng chưa tiêm vắc xin, chiếm 61% tổng số ca tử vong. Cùng với đó, số lượng F0 điều trị tại nhà có diễn biến bệnh chuyển nặng được chuyển vào các cơ sở điều trị COVID-19 giảm 13 ca so với 7 ngày trước đó.
Mỗi địa phương thiết lập, duy trì và bảo đảm hoạt động hiệu quả của các tổ phản ứng nhanh tại mỗi địa bàn. Các thành viên trong tổ này phải được trang bị dụng cụ sơ cấp cứu đầy đủ, tham gia tâm huyết, tích cực, phản ứng nhanh và khoa học hơn; các cơ sở thu dung, điều trị tiếp nhận xử trí cấp cứu kịp thời. Các địa phương phải làm tốt công tác truyền thông về COVID-19, quản lý F0 tại nhà, cần theo dõi các dấu hiệu, dấu hiệu trở nặng, địa chỉ liên lạc tư vấn, cơ sở y tế. |
Sắp xếp lại hệ thống cơ sở điều trị
Trung tâm Chỉ huy Phòng, chống dịch bệnh tỉnh cho rằng, số ca nhiễm tăng cao nhưng trong đó có khoảng 98% ca bệnh nhẹ được điều trị tại nhà. Vì thế, thời gian tới cần nâng cao công tác điều trị F0 tại nhà, nhất là đối với nhóm đối tượng có nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền, người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ vắc xin...) nhằm giảm chuyển viện, chuyển nặng, hạn chế tỷ lệ tử vong.
Để đạt mục tiêu trên, Trung tâm Chỉ huy Phòng, chống dịch bệnh tỉnh yêu cầu, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền địa phương cấp huyện phải xem công tác quản lý người nhiễm tại nhà là nội dung quan trọng của công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay. Đây là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị của địa phương, trong đó y tế giữ vai trò nòng cốt và chuyên môn. Các huyện, thị xã, thành phố giám sát, đôn đốc và động viên hoạt động của hệ thống y tế cơ sở, từ trung tâm y tế đến trạm y tế, trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng.
Trung tâm Chỉ huy Phòng, chống dịch bệnh tỉnh cũng yêu cầu Sở Y tế sắp xếp lại các tầng điều trị và phân công nhân lực phụ trách các cơ sở điều trị COVID-19. Trong đó, bố trí 30 giường bệnh tầng 3 tại Khoa Nhiễm (Bệnh viện Bà Rịa) và 30 giường tại Bệnh viện Vũng Tàu, phục vụ bệnh nhân nặng toàn tỉnh. 2 bệnh viện này bố trí nhân viên y tế chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân của mỗi đơn vị. Các trung tâm y tế có giường bệnh bố trí tối thiểu 40 giường tầng 2 để thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ” (tổng cộng 200 giường). Ngoài ra, Bệnh viện Vũng Tàu bố trí 40 giường bệnh tầng 2 tại đơn vị và đảm nhận công tác thu dung, điều trị bệnh nhân của TP. Vũng Tàu.
Sở Y tế thiết lập cơ sở Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh với 110 giường bệnh tầng 2 do Bệnh viện Bà Rịa phụ trách thu dung, điều trị bệnh nhân của TP. Bà Rịa và các đơn vị quá tải (ngoài TP.Vũng Tàu). Ngành cũng tái thiết lập trụ sở cũ của BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh (89, Lê Lợi, TP.Vũng Tàu) với quy mô 380 giường, trong đó có 100 giường để điều trị bệnh nhân tầng 1 của TP. Vũng Tàu, TP. Bà Rịa và các đơn vị quá tải; 280 giường điều trị bệnh nhân tầng 2 của các đơn vị khi quá tải, kể cả Bệnh viện Vũng Tàu.
Cùng với đó, Sở Y tế duy trì thu dung, điều trị bệnh nhân tầng 2 tại Bệnh viện điều trị COVID-19 cơ sở ở TTYT huyện Long Điền (134 giường) đến khi tầng 2 cơ sở Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh và Bệnh viện Vũng Tàu được kích hoạt (dự kiến từ 20/3); đồng thời duy trì đơn nguyên phẫu thuật và thận nhân tạo tại Bệnh viện điều trị COVID-19 ở cơ sở TTYT huyện Long Điền đến khi cơ sở Bệnh viện Vũng Tàu mới đi vào hoạt động ổn định (dự kiến đầu quý II/2022). Đơn vị này do Bệnh viện Bà Rịa phụ trách.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM