Với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) công, BHXH tỉnh thời gian qua đã góp phần góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân, DN.
Người dân sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID trong KCB BHYT tại Trung tâm Y tế TP.Bà Rịa. |
Chị Nguyễn Thị Hồng, công nhân Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam (TT. Ngãi Giao, huyện Châu Đức) cho biết, từ tháng 3/2021, chị cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số. Trong đợt dịch vừa qua, nhờ có ứng dụng này, chị ở nhà nhưng vẫn thực hiện các thao tác gửi hồ sơ hưởng chính sách hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ Quỹ BHTN theo Nghị quyết số 116/NQ-CP. Thời gian giải quyết các thủ tục cũng rất nhanh.
“Tôi nhận được hỗ trợ chỉ sau vài ngày nộp hồ sơ. Ngoài ra, tôi cũng có thể cài đặt thông tin thẻ BHYT của con trên ứng dụng VissID”, chị Hồng chia sẻ.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Xuân Anh (phường 1, TP. Vũng Tàu) cho hay, thẻ BHYT trên VssID giúp các thủ tục KCB đơn giản, nhanh, chính xác và thuận tiện. Người tham gia BHYT không lo quên hoặc mất thẻ BHYT trong quá trình KCB. Đồng thời, còn có thể tự kiểm tra được lịch sử KCB của bản thân, nắm rõ được các loại thuốc, vật tư y tế và dịch vụ y tế mà cơ sở KCB cung cấp.
Theo BHXH tỉnh, việc triển khai sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay cho thẻ BHYT giấy trong khám chữa bệnh, đem lại rất nhiều thuận lợi và phản hồi tích cực từ người tham gia. Ứng dụng này là bước đi quan trọng, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số của ngành. Theo thống kê của BHXH tỉnh, tính đến 31/12/2021, toàn tỉnh có 282.989 người đã được phê duyệt tài khoản giao dịch điện tử.
Bên cạnh ứng dụng “VssID - BHXH số”, BHXH tỉnh đã triển khai thực hiện 25/25 thủ tục hành chính (TTHC) công, trong đó có 60 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công ngành và Cổng Dịch vụ công quốc gia. Ngoài ra, BHXH tỉnh còn phối hợp với ngân hàng chi trả qua tài khoản nhằm bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 và giúp ngư dân không phải đi lại nhiều lần. Đến nay, tỷ lệ đơn vị thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan BHXH là 94,48%, hồ sơ điện tử chiếm khoảng 70,3% tổng số hồ sơ được tiếp nhận, hơn 62% kết quả giải quyết TTHC được trả qua dịch vụ Bưu chính công ích do cơ quan BHXH trả phí.
Theo ông Phạm Ngọc Sơn, Giám đốc BHXH tỉnh, hướng đến chuyển đổi số, bảo đảm an sinh cho người dân, ngành BHXH thời gian tới sẽ tăng cường đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cải cách TTHC nhằm công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan BHXH, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân, DN. Đồng thời tiếp nhận, xử lý kịp thời và trả lời đầy đủ phản ánh, kiến nghị của người dân, DN về các vướng mắc khó khăn trong thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN thuộc thẩm quyền.
Để đạt được mục tiêu trên, BHXH tỉnh tiếp tục liên thông các phần mềm, góp phần xây dựng Chính phủ số, phục vụ người dân, DN với các dịch vụ tiện ích hiện đại như ứng dụng dịch vụ tin nhắn tra cứu, ứng dụng BHXH số trên thiết bị di động. Bên cạnh đó, tăng cường chi trả qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt gắn với công khai, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách; thực hiện văn phòng không giấy thông qua Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, ký số, số hóa và lưu trữ hồ sơ điện tử; triển khai hệ thống theo dõi trực tuyến công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC… Đồng thời, phối hợp có hiệu quả giữa cơ quan BHXH với các đơn vị ngoài ngành trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ của ngành, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Bài, ảnh: QUANG LÊ