QUẢN LÝ CHẶT CÁC CƠ SỞ BẢO TRỢ TRẺ EM NGOÀI CÔNG LẬP

Kỳ 2: Chung tay để chăm lo tốt hơn cho trẻ

Thứ Hai, 07/03/2022, 20:26 [GMT+7]
In bài này
.

Đợt kiểm tra cuối tháng 2/2022 của Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở LĐTBXH, cũng đã phát hiện những tồn tại cần khắc phục tại một số cơ sở bảo trợ trẻ em ngoài công lập. Ngoài ghi nhận những nỗ lực của các cơ sở Đoàn đã chỉ rõ những hạn chế như: thiếu giấy tờ quản lý trẻ, chưa có phòng ở riêng bé trai, bé gái; thiếu người chăm sóc có chuyên môn nghiệp vụ… Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương nơi có cơ sở chung tay hơn nữa để trẻ có tương lai tươi sáng hơn.

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh làm việc với đại diện Trung tâm nhân đạo Bồng Lai (xã Tân Hòa, TX. Phú Mỹ)  về công tác chăm sóc, quản lý trẻ.
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh làm việc với đại diện Trung tâm nhân đạo Bồng Lai (xã Tân Hòa, TX. Phú Mỹ) về công tác chăm sóc, quản lý trẻ.

Thiếu giấy tờ quản lý trẻ

28 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập đang chăm sóc và nuôi dưỡng hơn 700 trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn đã góp phần đem lại cuộc sống tốt hơn cho trẻ em kém may mắn. Đồng thời, cũng thể hiện tinh thần chung tay vì cộng đồng để chăm lo cho trẻ. Quá trình kiểm tra thực tế, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh ghi nhận phần lớn các cơ sở đều quan tâm, chăm sóc, tạo điều kiện để trẻ phát triển tốt cả về kỹ năng lẫn tri thức.

Tuy nhiên, nhiều cơ sở còn tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể, biên bản tiếp nhận ban đầu là giấy tờ quan trọng để chứng minh nguồn gốc, tình trạng trẻ bị bỏ rơi lúc đầu. Biên bản này do cơ sở bảo trợ trẻ em phối hợp với chính quyền địa phương lập ngay khi tiếp nhận trẻ bỏ rơi và lưu vào hồ sơ tại cơ sở và tại chính quyền. Nhưng nhiều cơ sở bảo trợ trẻ em đều thiếu giấy này, cùng nhiều loại giấy tờ khác như: quyết định nhận nuôi trẻ, giấy ủy quyền giám hộ trẻ… Các giấy tờ trên rất quan trọng, là căn cứ để xác định nguồn gốc của trẻ và thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với trẻ em.

Trung tâm nhân đạo Bồng Lai (thôn Phước Tân, xã Tân Hòa, TX. Phú Mỹ) hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 80 trẻ em mồ côi, cơ nhỡ. Phần lớn trẻ em được nuôi dưỡng tại trung tâm là trẻ bị bỏ rơi trước cổng chùa. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế cho thấy, một số trẻ đều không có biên bản tiếp nhận ban đầu để chứng minh nguồn gốc, tình trạng bị bỏ rơi; một số hồ sơ thể hiện mối quan hệ cha nuôi-con nuôi không đúng quy trình, thủ tục.

Về lý do các giấy tờ không đầy đủ, ông Nguyễn Tấn Sang, Phó Giám đốc Trung tâm nói: “Một số cháu do người thân đưa vào gửi nuôi. Nhưng có cháu thì người thân mất đột ngột nên không biết đường nào để làm các giấy tờ liên quan cho trẻ. Chúng tôi sẽ khắc phục lại giấy tờ cho những trẻ còn thiếu”.

Chùa Kiên Linh (xã Hòa Long, TP. Bà Rịa) có cơ sở vật chất bảo đảm,  nơi ăn, nghỉ cho trẻ được bố trí đầy đủ, sạch sẽ. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra hồ sơ một số giấy tờ như giấy cam kết gửi con vào chùa chăm sóc chưa có xác nhận của ngành chức năng. Còn đơn xin xuất gia chưa có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ. Còn tại chùa Long Nguyên (xã Hòa Long, TP. Bà Rịa) có 2 trường hợp trẻ em bị bỏ rơi tại chùa không có biên bản tiếp nhận trẻ khi bị bỏ rơi. Tương tự, Cơ sở bảo trợ trẻ mồ côi Hồng Ân (thôn Bình Sơn, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) cũng có tình trạng nhiều trẻ không có đơn bàn giao, tiếp nhận khi vào cơ sở.

