Giúp người khiếm thị đi lại dễ dàng hơn

Thứ Tư, 30/03/2022, 19:26 [GMT+7]
In bài này
.

Trong 2 ngày 26, 27/3 vừa qua, 36 học viên là người khiếm thị (NKT) trên địa bàn tỉnh đã được học định hướng di chuyển do Hội Người mù tỉnh tổ chức. Nhờ tham gia lớp học, NKT đã biết cách đi lại dễ dàng và chính xác hơn với các trường hợp có thể bắt gặp trong cuộc sống thường ngày.

Hội viên người khiếm thị học kỹ thuật sử dụng gậy và rà tường khi di chuyển.
Hội viên người khiếm thị học kỹ thuật sử dụng gậy và rà tường khi di chuyển.

Sử dụng gậy cơ bản khi đi qua lối hẹp, cách rà tường và lên, xuống cầu thang; cách đi với người sáng; áp dụng các công nghệ mới,... là những kỹ năng NKT được học khi tham gia lớp học định hướng di chuyển của thầy Trần Bá Thiện (nguyên giảng viên công nghệ thông tin cho NKT của Trường ĐH Văn Lang, TP. Hồ Chí Minh). Là lớp có giáo viên và học viên đều khiếm thị nên các học viên vừa nghe giảng vừa thực hành nhờ các tình nguyện viên sáng mắt hỗ trợ.  Đầu tiên, các học viên sẽ được học các kỹ thuật đi một mình không sử dụng gậy chuyên dụng, kỹ thuật sử dụng gậy đúng, hiệu quả, thẩm mỹ. Đặc biệt, lớp học giúp NKT làm quen với các động tác sinh hoạt hằng ngày như xác định hướng trái phải, sau trước để mang giày dép, mắc quần áo, phân biệt vật chất cứng, mềm, kim loại, gỗ,…

Với niềm vui khó diễn tả trên khuôn mặt, một tay cầm gậy, một tay rà tường, bà Lý Thị Bảy (SN 1960, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) chia sẻ: “Trong sinh hoạt hàng ngày, mỗi lần nhờ người khác giúp đỡ tôi cảm thấy rất phiền nhưng không có cách nào hơn nên đành phải chấp nhận. Nhưng qua lớp học định hướng di chuyển, tôi có thể sử dụng gậy một cách hiệu quả, mỗi khi di chuyển chỉ cần đưa gậy chạm xuống phía trước thì tôi có thể biết được vật phía trước là gỗ, kim loại hay là gạch để tránh và đi tiếp”.

Tương tự, anh Đỗ Thiện Nhân (SN 2003, KP. Tân Hạnh, TX. Phú Mỹ) cho biết, ngày đầu tham gia lớp học, anh cảm thấy rất khó vì vừa phải nghe giáo viên nói, vừa hình dung và thực hành các động tác khác nhau. Nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình của các tình nguyện viên, được thực hành trong các không gian thực tế thường gặp, anh có thể tránh những lỗi cơ bản mà mình hay mắc phải. “Trong 2 ngày, tôi được học các kỹ thuật sử dụng gậy lúc di chuyển, cách tránh chướng ngại vật… Dù học trong thời gian ngắn, nhưng tôi cảm thấy việc đi lại của bản thân có thể dễ dàng hơn trước, những lúc đi lên, xuống cầu thang hoặc đi ra đường một mình tôi đỡ sợ hơn trước”, anh Nhân cho biết.

Bà Trần Thị Đoan Trang, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết, 1 khóa định hướng di chuyển đầy đủ, người khiếm thị cần học ít nhất 6 tháng. Nhưng do nguồn tài chính của Hội và điều kiện thời gian của học viên chưa cho phép, vì vậy, Hội Người mù tỉnh chỉ mở lớp học trong thời gian 2 ngày và hỗ trợ miễn phí hoàn toàn các khoản như nơi nghỉ, ăn uống, chi phí đi lại để học viên yên tâm tham gia. “Qua lớp học này, tôi mong các học viên có thể áp dụng các kỹ thuật cơ bản nhằm hạn chế nhiều nhất sự phụ thuộc đối với người thân. Để có thể hỗ trợ các hội viên nhiều hơn nữa, trong thời gian tới, Hội Người mù tỉnh xin kinh phí từ UBND tỉnh mở thêm các lớp để hướng dẫn những hội viên chưa được tiếp cận các kỹ thuật, giúp các hội viên đã học được ôn tập và thực hiện thành thạo hơn”, bà Trang nhấn mạnh.

 

Còn chị Nguyễn Thị Giải (35 tuổi, xã Long Phước, TP. Bà Rịa) từng được tham gia lớp định hướng di chuyển cách đây 15 năm, lần này được hỗ trợ giúp chị thuần thục hơn và biết thêm các kỹ năng mới.  “Bình thường ở nhà khi tôi muốn làm việc gì đều có người thân giúp đỡ. Nhưng sau khi tham gia lớp học, tôi đã quen các kỹ thuật sử dụng gậy, cách nhận biết âm thanh khi di chuyển, tôi đã tự làm được nhiều việc mà không phải nhờ tới người khác giúp đỡ. Tôi vừa có thể ra đường mua đồ một mình và có thể nấu ăn cho các con”, Chị Giải chia sẻ.

Thầy giáo Trần Bá Thiện bị khiếm thị từ năm 20 tuổi nên thầy hiểu được những khó khăn trong khi đi lại vì chưa thể hình dung được các chướng ngại vật xung quanh. Vì vậy, ông đã áp dụng được những kỹ thuật bản thân được học, vận động các nhà hảo tâm để lo các chi phí thực hiện lớp học và tự tôi hướng dẫn lớp học. “Với lớp học này, tôi mong giúp NKT có kỹ năng để có thể di chuyển độc lập, an toàn và có hiệu quả trong môi trường trong nhà, lúc đi ngoài đường… để phục vụ cho sinh hoạt trong mọi hoàn cảnh, kể cả không có ai bên cạnh. Tôi cũng mong chính quyền địa phương tạo điều kiện cho NKT tham gia xã hội như tạo vỉa hè, lối đi dành riêng,… ”, thầy giáo Trần Bá Thiện cho biết thêm.

Bài, ảnh: NHUNG HOA

 
;
.