Sau đợt kiểm tra các cơ sở bảo trợ trẻ em ngoài công lập này, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh do Sở LĐTBXH tỉnh chủ trì sẽ có biên bản gửi các cơ sở, trong đó ghi rõ những nội dung, vấn đề cần khắc phục để tháng 7/2022, Đoàn tổ chức hậu kiểm. Từ đó sẽ đề xuất tỉnh có phương hướng, giải pháp quản lý, hỗ trợ các cơ sở này hoạt động đúng pháp luật, bảo đảm trẻ em có hoàn cảnh không may mắn được chăm lo tốt hơn và có tương lai tươi sáng hơn.
(Bà Đinh Thị Trúc My, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH)

 

 

Cần có chế độ đặc thù cho trẻ

Bên cạnh việc thiếu hồ sơ, giấy tờ quản lý trẻ theo quy định, nhiều cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập còn có những tồn tại như cơ sở vật chất, vệ sinh, chế độ dinh dưỡng cho trẻ chưa bảo đảm. Một số cơ sở chưa có phòng ở tách riêng cho bé trai và bé gái, thiếu người chăm sóc hoặc người chăm sóc trẻ chưa có chuyên môn, nghiệp vụ.

Thế nhưng, khi Đoàn kiểm tra yêu cầu các cơ sở này phải khắc phục những tồn tại trên nếu không sẽ chuyển trẻ về các cơ sở bảo trợ xã hội công lập để chăm lo tốt hơn thì lại vấp phải sự phản đối, nhất là tại các cơ sở chưa được cấp phép như Tịnh xá Ngọc Tuyền (TX. Phú Mỹ). Sư cô Thích nữ Giác Liên, Trụ trì tịnh xá Ngọc Tuyền nêu quan điểm: “Tôi dứt khoát không cho chuyển cháu nào về các cơ sở bảo trợ xã hội công lập”.

Với những tồn tại, hạn chế như trên, nhất là vấn đề hoàn tất các thủ tục pháp lý để được Nhà nước công nhận là cơ sở bảo trợ xã hội nên các chế độ, quyền lợi của trẻ chưa được thực hiện, khiến những trẻ vốn kém may mắn lại càng thiệt thòi hơn.

Theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP về việc quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc một trong các trường hợp dưới đây được hưởng chế độ bảo trợ xã hội: Bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi; mồ côi cả cha và mẹ; mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật; mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội; mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chỉnh tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

 

Bà Đinh Thị Trúc My, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, đối với những cơ sở chưa được cấp phép nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em khó khăn, trẻ mồ côi, Sở chỉ đạo Trung tâm Công tác xã hội hướng dẫn cho các cơ sở hoàn tất các thủ tục hồ sơ theo quy định để được Nhà nước công nhận là cơ sở bảo trợ xã hội. Sau khi các cơ sở bảo trợ xã hội công nhận, Sở LĐTBXH, Trung tâm Công tác xã hội sẽ hướng dẫn các cơ sở thực hiện các chế độ cho trẻ theo quy định. Riêng với những trẻ có quy định được hưởng chế độ bảo trợ theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP về việc quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, nhưng chưa được Nhà nước giải quyết chế độ do còn nhiều vướng mắc, Sở sẽ tổng hợp, kiến nghị với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để có chế độ đặc thù.

Ngoài ra, trong các buổi kiểm tra, Sở LĐTBHX đã đề nghị các cơ sở chú trọng chăm sóc sức khỏe, thể chất lẫn tinh thần để bù đắp sự thiệt thòi cho trẻ; bố trí cơ sở vật chất tương đối bảo đảm cho trẻ sinh hoạt; chú trọng công tác phòng, chống dịch COVID-19 để bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Sở cũng đề nghị Phòng LĐTBXH cấp huyện phối hợp với chính quyền địa phương nơi các cơ sở đóng chân tiếp tục quan tâm, vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ vật chất cho cơ sở để nuôi dưỡng trẻ tốt hơn.

Bài, ảnh: THI PHONG

 
;
.